Khớp cổ chân kêu lục cục, lỏng khớp có thể do bị bong gân, chệch khớp cổ chân gây ra. Tình trạng này thường bị xem nhẹ hoặc điều trị qua loa như chườm đá, bó lá mà không lường được hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Bong gân khớp cổ chân
Bong gân khớp cổ chân là tình trạng một hoặc một số dây chằng xung quang khớp cổ chân bị giãn quá mức dẫn tới rách một phần hoặc toàn bộ dây chằng dưới tác động của chấn thương.
Bong gân khớp cổ chân có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, với mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng. Phần lớn các trường hợp bong gân cổ chân là ở mức độ nhẹ, có thể tự điều trị, tự chăm sóc tại nhà bằng cách chườm đá, nghỉ ngơi, hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, nếu bạn bị bong gân khớp cổ chân ở mức độ vừa và nặng thì bắt buộc phải đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Ở mức độ nặng và vừa, nếu bạn đến viện muộn hoặc điều trị không đúng sẽ dẫn đến tình trạng bong gân mạn tính với các triệu chứng như sưng đau dai dẳng tại cổ chân, khớp cổ chân lỏng, dễ chấn thương tái phát, ảnh hưởng rất lớn đến lao động, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Hầu hết các trường hợp bong gân khớp cổ chân xảy ra ở hệ thống dây chằng bên ngoài khớp.
Nguyên nhân gây bong gân cổ chân thường là do cổ chân bị xoắn vặn đột ngột, gặp trong các tình huống chấn thương sau:
- Đi bộ hoặc tập thể dục trên nền đất mấp mô.
- Ngã từ trên cao bàn chân tiếp đất.
- Chơi các môn thể thao có động tác cắt, lăn hoặc xoắn chân như là chạy bộ đường dài, chơi bóng đá, bóng rổ, quần vợt,
- Tai nạn giao thông
- Sụt chân xuống hố sâu.
2. Lỏng khớp cổ chân là một dấu hiệu của bong gân khớp cổ chân
Ngay sau chấn thương, khớp cổ chân sẽ bị đau kèm theo sưng nề, bầm tím, căng mọng, giảm hoặc mất vận động. Khi tình trạng cấp tính qua đi, thăm khám lâm sàng có thể thấy lỏng khớp cổ chân, khớp mất vững.
Nếu bong gân cổ chân mức độ nặng, bạn có thể nghe tiếng khớp cổ chân kêu răng rắc khi bị chấn thương, sau đó mất vận động cơ năng cổ chân giống gãy xương.
Trên phim chụp X-quang cổ chân thấy: Cấu trúc xương vùng cổ chân không thay đổi. Có thể nhìn thấy hình ảnh gián tiếp của tổn thương dây chằng như bong mộng chầy mác trong tổn thương dây chằng bên mác, thấy khe sáng mắt cá trong giãn rộng trong tổn thương dây chằng delta-bên chầy.
Chỉ định chụp MRI cổ chân khi nghi ngờ tổn thương dây chằng mức độ nặng hoặc tổn thương sụn khớp và khi cổ chân hết sưng nề.
Phân độ dựa trên mức độ tổn thương dây chằng khớp cổ chân như sau:
- Độ 1 (mức độ nhẹ): Là khi dây chằng bị kéo giãn nhẹ, tổn thương chỉ ở mức độ vi thể trên các sợi xơ. Biểu hiện lâm sàng là tình trạng sưng nề nhẹ quanh mắt cá chân.
- Độ 2 (mức độ trung bình): Là khi đứt một phần dây chằng. Biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng sưng nề mức độ vừa phải quanh khớp cổ chân và có cảm giác mất vững khớp cổ chân khi thăm khám.
- Độ 3 (mức độ nặng): Là khi đứt hoàn toàn dây chằng. Biểu hiện là tình trạng sưng nề, bầm tím toàn bộ khớp cổ chân. Thăm khám sẽ thấy khớp cổ chân mất vững rõ, trên phim MRI sẽ thấy dây chằng đứt hoàn toàn.
3. Điều trị bong gân khớp cổ chân như thế nào?
Hầu hết các trường hợp bong gân khớp cổ chân không cần phẫu thuật, kể cả bong gân mức độ nặng. Ba bước điều trị bong gân khớp cổ chân đó là:
- Bước 1: Nghỉ ngơi, bất động cổ chân, giảm sưng nê.̀
- Bước 2: Tập luyện để sớm lấy lại biên độ vận động của khớp, tăng cường sức mạnh cho cơ.
- Bước 3: Tiếp tục tập luyện để thích nghi và trở về các hoạt động sinh hoạt bình thường hàng ngày.
Quá trình phục hồi phải mất 3 tuần đối với bong gân mức độ nhẹ, từ 6-12 tuần đối với bong gân mức độ vừa và nặng.
3. 1. Điều trị bong gân khơp cổ chân tại nhà
Đối với trường hợp bong gân mức độ nhe,̣ bạn có thể tự điều trị tại nhà càng sớm càng tốt bằng các cách sau:
- Nghỉ ngơi, dùng nạng khi di chuyển, không đi lại trên chân bị chấn thương.
- Chườm đá tại vị trí sưng nề: Mỗi lần chườm từ 20-30 phút, mỗi ngày chườm 3-4 lần. Không đặt đá trực tiếp lên da mà bạn để túi đá chườm qua lớp vải khăn.
- Dùng băng chun để băng ép nhẹ xung quanh khớp cổ chân.
- Kê cao chân trong vòng 48 giờ đầu.
- Dùng các thuốc giảm đau chống viêm, giảm phù nề thông thường như thuốc ibuprofen, thuốc alpha choay
3. 2. Trường hợp bong gân cổ chân nào cần đến bệnh viện?
Những trường hợp bong gân mức độ vừa và nặng với biểu hiện khớp cổ chân sưng nề nhiều, mất vững, mất vận động thì ngoài việc giảm đau, giảm sưng còn phải bất động cổ chân.
Bất động bằng cách bó bột từ 1/3 trên cẳng chân xuống bàn ngón chân trong thời gian tối thiểu 3 tuần. Sau bó bột sẽ đến giai đoạn tập luyện phục hồi.
Bong gân cổ chân rất hiếm khi cần phải phẫu thuật. Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bong gân mức độ nặng, phương pháp điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả, khớp cổ chân mất vững.
Phẫu thuật nội soi điều trị bong gân: Là phương pháp sử dụng các lỗ vào mặt trước khớp cổ chân, đưa camera vào trong khớp để quan sát diện khớp, lấy bỏ các mảnh bong sụn khớp nếu có. Sau đó khâu phục hồi dây chằng hoặc tạo hình lại dây chằng bằng các mảnh ghép từ gân cơ tự thân.
3. 3. Tập phục hồi sau bong gân khớp cổ chân
Trường hợp bong gân nhẹ, thường sau 5-7 ngày, khi tình trạng sưng, đau giảm phải tập phục hồi ngay. Chương trình tập phục hồi gồm 3 phần chính:
- Lấy lại tầm vận động và sự linh hoạt của khớp cổ chân: Bằng cách tập gập duỗi nhẹ nhàng cổ chân. Tập xoay cổ chân vào trong và ra ngoài. Tập bài tập kéo căng gân cơ bụng chân, gót chân.
- Lấy lại sức mạnh cổ chân: Thực hiện sau khi tầm vận động đạt 60-70%, tập sức mạnh gân cơ vùng cổ chân bằng cách đá chân với tạ, hoặc dây cao su co giãn.
- Tập thăng bằng: Sau khi tầm vận động và sức mạnh cổ chân gần như trở lại hoàn toàn, tập các bài tập về thăng bằng như đứng 1 chân trên chân đau, nhảy dây...
Bạn có thể chơi thể thao trở lại khi cổ chân hết sưng, hết đau khi vận động, tầm vận động khớp cổ chân bình thường, sự linh hoạt và sức mạnh của cổ chân gần như bình thường.
Khi vận động nên mang băng hoặc nẹp chuyên dùng cố định cổ chân một thời gian trong lúc tập cho sức mạnh cổ chân trở lại bình thường.
Sau thời gian điều trị bảo tồn khoảng 10 tuần, nếu bạn vẫn còn các triệu chứng như đau, sưng nề và cảm giác lỏng khớp cổ chân, bạn nên đến bệnh viện để được tư vấn điều trị phẫu thuật.
4. Biến chứng và cách phòng tránh bong gân khớp cổ chân
Phần lớn các trường hợp bong gân khớp cổ chân, nếu được điều trị đúng sẽ đạt được kết quả tốt, khớp cổ chân trở lại cơ năng bình thường. Tập luyện sau khi bất động (bó bột) đóng vai trò quan trọng trong phục hồi chức năng khớp.
Nếu tập luyện phục hồi không tốt thường dẫn đến tình trạng:
- Cứng khớp
- Đau dai dẳng quanh khớp
- Dễ tái diễn chấn thương.
Để phòng tránh bong gân cổ chân, trong quá trình sinh hoạt, tập luyện bạn cần lưu ý:
- Khởi động kỹ trước khi tập luyện, chơi thể thao.
- Đi giày thể thao phù hợp.
- Cẩn thận khi di chuyển trên nền mấp mô.
- Giảm hoặc dừng chơi thể thao khi có xuất hiện đau khớp cổ chân.
Cần tránh để tình trạng bong gân bị tái đi tái lại dẫn tới bong gân mạn tính. Nếu tình trạng đau cổ chân kéo dài trên 4-6 tuần thì gọi là bong gân mạn tính. Bạn cần tránh các hoạt động có xu hướng làm cho tình trạng bong gân mạn tính nặng lên như đi lại trên nền mấp mô, chơi các môn thể thao làm cho cổ chân dễ bị vặn xoắn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.