Hội chứng ống cổ tay là tình trạng gây đau, tê bì tay ở 1 hay cả 2 bên. Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua cổ tay và sẽ tồi tệ hơn theo thời gian. Việc nhận biết, điều trị sớm là rất quan trọng để cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng cho người bệnh.
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Ống cổ tay là một lối đi hẹp ở lòng bàn tay của cổ tay, có cấu trúc giải phẫu được tạo thành từ các xương cổ tay và dây chằng. Dây thần kinh giữa kiểm soát cảm giác và vận động ở ngón cái, trỏ và giữa. Khi ống cổ tay bị chèn ép hoặc đè nén, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng tê, ngứa ran, yếu hoặc đau ở tay. Tình trạng này gọi là hội chứng ống cổ tay.
2. Các triệu chứng ống cổ tay
- Đau và ngứa ran
Hội chứng ống cổ tay tiến triển chậm. Lúc đầu, bạn có thể nhận thấy đau vào ban đêm hoặc khi bạn thức dậy vào buổi sáng. Cảm giác ban đầu tương tự như "kim châm" khi chìm vào giấc ngủ. Trong ngày, bạn có thể thấy đau hoặc ngứa ran khi cầm đồ vật, chẳng hạn như điện thoại, sách hoặc khi lái xe. Lắc hoặc cử động ngón tay sẽ khiến hội chứng ống cổ tay thuyên giảm phần nào.
- Yếu cơ
Khi hội chứng ống cổ tay tiến triển nặng dần, bạn có thể bắt đầu nhận thấy yếu cơ ở ngón cái, trỏ và giữa, đồng thời có thể thấy khó nắm tay hoặc cầm đồ vật. Bạn có thể thấy mình rất dễ đánh rơi đồ đạc liên tục hoặc gặp khó khăn khi làm những việc khéo léo trên bàn tay, ngay cả việc cài cúc áo sơ mi.
- Các vấn đề về cảm giác
Hội chứng ống cổ tay cũng có thể gây ra cảm giác tê tay. Một số người cảm thấy như ngón tay của họ bị sưng, mặc dù không có tình trạng sưng tấy nào xảy ra hoặc có thể khó phân biệt giữa cảm giác nóng và lạnh.
3. Vì sao mắc phải hội chứng ống cổ tay?
Thường không có một nguyên nhân chính xác nào gây ra hội chứng ống cổ tay. Do ống cổ tay hẹp và cứng nên bất cứ lúc nào cấu trúc giải phẫu tại chỗ cũng có thể bị sưng hoặc viêm. Lúc này, dây thần kinh giữa sẽ bị chèn ép và gây đau, tê. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở một hoặc cả 2 tay (thường các triệu chứng phát triển ở tay thuận trước tay không thuận).
4. Ai mắc hội chứng ống cổ tay?
Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, với tỷ lệ vào khoảng 3:1. Một số điều kiện khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng ống cổ tay, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường, gout, suy giáp và viêm khớp dạng thấp;
- Thai kỳ;
- Bong gân hoặc gãy xương cổ tay.
5. Công việc có gây hội chứng ống cổ tay không?
Công việc đánh máy thường xuyên được cho là có khuynh hướng dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Trong thực tế, hội chứng ống cổ tay lại thực sự phổ biến nhiều hơn gấp 3 lần ở các công nhân sản xuất theo dây chuyền lắp ráp so với các nhân viên nhập liệu. Ngược lại, một nghiên cứu cho thấy thậm chí sử dụng máy tính kéo dài (lên đến 7 giờ một ngày) cũng không làm tăng khả năng mắc hội chứng ống cổ tay.
6. Biến chứng của hội chứng ống cổ tay khi không điều trị?
Ban đầu, các triệu chứng đến và đi, nhưng khi tình trạng xấu dần và không cải thiện sẽ dẫn tới biến chứng của hội chứng ống cổ tay. Cơn đau có thể lan từ bàn tay lên đến cánh tay và vai. Theo thời gian, nếu không được điều trị, hội chứng ống cổ tay có thể khiến các cơ ở bên ngón cái bị teo cơ dần. Ngay cả khi được điều trị hội chứng ống cổ tay, sức cơ và cảm giác có thể không bao giờ được phục hồi hoàn toàn.
7. Các tình trạng tương tự hội chứng ống cổ tay?
Một số bệnh lý có các triệu chứng có thể tương tự hội chứng ống cổ tay, bao gồm:
- Tổn thương cơ, dây chằng hoặc gân;
- Viêm khớp ngón tay cái hoặc cổ tay;
- Tổn thương thần kinh mạn tính như bệnh lý thần kinh trong đái tháo đường.
Vì vậy, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để loại trừ hội chứng ống cổ tay với các tình trạng sức khỏe khác.
8. Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để xem bạn có mắc hội chứng ống cổ tay hay không. Nghiệm pháp Tinel gây kích thích vào dây thần kinh giữa để xem liệu có gây ngứa ran ở các ngón tay hay không. Nghiệm pháp Phalen tạo ra áp lực bằng cách ấn 2 mu bàn tay vào nhau trong 1 phút và đánh giá kết quả có gây dị cảm ở bàn tay hay không.
Để xác định chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ yêu cầu khảo sát dẫn truyền thần kinh tại bàn tay. Trong thử nghiệm này, các điện cực được đặt trên bàn tay và cổ tay, các cú sốc điện nhỏ được áp dụng tại chỗ để đo tốc độ truyền xung động của dây thần kinh giữa. Một thử nghiệm khác, được gọi là đo điện cơ, sử dụng một cây kim nhỏ cắm vào cơ để đo hoạt động điện và đánh giá tổn thương của dây thần kinh giữa.
9. Cách điều trị hội chứng ống cổ tay
- Nghỉ ngơi và cố định
Các nguyên nhân cơ bản như bệnh tiểu đường hoặc viêm khớp sẽ cần được điều trị ổn định để dễ dàng kiểm soát hội chứng ống cổ tay hơn. Song song đó, cách điều trị hội chứng ống cổ tay cơ bản là nên để bàn tay và cổ tay nghỉ ngơi hay đeo nẹp hạn chế cử động. Đồng thời, một điều quan trọng là cần tránh cổ tay bị cong trong khi ngủ, vì điều này có thể làm bùng phát các triệu chứng. Thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen và Naproxen, cùng với chườm lạnh có thể làm giảm cơn đau.
- Thuốc điều trị hội chứng ống cổ tay
Khi các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị dùng corticosteroid bằng đường tiêm hoặc uống. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế phản ứng viêm xung quanh dây thần kinh giữa, qua đó giúp tạm thời giảm các triệu chứng. Tiêm thuốc gây tê cục bộ như lidocain cũng có thể làm giảm khó chịu.
- Phẫu thuật hội chứng ống cổ tay
Nếu cần can thiệp, người bệnh được phẫu thuật hội chứng ống cổ tay dưới gây tê cục bộ (nghĩa là bạn hoàn toàn tỉnh táo trong khi phẫu thuật) và ra về trong ngày. Dây chằng nằm trên đỉnh của ống cổ tay sẽ bị cắt để giảm áp lực tại chỗ. Dây chằng quanh cổ tay cũng được bóc tách, cho phép mở rộng không gian hơn trong ống cổ tay. Đôi khi bác sĩ cũng có thể tiến hành phẫu thuật hội chứng ống cổ tay qua nội soi để hạn chế vết mổ trên da.
- Chăm sóc hậu phẫu
Vết thương tại chỗ có thể bị sưng và cứng ngay sau khi phẫu thuật. Tình trạng này có thể thuyên giảm bằng cách nâng cao bàn tay lên trên tim và cử động các ngón tay thường xuyên. Bạn có thể phải đeo nẹp cổ tay vài tuần trong quá trình lành vết thương. Đau và yếu cơ thường cải thiện trong vòng 2 tháng sau khi phẫu thuật, nhưng cũng có thể mất 6 tháng đến 1 năm để hồi phục hoàn toàn.
- Tập luyện khi bị hội chứng ống cổ tay
Để thuyên giảm các triệu chứng, các chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bài tập cho người bị hội chứng ống cổ tay nhằm kéo giãn và tăng cường sức mạnh, giúp ngăn ngừa đau, tê và yếu tay. Các nhà trị liệu thể chất cũng có thể hướng dẫn những động tác chính xác để dây thần kinh giữa ít có khả năng bị viêm trở lại gây tái diễn triệu chứng.
- Điều trị bổ sung
Bên cạnh các bài tập cho người bị hội chứng ống cổ tay, một số nghiên cứu cho rằng can thiệp nắn chỉnh khớp cổ tay, khuỷu tay và cột sống trên có thể cải thiện bệnh. Bên cạnh đó, còn có một số bằng chứng cho thấy châm cứu cũng giúp phục hồi chức năng thần kinh và làm giảm các triệu chứng. Điều quan trọng là cần tham vấn với bác sĩ trước khi bắt đầu những trị liệu này hoặc bất kỳ phương pháp bổ sung tại nhà.
10. Làm cách nào để ngăn chặn hội chứng ống cổ tay?
Vì các cách điều trị hội chứng ống cổ tay hiện tại chưa thể cải thiện triệu chứng dứt điểm, cần thực hiện những điều này để có thể ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay:
- Luôn giữ tư thế lao động và tư thế ngủ phù hợp, tránh gây áp lực trên cổ tay;
- Có các biện pháp bảo hộ lao động khi dùng các công cụ cầm tay;
- Thường xuyên duỗi tay và cổ tay;
- Thường xuyên nghỉ ngơi để thư giãn tay chân, ngả lưng và thay đổi tư thế trong cả ngày làm việc.
Ngay khi có cảm giác ngứa ran, đau hoặc tê ở ngón tay, cánh tay thì bạn cần nghĩ đến dấu hiệu cảnh báo hội chứng ống cổ tay. Nắm được các thông tin như trên không chỉ giúp bạn nhận biết bệnh sớm, mà có thể hỗ trợ tìm kiếm sự trợ giúp y khoa phù hợp, điều chỉnh các hoạt động hằng ngày để cải thiện những triệu chứng khó chịu này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com