Khám nội soi hốc mũi và sinh thiết

Khám nội soi hốc mũi và sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các trường hợp bệnh lý ác tính hốc mũi. Đây là phương pháp thăm khám kỹ thuật cao, chi phí thấp, đánh tin cậy, dễ thực hiện, giúp bệnh nhân được chẩn đoán sớm các tổn thương trong hốc mũi và vòm họng.

1. Tìm hiểu về khám nội soi hốc mũi và sinh thiết

Khám nội soi hốc mũi là một phương pháp thăm khám có sử dụng ống soi phóng đại để quan sát mọi ngóc ngách bên trong hốc mũi như: vách ngăn, ngách mũi, cuốn mũi, các lỗ thông của xoang đổ vào mũi, cửa mũi sau và vòm họng.

Ưu điểm của nội soi hốc mũi là sử dụng máy nội soi có chiều dài ống soi và đường kính phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra sử dụng hệ thống máy ghi hình kết nối với bộ vi xử lý để phóng to hình ảnh lên màn hình ti vi, quay video tiến trình soi. Nhờ đó, việc quan sát, đánh giá và hoặc sinh thiết tổn thương đúng vị trí sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Nội soi mũi chẩn đoán là một thủ thuật đưa ống soi đi qua lỗ mũi vào hốc mũi. Thông thường bác sĩ nội soi thường xịt thuốc tê và thuốc co niêm mạc trước khi soi vài phút để hốc mũi thông thoáng và tạm thời mất cảm giác đau. Điều này giúp cho ống soi di chuyển dễ dàng, xác định chính xác bệnh và người bệnh không cảm thấy đau trong lúc soi.

Sinh thiết hốc mũi là một thủ thuật nội soi hốc mũi sinh thiết, sử dụng hình ảnh nội soi tìm vùng nghi ngờ, sau đó lấy một mảnh tổ chức bệnh lý ở trong hốc mũi để làm xét nghiệm mô bệnh học. Được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ bệnh lý ác tính dựa trên hình ảnh nội soi cần phải xác định tính chất mô bệnh học.

2. Chỉ định nội soi mũi

Nội soi hốc mũi chẩn đoán được chỉ định trong nhiều trường hợp như:

  • Nghẹt mũi mạn tính tái lại nhiều lần nghi ngờ có tắc nghẽn hốc mũi do phì đại cuốn mũi, polyp mũi, dị vật mũi, u hốc mũi, vẹo vách ngăn, VA quá phát, ung thư vòm họng...
  • Chảy máu mũi tái phát nhiều lần cần xác định nguyên nhân như bướu máu, dị dạng mạch máu, polyp, u, dị vật sống,...
  • Ngửi kém hoặc không ngửi được mùi tiến triển nghi ngờ u tế bào thần kinh khứu giác...
  • Khi có các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, khịt khạc đờm nhầy, hắt hơi, đau cạnh mũi, đau quanh hốc mắt, đau vùng trán, đau thái dương, đau đỉnh đầu và sau gáy... Nghi ngờ bị viêm xoang.
  • Nội soi khi nghi ngờ viêm VA: biểu hiện nghẹt mũi cả hai bên, tăng khi nằm và phải thở bằng miệng, chảy mũi xanh, nói giọng mũi, hay khịt mũi,...

Nội soi mũi chỉ định với ung thư vòm họng
Nội soi mũi chỉ định với ung thư vòm họng

3.Chỉ định sinh thiết hốc mũi ?

  • Chỉ định các tổn thương bệnh lý của hốc mũi hoặc sàng hàm, lan ra hốc mũi cần xác định mô bệnh học.
  • Chống chỉ định: các phình mạch, sa màng não, u máu, u xơ mạch (chống chỉ định tương đối) nguy cơ chảy máu cao.

4. Các bước thực hiện nội soi hốc mũi và sinh thiết

4.1 Chuẩn bị

Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Phương tiện:

  • Bộ dụng cụ khám tai mũi họng;
  • Kẹp sinh thiết;
  • Bấc, gelaspon;
  • Thuốc tê;

Người bệnh

  • Thăm khám người bệnh và giải thích rõ.
  • Người bệnh được làm các xét nghiệm cơ bản: máu chảy, máu đông.

4.2 Các bước tiến hành

  • Tư thế người bệnh có thể ngồi hoặc nằm;
  • Thầy thuốc ngồi đối diện hoặc đứng ở bên phải khi người bệnh nằm;
  • Gây tê bằng xylocain 3% dạng xịt và đặt bấc xylocain;
  • Sử dụng máy nội soi để quan sát tìm vùng nghi ngờ sau đó dùng kẹp bấm một mảnh tổ chức nghi ngờ, tốt nhất là bấm ở vùng rìa tổn thương, không bấm vào tổ chức hoại tử;
  • Bỏ tổ chức vừa bấm vào dung dịch cố định;
  • Đặt bấc cầm máu và rút sau 24giờ.

Kẹp sinh thiết là một trong các dụng cụ thực hiện nội soi hốc mũi và sinh thiết
Kẹp sinh thiết là một trong các dụng cụ thực hiện nội soi hốc mũi và sinh thiết

5. Tai biến và xử trí trong nội soi sinh thiết hốc mũi

  • Chảy máu: thường chỉ có rỉ ít máu sau khi đặt bấc thấm thuốc co mạch thì tự cầm. Nếu chảy máu nhiều phải đặt bấc;
  • Nhiễm khuẩn: cho kháng sinh dự phòng;
  • Sốc: chống sốc.

Nội soi hốc mũi và sinh thiết là một phương tiện hữu hiệu nhằm phát hiện sớm ung thư hốc mũi mà các phương tiện khám tai mũi họng thông thường không thể phát hiện được. Khi mũi xuất hiện những triệu chứng lạ, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe