Ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Ngưng thở khi ngủ dễ gặp ở trẻ sinh non và mắc các bệnh lý bẩm sinh. Bệnh hiếm khi gây ra biến chứng lâu dài và tự mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu gia đình phát hiện trẻ có biểu hiện nặng, tím tái, khó thở thì cần đưa trẻ đi khám để được điều trị.

1. Chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh là gì?

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn bệnh lý, trong đó, quá trình thở bị gián đoạn lặp đi lặp lại trong khi ngủ. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhịp tim chậmtăng trưởng kém.

Trước đây, các chuyên gia y tế tin rằng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), nhưng một số nghiên cứu trong hai thập kỷ qua không tìm thấy mối liên hệ nào như vậy.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ được chia làm 3 loại:

  • Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA): Gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn ở đường thở trên
  • Ngưng thở trung ương khi ngủ (CSA): Không có tắc nghẽn nhưng não không phát tín hiệu đến các cơ đảm nhận chức năng thở
  • Ngưng thở hỗn hợp: Là sự kết hợp của chứng ngưng thở tắc nghẽn và trung ương khi ngủ.

Ngưng thở trung ương khi ngủ (CSA) thường gặp ở trẻ sinh non hoặc đủ tháng. Ngưng thở hỗn hợp cũng gặp ở trẻ sơ sinh, nhưng là khi trẻ cứng cáp hơn. Người lớn và trẻ từ 1 tuổi trở lên thường mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA).


Trẻ sinh non rất dễ gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ
Trẻ sinh non rất dễ gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ

2. Đối tượng trẻ sơ sinh nào có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ?

Tất cả các đối tượng trẻ sơ sinh đều có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng gặp nhiều hơn ở trẻ sinh non, mắc hội chứng Down và các bệnh lý bẩm sinh khác.

Trẻ càng sinh non thì nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ càng cao. Và có hơn một nửa trẻ mắc hội chứng Down mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA).

Ở trẻ sinh trước 37 tuần của thai kỳ, bệnh được gọi là ngưng thở ở trẻ sinh non. Ở trẻ sinh ra ở tuần thứ 37 hoặc muộn hơn, nó được gọi là ngưng thở ở trẻ sơ sinh.

3. Nguyên nhân nào gây ra chứng ngưng thở khi ngủ?

Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh thường do cấu trúc thân não (cơ quan điều hòa nhịp thở) chưa hoàn thiện hoặc tắc nghẽn đường thở. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác bao gồm:

  • Xuất huyết não
  • Tiếp xúc với thuốc hoặc chất độc
  • Dị tật bẩm sinh
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh hô hấp
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa (như trào ngược)
  • Mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể (lượng canxi hoặc glucose thừa hoặc thiếu)
  • Các vấn đề về tim hoặc mạch máu

Trẻ bị dị tật bẩm sinh có thể là nguyên nhân gây ra ngưng thở khi ngủ
Trẻ bị dị tật bẩm sinh có thể là nguyên nhân gây ra ngưng thở khi ngủ

4. Triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh

Một số trẻ bị ngưng thở khi ngủ có biểu hiện ngừng thở từ 20 giây trở lên trong khi ngủ. Những trẻ khác ngừng thở trong thời gian ngắn hơn và trở nên mềm nhũn, tái xanh hoặc nhịp tim chậm lại khi ngủ.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng có kiểu thở không đều là điều bình thường. Đây được gọi là "thở định kỳ", thường bắt đầu với nhịp thở nhanh, thở chậm hơn, rồi tạm dừng thở trong 5 đến 10 giây. Sau đó, mô hình quay vòng trở lại với nhịp thở nhanh. Gia đình không nên quá lo lắng về thở định kỳ, trẻ sơ sinh sẽ hoàn thiện cơ quan hô hấp nhanh hơn khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi.

5. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra mối nguy hiểm gì?

Ngưng thở có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể gây tử vong, đặc biệt là với những trẻ được sinh ra trước 28 tuần tuổi thai.

Khi một em bé ngừng thở, lượng oxy trong máu sẽ giảm xuống và mức độ carbon dioxide (CO2) tăng lên. Trẻ có thể bị giảm nhịp tim nghiêm trọng hoặc bất tỉnh và cần được hồi sức.


Khi trẻ bị ngưng thở khi ngủ cần được hồi sức nhanh chóng
Khi trẻ bị ngưng thở khi ngủ cần được hồi sức nhanh chóng

6. Làm thế nào để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh?

Nếu nghi ngờ bé bị ngưng thở khi ngủ, khám sức khỏe và các xét nghiệm khác nhau có thể được chỉ định, bao gồm đo nồng độ oxy trong máu và theo dõi nhịp thở, nhịp tim, chụp X-quang.

Ngoài ra, bạn có thể được giới thiệu đưa trẻ đi khám thêm ở các chuyên gia về giấc ngủ, bác sĩ nhi khoa (chuyên khoa phổi) hoặc một chuyên gia về chứng ngưng thở.

Xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ được gọi là đa ký giấc ngủ (Polysomnography). Đây là một thủ thuật không đau được thực hiện trong phòng thí nghiệm về giấc ngủ dưới sự quan sát của các kỹ thuật viên được đào tạo. Nó theo dõi sóng não, chuyển động mắt, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu cũng như tiếng ngáy và thở hổn hển của bé khi ngủ.

7. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ như thế nào?

Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng máy theo dõi ngưng thở tại nhà để theo dõi nhịp thở và nhịp tim của bé, hoặc dùng thuốc để kích thích hệ thần kinh trung ương.

Một số trẻ bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ cần sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP), máy này giữ cho đường thở thông thoáng bằng cách thổi khí vào mũi qua mặt nạ trong khi ngủ. Máy CPAP thường không làm giảm các triệu chứng của chứng ngưng thở trung ương khi ngủ.

Trẻ sơ sinh bị ngưng thở khi ngủ hiếm khi xuất hiện các biến chứng lâu dài. Thường chứng ngưng thở sẽ tự biến mất khi trẻ trưởng thành. Hầu hết trẻ sinh non không còn xuất hiện triệu chứng vào thời điểm được 44 tuần kể từ khi thụ thai.


Trẻ có thể cần sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP)
Trẻ có thể cần sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP)

8. Làm gì trong trường hợp cho rằng trẻ đã tắt thở trong khi ngủ?

Chạm hoặc huých bé để xem bé có phản ứng không. Nếu không, hãy gọi 911 ngay lập tức. Trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu trán hoặc cơ thể chuyển sang màu xanh. Tuy nhiên, không có gì bất thường khi bàn tay và bàn chân hoặc vùng da quanh miệng của bé có màu hơi xanh, đặc biệt là khi bé hơi lạnh hoặc đang khóc.

Nếu bạn biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh, hãy thực hiện khẩn cấp và nhờ người khác gọi cấp cứu. Nếu bạn ở một mình với trẻ, hãy tiến hành hô hấp nhân tạo trong 2 phút, gọi người giúp đỡ, sau đó tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đến khi có nhận được sự trợ giúp hoặc trẻ bắt đầu thở lại.

Biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh là điều quan trọng đối với tất cả các bậc cha mẹ, đặc biệt là đối với những bậc cha mẹ có trẻ bị ngưng thở khi ngủ. Bạn có thể tìm đến các bệnh viện hoặc hội chữ thập đỏ để được tư vấn tham gia các khóa học CPR cho trẻ sơ sinh.


Ba mẹ có thể đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đo đa ký giấc ngủ
Ba mẹ có thể đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đo đa ký giấc ngủ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe