Kỹ thuật tập thở giúp giãn nở lồng ngực giúp tăng cường các cơ hô hấp và nhằm tạo được các kiểu thở đúng, có hiệu quả. Kỹ thuật tập thở được áp dụng rộng rãi để điều trị ở bất cứ nơi nào mà người bệnh có yêu cầu. Bài viết sẽ hướng dẫn một số kỹ thuật tập thở phổ biến hiện nay.
1. Chỉ định thực hiện kỹ thuật tập thở
Những người có bất kỳ lý do gì mà gây ảnh hưởng nhịp thở, hoặc các bệnh lý về đường hô hấp sẽ được chỉ định thực hiện kỹ thuật tập thở. Các bệnh nhân bệnh phổi nguyên phát hoặc thứ phát, bệnh co thắt phế quản, hay tắc đường thở, xẹp phổi, viêm xơ hang phổi, tắc mạch phổi, phù phổi, suy tim có ứ đọng máu ở phổi hay suy giảm chức năng thông khí phổi. Những trường hợp bệnh nhân thực có phẫu thuật liên quan đến lồng ngực, tim mạch, phổi, bụng, vẹo cột sống. Hay những trường hợp bị hạn chế hô hấp do béo bệu, các dị tật hệ cơ xương, chướng bụng đầy hơi, phụ nữ có thai, người bệnh nằm lâu ngày do liệt hoặc suy nhược cơ thể có khuynh hướng giảm thông khí và gây ứ đọng đờm dãi. Hoặc những trường hợp căng thẳng, lo âu, suy nhược thần kinh,...
2. Các kỹ thuật thở phòng ngừa bệnh hô hấp
Có rất nhiều bài tập thở để phòng ngừa bệnh hô hấp như thở từ thư giãn cơ hô hấp, thở mím môi, thở ngực, thở bụng - thở bằng cơ hoành cho đến thở phối hợp vận động tay, thở phối hợp vận động chân, tập thở với dụng cụ, tập thở phối hợp và kỹ thuật thông sự tắc nghẽn.
2.1. Kỹ thuật thở giãn cơ hô hấp
Người bệnh bắt đầu với lưng và đầu thẳng, hai chân chạm đất, không dựa lưng vào ghế. Hai bàn tay đặt lên đầu hai bên của vai. Sau đó, người bệnh xoay tròn cánh tay và khuỷu tay từ trước ra phía sau. Và tiếp tục quay ngược lại. Bài tập này làm từ 10 đến 20 cái/lần, với 2 đến 3 lần/đợt tập, và 2 đến 3 đợt/ngày.
2.2. Kỹ thuật thở mím môi
Người bệnh bắt đầu với tư thế nằm ngửa hoặc ngồi sử dụng mũi hít chậm và sau đó thổi ra bằng miệng tương tự như huýt sáo. Bài tập này thường làm từ 10 đến 20 lần/ lần tập, làm từ 2 đến 3 lần/đợt tập, và làm từ 2 đến 3 đợt/ngày.
2.3. Kỹ thuật thở ngực
Bệnh nhân sẽ bắt đầu với tư thế nằm ngửa hoặc ngồi hoặc 1 tay để lên ngực sử dụng mũi hít chậm, phình ngực lên và sau đó thổi ra bằng miệng tương tự như huýt sáo, xẹp ngực xuống. Bài tập này thường làm từ 10 đến 20 lần/ lần tập, làm từ 2 đến 3 lần/đợt tập, và làm từ 2 đến 3 đợt/ngày.
2.4. Kỹ thuật thở cơ hoành
Bệnh nhân thực hiện tư thế nằm ngửa, đầu gối gập 45 độ, khớp háng xoay ra ngoài. Kỹ thuật viên sẽ đặt một hoặc hai tay lên góc sườn hoành theo nhịp thở của người bệnh. Khi người bệnh thở ra tay kỹ thuật viên thực hiện ép nhẹ vào ngực. Khi người bệnh thở vào lồng ngực kháng lại tay kỹ thuật viên nâng lên, và sau đó nâng bụng lên.
Người bệnh tập thở với tư thế ngồi với điều kiện người bệnh thư giãn, ngồi thăng bằng, tay đặt lên góc sườn hoành tiếp tục thở
Người bệnh tập thở với tư thế đứng: người bệnh sẽ thở trước gương soi để có thể tự kiểm tra được hơi thở của mình
Người bệnh tập thở phân thuỳ hoặc cạnh sườn: bài tập này tập trung vào vùng tổn thương. Và tùy theo vị trí vùng tổn thương mà kỹ thuật viên đặt tay lên thành ngực tương ứng: cạnh sườn, một hoặc hai bên, phía trước hạ sườn...
Tất cả các động tác tập thở của người bệnh đều yêu cầu hít vào sâu và thở ra đều và chậm.
2.5. Kỹ thuật thở kết hợp với vận động tay
Người bệnh bắt đầu với tư thế nằm hoặc ngồi hoặc nằm nghiêng chêm thêm gối dưới bụng để tăng sự giãn nở vùng phổi phải. Sau đó, bệnh nhân hít vào bằng mũi thật chậm và nâng tay lên, tiếp theo thổi ra bằng miệng giống huyết sao và hạ tay xuống. Bài tập này thường làm từ 10 đến 20 lần/ lần tập, làm từ 2 đến 3 lần/đợt tập, và làm từ 2 đến 3 đợt/ngày.
2.6. Kỹ thuật thở kết hợp vận động chân
Người bệnh bắt đầu với tư thế nằm ngửa thả lỏng hai tay và hai chân. Sau đó, hít vào bằng mũi và co chân trái lên, tiếp đến thở ra bằng miệng và hạ chân xuống. Người bệnh thực hiện lặp lại với chân đối diện. Bài tập này thường làm từ 10 đến 20 lần/ lần tập, làm từ 2 đến 3 lần/đợt tập, và làm từ 2 đến 3 đợt/ngày.
2.7. Kỹ thuật thở với dụng cụ
Người bệnh bắt đầu ở tư thế nằm ngửa hoặc ngồi. Sau đó ngậm hoàn toàn đầu ống vào miệng và hút vào một hơi thật dài và chậm, cố gắng giữ hơi thở càng lâu càng tốt, sau đó người bệnh thở ra bình thường. Bài tập này thường làm từ 5 đến 6 lần/ lần tập, làm từ 2 đến 3 lần/đợt tập, và làm từ 2 đến 3 đợt/ngày
2.8. Kỹ thuật thông sự tắc nghẽn
Hắt hơi - phản xạ bảo vệ. Khi đó, hít thật sâu và đóng nắp thanh môn. Sau đó, mở nắp thanh môn, thở nhanh bằng mũi và miệng.
Ho- phản xạ bảo vệ đường thở ở bên dưới: Người bệnh sẽ hít thật sâu, đóng nắp thanh môn, sau đó mở nắp thanh môn, thở mạnh qua miệng.
3. Kỹ thuật thở tăng cường sức khỏe
3.1. Kỹ thuật thở khi đi bộ
Kỹ thuật này kết hợp giữ tập thở với đi bộ, thích hợp cho người cao tuổi vừa đơn giản vừa phù hợp với điều kiện sinh hoạt. Đi bộ nhanh hay chậm, ngắn hay dài sẽ phụ thuộc vào khả năng sức khoẻ của mỗi người. Khi đi bộ, người tập kết hợp với thở bụng chậm và thở sâu theo công thức 4 bước hít vào đồng thời phải phình bụng ra, 2 bước ngừng thở, rồi 8 bước thở ra, hóp bụng lại. Thực hiện luyện tập giúp tình thần thư thái, thoải mái.
3.2. Kỹ thuật thở 4 thì bằng nhau
Kỹ thuật này bắt đầu với thì một, người bệnh sẽ hít vào từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, hít sâu kéo dài đến mức không thể chịu được. Đồng thời phình bụng ra. Ở thì hai, người bệnh nín thở, thời gian bằng so với khi hít vào. Thì ba thở ra từ từ, nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng hóp vào hết cỡ, thời gian này kéo dài bằng thì một. Thì bốn người bệnh sẽ nín thở với thời gian bằng thì một. Khi người bệnh mới bắt đầu tập thì nên để người bệnh đếm ở mỗi thì, sau đó tăng dần thời gian lên bằng cách đếm tăng lên.
Kỹ thuật này hơi khó ở chỗ phải hít vào đến mức tối đa, lại nín thở kéo dài và sau đó mới thở ra từ từ, ít người tập có đủ sức nín thở lâu dài như thế mà cơ bắp vẫn được thả lỏng, đồng thời tạo nét mặt thoải mái.
3.3. Kỹ thuật thở theo Yoga
Những người thực hiện tập yoga có thể tập thở theo tư thế nằm, đứng, ngồi trên ghế. Tuy nhiên tư thế được khuyến nghị tốt thư thế ngồi hoa sen.
Kỹ thuật thở Yoga rất nhẹ nhàng, chậm rãi, đều đặn theo 3 thì: hít vào, giữ lại hơi và thở ra. hoặc có thể áp dụng theo 4 thì: hít vào giữ lại hơi, thở ra và nín thở.
Lưu ý khi áp dụng kỹ thuật thở yoga thì hít vào và thở ra phải đều qua mũi nhưng không được để cho cánh mũi phập phồng. Thở bằng bụng hít vào thì phình bụng ra, thở ra thì thóp bụng vào và cơ hậu môn lên. Đối với kỹ thuật thở theo yoga thì tâm trí chỉ hoàn toàn được chú trọng và hoạt động hô hấp và lộ trình thực hiện của hở thở.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.