Theo ý kiến của các chuyên gia, bố mẹ nên tập cho trẻ ngủ riêng hoàn toàn khi bé được 3 tuổi. Tuy nhiên, quyết định cho con ngủ riêng khi nào còn phụ thuộc vào sức khỏe và tâm lý của trẻ, cũng như hoàn cảnh và cảm xúc của bạn khi phải ngủ riêng với con.
1. Lợi ích khi tập cho trẻ ngủ riêng
Theo thống kê, chỉ có khoảng 6% trẻ em ở phương Tây ngủ chung cùng bố mẹ, ở Nhật Bản là 26%, nhưng tại Việt Nam thì tỷ lệ này chiếm đa số. Thậm chí, có nhiều gia đình vẫn ngủ chung với con dù bé đã vào học cấp 1, cấp 2.
Quan niệm ở nước ta cho rằng trẻ vẫn còn nhỏ, cần được gần ở bố mẹ để yêu thương, chăm sóc và không nỡ xa con. Nhưng trên thực tế, bé ngủ chung với bố mẹ càng lâu thì càng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trong một nghiên cứu gần đây tại Anh, gần 2/3 các trường hợp đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra khi ngủ chung với mẹ. Mặc dù không xác định được nguyên nhân rõ ràng, nhưng phần lớn có thể là do bé bị người lớn và mền gối đè lên gây ngạt thở.
Các chuyên gia nhận định tập cho trẻ ngủ riêng không chỉ giúp bố mẹ có được giấc ngủ sâu hơn, mà còn có lợi cho sự phát triển của con. Trẻ được ngủ riêng sớm sẽ hình thành tính cách tự lập ngay từ nhỏ, tăng sự tự tin, không phụ thuộc và dựa dẫm vào bố mẹ khi bước vào độ tuổi đi học.
Cũng theo nhiều nghiên cứu, bé từ 3 tuổi trở lên không nên nằm chung giường với bố mẹ. Bởi vì lúc này con đã có khả năng nhận biết giới tính, dễ bị tác động tới tâm lý tình cảm. Việc không ngủ chung phòng với con còn đảm bảo sự riêng tư cho bố mẹ, duy trì hạnh phúc gia đình.
2. Cách cho trẻ ngủ riêng theo từng giai đoạn
2.1. Giai đoạn 1: Cho con ngủ chung với mẹ
Trong vài tuần đầu tiên, việc giữ con ở cùng phòng với mình sẽ giúp bạn dễ dàng làm quen với cách ngủ và tiếng thở của trẻ, cũng như nhận ra tín hiệu khi con đói. Các chuyên gia cho biết trẻ sơ sinh nên ngủ trong lòng mẹ 3 tuần đầu đời, nhằm đảm bảo phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
2.2. Giai đoạn 2: Cho con ngủ trong cũi riêng ngay bên cạnh bố mẹ
Khoảng thời gian hợp lý nhất để tập cho trẻ ngủ riêng trong cũi (nhưng vẫn còn chung phòng với bạn) là từ 4 - 6 tuần tuổi, duy trì cho đến khi con được 1 tuổi. Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có nguy cơ bị đột tử SIDS thấp hơn khi nằm ngửa trên nệm cứng và ngủ trong cùng phòng với bố mẹ. Lưu ý đặt nôi ở nơi an toàn, nằm trong vòng kiểm soát của bạn. Đừng quên kiểm tra giấc ngủ của bé giữa đêm để đảm bảo con ngủ ngon và không có bất cứ điều gì xảy ra.
2.3. Giai đoạn 3: Ngăn cách giữa chỗ ngủ của con và bố mẹ
Khi bé lớn hơn, nên dựng vách hoặc màn ngăn trong căn phòng chung để tạo cảm giác không gian riêng. Bạn cũng cần chú trọng bài trí khu vực ngủ của con bắt mắt, thích hợp, đảm bảo an toàn. Đừng quên dặn bé những nguyên tắc tôn trọng sự riêng tư, chẳng hạn đến giờ ngủ thì “ai về chỗ nấy”, không tự ý xâm phạm... Bố mẹ cần làm gương cho con, nếu muốn vào thăm con cũng nên xin phép trước, tương tự như gõ cửa. Lưu ý, việc chung phòng riêng giường chỉ là bước chuyển tiếp, không thể là giải pháp lâu dài vì con vẫn có thể mè nheo, vòi vĩnh nên không có sự độc lập. Mặt khác, trẻ ở chung không gian với bố mẹ vẫn có thể chứng kiến những hình ảnh không nên.
2.4. Giai đoạn 4: Động viên con ngủ ở phòng riêng
Trước hết, cần giải thích cho con biết rằng con đã lớn, cần có phòng riêng để tự do chơi và học mà không bị ai làm phiền, đồng thời bố mẹ cũng vậy. Để trẻ thích thú ở riêng, cần chuẩn bị phòng ngủ xinh xắn ở cạnh phòng bố mẹ, nếu bé lớn có thể cùng tham gia trang trí theo ý riêng, có thể cho gấu bông, búp bê hay đồ chơi con yêu thích lên giường cùng...
Mẹ có thể ở lại đây sinh hoạt và chơi cùng bé, rồi vỗ về cho con ngủ để tạo cảm giác thân thuộc với căn phòng, giảm lo lắng. Dặn trẻ rằng bố mẹ ở ngay cạnh, nếu có vấn đề gì quan trọng thì có thể gọi mẹ đến. Những ngày đầu bé sẽ thao thức vì sợ và cô đơn, nhưng dần dần sẽ quen. Mẹ không được mềm lòng ngủ lại với con hay cho con sang phòng mình, sẽ rất khó dứt khoát sau này. Nếu trẻ đã đồng ý ngủ riêng thì phải tôn trọng cam kết và thực hiện đúng.
Không có con số cụ thể về thời gian chuyển tiếp giữa các giai đoạn. Một số gia đình cho trẻ ở phòng riêng chỉ sau vài tháng, để cả bố mẹ và con cái đều ngủ ngon hơn. Nếu cách cho trẻ ngủ riêng này phù hợp với bạn, hãy sử dụng thiết bị theo dõi trẻ ngủ để bạn vẫn có thể nghe thấy con mình.
3. Khi nào không nên cho con ngủ riêng?
- Sức khỏe của bé không tốt
Nếu như trẻ bẩm sinh ra đã có thể trạng yếu ớt hoặc mắc một số bệnh nguy hiểm thì cần có sự chăm sóc toàn diện của bố mẹ, tuân theo yêu cầu của bác sĩ và không nên tập cho trẻ ngủ riêng quá sớm. Nếu muốn, trước hết bố mẹ phải hỏi ý kiến bác sĩ cách cho trẻ ngủ riêng an toàn, phù hợp với điều kiện sức khỏe của con.
- Tâm lý con chưa sẵn sàng
Không ít phụ huynh cố gắng bắt ép con ngủ riêng vì vừa có nhà mới, nghe bạn bè đồng nghiệp khuyên,... Trong khi con đã quen nằm chung với bố mẹ, quyết định đột ngột như vậy dễ khiến bé bướng bỉnh, không chịu nghe lời, hoặc con sẽ cảm thấy bị bố mẹ hắt hủi, bỏ rơi và tổn thương tinh thần. Bản thân bạn cũng sẽ mệt mỏi, bất lực và khó kiên trì tập cho trẻ ngủ riêng. Do đó, bố mẹ phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho trẻ, thực hiện theo từng bước, giải thích cho con lý do vì sao phải ngủ riêng trước và trong quá trình thực hiện.
- Chưa có phòng riêng phù hợp
Nên tránh cho bé ngủ riêng sớm khi chưa trang bị đủ các điều kiện thích hợp, không đảm bảo được một không gian thực sự thoải mái và an toàn cho con trẻ ngủ.
- Khi sắp có em bé mới
Nếu phải ra ngủ riêng vào giai đoạn này, trẻ dễ hiểu lầm rằng đã bị “ra rìa”, bị bỏ rơi hay bị em bé chiếm chỗ. Điều này có thể gây tổn thương sâu sắc, ngoài cảm giác tủi thân, đau khổ, con thậm chí có thể nảy sinh ghen tị và căm ghét em bé. Vì vậy, bạn phải thật tế nhị, giải thích cho con hiểu rằng ngủ riêng là vì lợi ích của chính con. Quan trọng là phải tỏ cho con biết bố mẹ vẫn yêu và quan tâm, chăm sóc con như xưa. Có thể thuyết phục: "Em bé sẽ khóc suốt đêm làm con khó ngủ / Bé hay tè dầm và ị đùn khiến căn phòng không thơm tho, sạch sẽ như phòng con...".
Tóm lại, tập cho trẻ ngủ riêng với bố mẹ là điều nên làm, nhưng thời điểm và cách cho trẻ ngủ riêng của từng trường hợp gia đình lại rất khác nhau. Chính vì vậy, bố mẹ phải linh hoạt quyết định cho con ngủ riêng khi nào là phù hợp nhất, tránh để những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Nguồn tham khảo: babycenter.com