Bài viết được viết bởi TS. BS Hoàng Quốc Chính - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Xét nghiệm di truyền ung thư là một phần của xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm máu. Xét nghiệm di truyền ung thư có thể cung cấp thông tin về gen và nhiễm sắc thể của người bệnh để từ đó phát hiện một số vấn đề liên quan đến sức khỏe.
1. Cấu trúc và chức năng của vật chất di truyền
Thông tin di truyền chứa tất cả các thông tin cần thiết cho sự hình thành, sinh trưởng, phát triển và chức năng của tế bào, cũng như cơ thể và được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau thông qua vật chất di truyền được gọi là DNA.
DNA là từ viết tắt của deoxyribonucleic acid, tiếng Việt đọc là axit đêôxiribônuclêic. DNA được cấu tạo bởi hai chuỗi nucleotide. Mỗi chuỗi nucleotide là một trình tự các nucleotide được tạo thành bởi tổ hợp của 4 nucleotide, ký hiệu là A, T, G, và C. Hai chuỗi nucleotide liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung (A với T, và G với C) để tạo thành chuỗi xoắn kép (hình 1A). Chuỗi xoắn kép DNA có cấu tạo tương tự như một cái thang, ở đó mỗi bậc thang là một mối liên kết giữa A với T hoặc G với C. DNA lưu giữ thông tin di truyền dưới dạng bộ ba mã hóa, nghĩa là trình tự liên tiếp của 3 nucleotide sẽ mã hóa cho một axit amin hoặc một từ trong một câu nếu chúng ta xem protein như là một câu có nghĩa. Mỗi protein được mã hóa bởi một đơn vị DNA, được gọi là gen. Gen được ví như một công thức nấu ăn và món ăn do công thức nấu ăn đó tạo ra được ví như là protein. Hình 1B là một ví dụ về trình tự của một gen (DNA) được sắp xếp theo bộ ba mã hóa (AUG UUG....), và mỗi mã bộ ba tương ứng với một axit amin, hoặc mã khởi đầu và mã kết thúc (các hình tròn với các màu sắc khác nhau đại diện cho các axit amin, hoặc mã khởi đầu và kết thúc).
Câu tiếng Anh phía dưới các hình tròn minh họa một câu có ý nghĩa (một protein) được cấu tạo bởi các từ mà mỗi từ tương đương với một axit amin. Mỗi protein sẽ thực hiện một chức năng cụ thể. Ví dụ: protein insulin có chức năng làm giảm lượng đường trong máu, trong khi protein lipase có chức năng phân hủy mỡ (lipid).
Hình 1: Minh họa chuỗi xoắn kép của DNA và gen (A). Trình tự của một gen với bộ ba mã hóa và protein tương ứng
2. Phân loại biến dị
Chúng tôi dùng thuật ngữ biến dị để ám chỉ bất kỳ thay đổi nào trong trình tự của DNA. Những thay đổi này có thể làm thay đổi trình tự của gen, do đó dẫn đến thay đổi về cấu trúc và chức năng của protein hoặc thay đổi về trình tự của gen nhưng không ảnh hưởng đến cấu trúc cũng như chức năng của protein do gen đó mã hóa. Ví dụ: trong công thức nấu cơm bao gồm trình tự: vo gạo, cho gạo vào nồi, cho nước vào nồi, đậy vung, chọn chương trình nấu cơm, và ấn nút “nấu cơm”. Nếu công thức này chỉ bị mất đi trình tự thứ nhất (vo gao), và vẫn giữ nguyên những trình tự còn lại thì công thức nấu cơm vẫn giữ nguyên giá trị, nghĩa thực hiện tuần tự các bước còn lại thì chúng ta vẫn có cơm. Những bất thường hay biến dị mà không hoặc ít có ảnh hưởng đến chức năng của protein hoặc sản phẩm cuối cùng thì được gọi là biến dị lành tính. Cùng ở ví dụ trên, nếu bất thường xảy ở trình tự thứ hai (cho gạo vào nồi) và vẫn giữ nguyên các trình tự khác, thì chúng ta sẽ không có món cơm vì chúng ta không cho gạo vào nồi. Những biến dị làm ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng hoặc chức năng của protein thì được gọi là biến dị gây bệnh hoặc đột biến.
Đột biến được chia thành đột biến điểm (thêm, mất, hoặc thay đổi một nucleotide), đột biến thêm và mất đoạn nhỏ, và đột biến thêm, mất, chuyển đoạn lớn.
Hình 2 minh họa các dạng đột biến điểm. Trong ví dụ này chúng ta có một gen có chiều dài 9 nucleotides (bases). Gen này mã hóa cho một protein có nghĩa là “TÔI YÊU EM”. Nếu đột biến thêm một nucleotide (1) xảy ra, thì gen này có chiều dài là 10 nucleotide thay vì 9 và mã hóa cho một protein có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt là “THÔI YÊU EM”. Nếu một nucleotide bị thay thế bởi một nucleotide khác (2), chiều dài của đoạn gen vẫn giữ nguyên là 9, nhưng một nucleotide đã bị thay đổi, do đó protein do gen đột biến mã hóa sẽ có nghĩa là “TÔI KÊU EM”. Trường hợp thứ 3 là gen này bị mất đi một nucleotide do đó gen đột biến chỉ còn lại 8 nucleotide và mã hóa một protein có nghĩa là “TÔI –ÊU EM”.
Hình 2: Các dạng đột biến điểm.
Vì tính chất gây bệnh khác nhau của các biến dị, các chuyên gia đã sử dụng một số tiêu chí như là tần suất xuất hiện, mức độ ảnh hưởng đến chức năng của protein, và mối liên hệ với bệnh để phân chia biến dị thành biến dị “lành tính”, “có thể lành tính”, “chưa xác định ý nghĩa lâm sàng”, “có thể gây bệnh”, và “gây bệnh”. Mặc dù tính chất gây bệnh của biến dị được phân thành 5 loại, nhưng ý nghĩa lâm sàng của một xét nghiệm gen sẽ được phân thành ba loại là âm tính, chưa xác định ý nghĩa lâm sàng, và dương tính.
3. Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm
Kết quả dương tính có nghĩa là một đột biến di truyền (biến dị “gây bệnh” hoặc “có thể gây bệnh”) đã được xác định trong xét nghiệm của bạn. Nguy cơ bị ung thư của bạn phụ thuộc vào gen nào bị đột biến, giới tính, tuổi, bệnh sử gia đình, và các yếu tố khác.
Kết quả âm tính nghĩa là chỉ phát hiện biến dị “lành tính” hoặc có thể “lành tính” mà không phát hiện đột biến di truyền trên bất cứ gen nào được phân tích trong xét nghiệm của bạn. Mặc dù đây là một tin tốt, nhưng kết quả âm tính không thể cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ bị ung thư của bạn. Nếu kết quả âm tính, thì nguy cơ bị ung thư của bạn phụ thuộc vào các yếu tố khác như là bệnh sử của bạn và gia đình.
Kết quả chưa xác định ý nghĩa lâm sàng có nghĩa là một biến dị “chưa xác định ý nghĩa lâm sàng” đã được xác định trong xét nghiệm của bạn. Biến dị này có thể xuất hiện ở tần suất thấp và gây hại đến chức năng của protein, nhưng chưa có đủ bằng chứng khoa học về khả năng gây bệnh của biến dị này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.