Huyệt Thiên Tông có tác dụng gì ?

Huyệt Thiên Tông-huyệt đạo thứ 11 của kinh Tiểu Trường, là nơi nơi hội tụ khí huyết của Tiểu tràng kinh thân trên. Nếu xác định đúng vị trí và áp dụng cách thức tác động chính xác vào huyệt Thiên Tông, có thể chữa được các bệnh liên quan đến hệ cơ xương khớp quanh vùng bả vai, cổ, gáy.....

1. Tên gọi, đặc tính của huyệt Thiên Tông

Tên gọi : Thiên Tông

Ý nghĩa tên gọi: Thiên là trời, chỉ phần trên cao. Tông là gốc. Theo Trung Y Cương Mục, vị trí huyệt nằm tại vùng giáp ranh với gốc bả vai, vì vậy được gọi là Thiên Tông.

Xuất xứ: Thuộc Giáp Ất Kinh.

Đặc tính:

  • Huyệt vị thứ 11 của kinh Tiểu Trường.
  • Huyệt Thiên Tông là nơi hội tụ khí huyết của Tiểu tràng kinh thân trên. Do đó, nó mang nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Đặc biệt, huyệt phát huy tác dụng hiệu quả trong giải tà ở Thái Dương kinh và tuyên thông khí trệ ở sườn ngực.

2. Vị trí huyệt Thiên Tông và cách xác định

Huyệt Thiên Tông được đánh giá là một huyệt vị mang nhiều tác dụng tích cực đến sức khỏe. Tuy nhiên, để vận dụng hiệu quả những lợi ích này, đầu tiên cần phải xác định chính xác vị trí của huyệt.

Huyệt Thiên Tông nằm ở hố dưới vai, chính giữa phía dưới ở bờ gai xương bả vai và dưới huyệt là cơ dưới vai. Đơn giản hơn, vị trí huyệt là nơi giao nhau của đường ngang đi qua mỏm gai đốt sống lưng thứ 4 và đường kéo dày nhất của gai sống vai.

Huyệt Thiên Tông khi kết hợp với huyệt Nhu Du và huyệt Kiên Trinh tạo thành hình tam giác. Da vùng huyệt bị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2. Thần kinh vận động cơ dưới huyệt là nhánh của dây thần kinh trên vai.

Có hai cách xác định đơn giản và cực kỳ chuẩn xác có thể áp dụng:

  • Cách 1: Tại bả vai, xác định vị trí xương có hình tam giác (xương vai). Thực hiện ấn nhẹ lần từ trên xuống dưới, điểm lõm nhất giữa xương vai là vị trí huyệt Thiên Tông.
  • Cách 2: Xác định đường đi ngang qua đốt sống lưng thứ 4 và đường kéo dọc tại nơi dày nhất của gai sống vai. Huyệt Thiên Tông là giao điểm của hai đường trên.

Hình ảnh mô phỏng vị trí của huyệt thiên tông
Hình ảnh mô phỏng vị trí của huyệt thiên tông

3. Huyệt Thiên Tông có tác dụng gì?

Như đã đề cập ở trên, huyệt Thiên Tông có khả năng giúp giải tà ở Thái Dương kinh và tuyên thông khí trệ ở sườn ngực. Vì vậy, huyệt được áp dụng chủ trị cho đau bả vai và vùng cánh tay. Các chứng bệnh như đau nhức xương khớp, tê mỏi vùng vai, đau cổ bả vai, tê bì cánh tay... có thể suy giảm khi tác động đúng cách vào huyệt này.

Những người lao động nặng, mang vác vật nặng thường xuyên, duy trì một tư thế trong thời gian dài, người cao tuổi... thường bị thoái hóa khớp bả vai, cánh tay với tốc độ nhanh hơn. Việc châm cứu, bấm huyệt Thiên Tông, ngoài hỗ trợ giảm đau nhanh chóng, còn giúp tăng khả năng phục hồi cấu tạo xương khớp.

Việc chữa trị các chứng bệnh đau nhức vùng vai và cánh tay bằng phương pháp tác động lên huyệt là một cách chữa trị an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, để có được những tác dụng hiệu quả như trên, việc điều trị phải thực hiện đúng cách và kiên trì trong thời gian dài nhất định.

4. Hướng dẫn cách tác động lên huyệt và phối huyệt trị bệnh

Tương tự như các huyệt vị khác, trong y học có hai hình thức phổ biến tác động vào huyệt để điều trị bệnh là bấm huyệt và châm cứu huyệt.

Cách thức bấm huyệt Thiên Tông:

  • Xác định chính xác vị trí huyệt vị theo một trong hai cách đã hướng dẫn như trên.
  • Tiến hành dùng ngón tay cái day và bấm huyệt bằng một lực đạo vừa phải trong khoảng 1-2 phút.

Cách thức châm cứu huyệt Thiên Tông:

  • Chuẩn bị kim châm cứu chuyên dụng.
  • Xác định chính xác vị trí của huyệt Thiên Tông bằng một trong hai cách đã hướng dẫn như trên.
  • Dùng kim châm thẳng hoặc xiên ra bốn phía. Chú ý: độ sâu khoảng 0,5-1 thốn, thời gian cứu khoảng 3-5 tráng, ôn cứu khoảng 5-10 phút.

Lưu ý: Việc bấm huyệt hay châm cứu không đúng cách không những không đem lại hiệu quả trị bệnh mà còn gây ra nhiều hậu quả khó lường. Vì vậy, người bệnh nên tìm đến những cơ sở y tế và các y bác sĩ có kinh nghiệm để được giúp đỡ và xây dựng liệu trình điều trị phù hợp. Điều này vừa đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

Trong các tài liệu về Y Học Cổ Truyền, có một số cách phối huyệt Thiên Tông để điều trị bệnh được lưu lại. Cụ thể:

  • Phối với huyệt Ngũ Lý để điều trị tay đau (Tư Sinh Kinh).
  • Phối với huyệt Kiên Liêu, huyệt Nhu Du, huyệt Nhu Hội có khả năng điều trị vai sưng, tê đau thần kinh vai (Trung Quốc Châm Cứu Học).
  • Phối với huyệt Bỉnh Phong, huyệt Cao Hoang Du, huyệt Kiên Ngoại Du có khả năng điều trị vùng vai sưng đau (Trung Quốc Châm Cứu Học).
  • Phối với huyệt Dương Lăng Tuyền, huyệt Kiên Liêu, huyệt Kiên Ngunghuyệt Kiên Tỉnh có khả năng điều trị viêm ở quanh khớp vai (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Chiên Trung, huyệt Nhũ Căn và huyệt Thiếu Trạch có khả năng điều trị tuyến vú viêm, thiếu sữa ở phụ nữ sau sinh (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Người thực hiện bấm huyệt thiên tông cần thực hiện chính xác
Người thực hiện bấm huyệt thiên tông cần thực hiện chính xác

5. Một số lưu ý khác trong quá trình điều trị:

  • Xây dựng chế độ ăn phù hợp với đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu nhằm giúp cơ thể khỏe mạnh. Trong đó, nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, các loại đồ ăn thực phẩm giàu kẽm, sắt... giúp xương chắc khỏe.
  • Xây dựng thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức, giúp cơ thể có thời gian phục hồi thể trạng.
  • Tránh mang vác vật nặng, duy trì một tư thế trong thời gian dài khiến các khớp chịu áp lực lớn, dễ gây ra chấn thương và thúc đẩy quá trình thoái hóa các khớp diễn ra mạnh.
  • Luôn giữ cơ thể trong trạng thái thoải mái và ngủ đủ giấc mỗi ngày.
  • Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho hoạt động tập luyện thể dục thể thao giúp xương khớp dẻo dai, linh hoạt. Lưu ý, cần chọn một chế độ luyện tập phù hợp với thể trạng. Ví dụ như người bị đau khớp nên ưu tiên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga...
  • Không sử dụng các chất kích thích có hại trong thời gian trị bệnh như rượu, bia, thuốc lá...
  • Trong trường hợp khởi phát các vấn đề bất thường, người bệnh cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra để có biện pháp khắc phục kịp thời.

6. Một số ứng dụng cụ thể của huyệt Thiên Tông trong điều trị:

6.1. Bấm huyệt Thiên Tông điều trị đau mỏi cánh tay

Tê nhức đau mỏi cánh tay, đặc biệt là khi giơ cao hoặc cầm nắm vật nặng là một biểu hiện thường hay gặp nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Ban đầu, sự đau mỏi chỉ gây khó chịu và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày, sau đó giảm hoạt động vùng cánh tay, nếu để lâu ngày có nguy cơ gây tê liệt.

Người có chứng này có thể dùng cách bấm nguyệt Thiên Tông để giảm bớt nhức mỏi, giúp cánh tay hoạt động linh hoạt hơn và ngăn ngừa nguy cơ tê liệt. Việc bấm nguyệt được thực hiện như sau:

  • Để người bệnh nằm sấp, hai tay dang ngang, sau đó người trị liệu quỳ bên đùi, nhướn về phía trước và hai bàn tay ôm hai bên mạn sườn của người bệnh.
  • Sau đó, người trị liệu dùng đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn lên hai huyệt Thiên Tông ở hai bên vai người bệnh.
  • Bên cạnh đó cần kết hợp ấn lên các huyệt Khúc Viên và Phách Hộ trên xương vai, giúp làm tăng hiệu quả giảm tê nhức, đau mỏi.

6.2. Châm cứu Thiên Tông huyệt trị đau vai gáy do khí huyết ứ trệ

Tương tự như tê nhức mỏi chân tay, chứng đau vai gáy do khí huyết ứ trệ có thể được điều trị nhờ vào cách châm cứu huyệt Thiên Tông kết hợp với các huyệt vị khác như:

  • Huyệt Phong Trì: Nằm gần chân tóc, phía sau tai, thuộc vị trí lõm của bờ ngoài cơ thang và cơ ức đòn chũm.
  • Huyệt Thiên Trụ: Nằm ở vị trí sau gáy, dưới khu vực u lồi chẩm mé ngoài, cách ngang huyệt á môn 1,3 thốn.
  • Huyệt Kiên Tỉnh: Nằm ở điểm cao nhất của phần đầu xương đòn trên vai trái, cách cổ khoảng 3 thốn.
  • Huyệt Dương Trì: Vị trí ở phần hằn cổ tay, nằm ngay tại lõm khớp cổ tay.
  • Huyệt Dương Lăng Tuyền: Nằm ở phần đầu gối, tại vị trí lõm ở phía trước và bên dưới của đầu xương mác.

Người bệnh có thể được chỉ định châm cứu huyệt Thiên Tông điều trị bệnh
Người bệnh có thể được chỉ định châm cứu huyệt Thiên Tông điều trị bệnh

6.3. Xoa bóp các huyệt trị đau quanh khớp vai

Đau quanh khớp vai ban đầu được biểu hiện bằng các triệu chứng đau âm ỉ, ê ẩm, mỏi hoặc đau vừa phải xung quanh khớp. Tuy nhiên, các triệu chứng ảnh hưởng ít thậm chí không ảnh hưởng tới hoạt động của khớp vai.

Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn, đau sẽ xảy ra ở 1 bên vai hoặc cả 2 bên, rõ rệt nhất vào ban đêm, có khi đau nặng hơn, lan xuống cánh tay hoặc lên cổ. Nếu không điều trị sẽ khiến hoạt động sẽ bị hạn chế như: tay không giơ lên được, không giơ ngang ra được, không đưa ra phía sau như thường được.

Để điều trị bệnh đau khớp vai, người bệnh có thể thực hiện bấm huyệt Thiên Tông và các huyệt vị sau đây:

  • Thiên Tông: Nằm tại vị trí chính giữa xương bả vai, ngang với mỏm gai sau đốt sống lưng 4.
  • Kiên Tỉnh: Vị trí cánh tay giơ ngang huyệt, tại chỗ lõm trên vai.

Nếu người bệnh đau từng cơn kéo dài không dám vận động, ngoài 2 huyệt Thiên Tông và Kiên Tỉnh nên tác động thêm các huyệt ở vùng xa như:

  • Hợp Cốc: Nằm ở vị trí khép ngón cái vào ngón trỏ huyệt ở đỉnh mô cơ vùng hộ khẩu
  • Khúc Trì: Khi gấp cẳng tay vào cánh tay, bàn tay để trên ngực cho nổi rõ nếp gấp khuỷu, huyệt nằm ở đầu ngoài nếp gấp khuỷu phía cẳng tay.

Cách bấm huyệt phải được thực hiện đúng thời gian và lực đạo như hướng dẫn ở mục trên. Có thể thực hiện 2 lần mỗi ngày hoặc ấn huyệt ngay khi xuất hiện cơn đau giúp đạt hiệu quả nhanh hơn.

Có thể khẳng định rằng, huyệt Thiên Tông có tác động hiệu quả lên sức khỏe nhất là hệ thống xương khớp vùng cổ, gáy. Khi gặp các vấn đề này bệnh nhân có thể đến Bệnh viện đa khoa Vinmec với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Y Học Cổ Truyền giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe