Khàn tiếng và tổn thương lành tính dây thanh (Hạt xơ, polyp, nang)

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Toàn - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Những tổn thương lành tính dây thanh hay gặp đó là hạt xơ, polyp, nang. Tình trạng này thường xảy ra sau quá trình sử dụng giọng sai, lạm dụng giọng. Việc hiểu rõ sẽ giúp bạn có hướng điều trị kịp thời.

1. Những hình thái tổn thương lành tính dây thanh hay gặp

1.1 Hạt xơ dây thanh (Vocal cord nudle)

Dưới hình ảnh nội soi hoặc kính hiển vi giống như nốt chai sần ở bờ tự do, điểm giữa của dây thanh, thường gặp cả hai bên. Hay gặp nhiều hơn ở phụ nữ từ 20-50 tuổi, nhưng cả đàn ông và phụ nữ đều có bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lạm dụng giọng hoặc phát âm sai lặp đi lặp lại một thời gian dài

1.2. Polyp dây thanh

Thường xuất hiện chỉ một bên, kích thước lớn hơn hạt xơ, nhiều mạch máu hơn nên có màu tím sẫm, có nhiều hình dạng khác nhau, polyp dây thanh cũng gây nên do sử dụng giọng sai như sau khi la hét, cổ vũ một trận thể thao, những người thuyết trình, huấn luyện viên

1.3. Nang dây thanh

Nang dây thanh sẽ có vỏ, bên trong chứa các dịch nhầy. Tổn thương này ít gặp hơn hạt xơ và polyp và thường không có mối liên hệ với quá trình sử dụng giọng, lạm dụng giọng


Tổn thương dây thanh quản là một nguyên nhân gây khàn tiếng
Tổn thương dây thanh quản là một nguyên nhân gây khàn tiếng

2. Các nguyên nhân dẫn đến tổn thương dây thanh

Theo đánh giá những nguyên nhân chính sau đây được đánh giá là nguyên nhân chính gây nên tổn thương dây thanh quản như:

  • Nguyên nhân hàng đầu là do sử dụng sai giọng, lạm dụng giọng một thời gian dài như các ngành nghề: Ca sĩ, giáo viên, phát thanh viên, người bán hàng, người truyền đạo, huấn luyện viên.
  • Bệnh lý này cũng hay gặp ở các nhóm người khác như: Người hút thuốc, nghiện rượu, viêm xoang, dị ứng, suy giáp.

3. Chẩn đoán như thế nào với tình trạng tổn thương lành tính dây thanh

Khi người bệnh có biểu hiện khàn tiếng, nói mệt, nói hụt hơi, đau vùng cổ nên đến bác sĩ tai mũi họng để được khám nội soi đánh giá chi tiết, kiểm tra tổn thương, độ rung của dây thanh, hình dáng của dây thanh, tiền sử sử dụng giọng.

Qua quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá, từ đó đưa ra tư vấn và hướng điều trị tốt nhất cho từng tình trạng sức khỏe người bệnh. Cụ thể, đối với hạt xơ giai đoạn sớm thường điều trị bảo tồn, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ngôn ngữ để chỉnh sửa giọng nói, thay đổi thói quen sử dụng giọng.

Trong giai đoạn muộn thì thường phải dùng đến phương pháp phẫu thuật. Polyp và nang dây thanh cần phải phẫu thuật và ít đáp ứng với trị liệu ngôn ngữ

Bên cạnh đó, điều trị những bệnh đi kèm như hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, họng thanh quản, dị ứng, viêm xoang làm giảm độ nặng của bệnh đồng thời ngăn cản sự tái phát. Người bệnh cần bỏ thuốc lá, tránh stress, giữ gìn giọng nói là những yếu tố giúp cải thiện được chất lượng giọng.

4 . Phương pháp phẫu thuật tổn thương dây thanh

4 .1 Phẫu thuật vi phẫu

Được thực hiện dưới gây mê toàn thân, những dụng cụ vi phẫu sẽ được đưa vào thanh quản qua miệng và họng, một đường rạch nhỏ cách xa vùng bờ rung của dây thanh, sau đó một vạt nhỏ sẽ được nâng lên và tổn thương sẽ được cắt đi, kỹ thuật này sẽ làm giảm nguy cơ tạo sẹo và tạo được chất lượng giọng tốt nhất

4.2 Phẫu thuật bằng laser

Dưới gây mê toàn thân, phẫu thuật viên sẽ đưa tia laser vào vùng tổn thương và cắt bỏ.


Phẫu thuật bằng laser giúp điều trị tổn thương dây thanh
Phẫu thuật bằng laser giúp điều trị tổn thương dây thanh

5. Những biến chứng của phẫu thuật dây thanh

Thường là những biến chứng nhỏ như có thể làm tổn thương răng do dụng cụ tì đè, tổn thương vùng lưỡi, họng gây chảy máu và đau sau mổ

Một số trường hợp có thể bị sẹo vùng dây thanh sau mổ tạo ra chất lượng giọng không được tốt. Dính dây thanh, hai dây thanh bị dính vào nhau sau mổ là tình trạng xấu nhất vì gây chất lượng âm kém đồng thời có thể gây khó thở.

Đây được coi là những biến chứng có thể gặp trong khi phẫu thuật dây thanh. Do đó để giảm thiểu rủi ro, người bệnh nên chủ động tìm kiếm đến những địa chỉ y tế tốt để việc thực hiện diễn ra một cách đảm bảo nhất.

6. Các biện pháp hạn chế tổn thương dây thanh

Để nhằm hạn chế tổn thương dây thanh, người bệnh cần lưu ý đến một vài điều quan trọng sau:

  • Tránh sử dụng giọng quá mức như nói nhiều, nói lớn mà không có sự nghỉ ngơi cần thiết
  • Khi nói giọng kéo dài, lớn có thể sử dụng thêm loa để hỗ trợ
  • Uống nhiều nước
  • Điều trị các bệnh liên quan như hội chứng trào ngược, dị ứng, viêm xoang.
  • Không hút thuốc, tránh môi trường nhiều khói thuốc
  • Làm ấm giọng trước khi sử dụng giọng kéo dài
  • Khi bị nhiễm trùng đường hô hấp hạn chế hát hoặc sử dụng giọng quá mức
  • Tránh stress, tham gia các khóa yoga, câu lạc bộ thể thao

Có thể thấy, tổn thương dây thanh là nguyên nhân chính khiến bạn thay đổi giọng nói và gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống. Do đó, khi xuất hiện những dấu hiệu điển hình của bệnh hoặc bạn nằm trong đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thì việc chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều vô cùng quan trọng.

Để có thể bảo vệ sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình, bạn có thể sử dụng gói khám sức khỏe tổng quát của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Với gói khám này khách hàng sẽ được kiểm tra, phát hiện và tư vấn nếu có những vấn đề bất thường sức khỏe. Hiện quy trình thăm khám tại bệnh viện được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm kết hợp cùng trang thiết bị hiện đại. Nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng thăm khám tại Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe