Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Bác sĩ hóa trị và điều trị giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ung thư vú là một căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Đây là căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc bệnh và gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ không biết đến các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn và khả năng điều trị thành công là không cao. Dưới đây là 9 yếu tố nguy cơ gây ung thư vú ở nữ giới cần lưu ý.
1. Giới tính, tuổi tác
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 100 lần ở nam giới và thường gặp ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
2. Gen
Có khoảng 5-10% bệnh nhân ung thư vú có đột biến gen. Các đột biến gen thường gặp như:
- Gen BRCA1 nằm trên nhiễm sắc thể 17 và gen BRCA2 nằm trên nhiễm sắc thể thứ 13. Bình thường, 2 gen này có vai trò sửa chữa ADN hình thành tế bào, đột biến gen BRCA1 và 2 dẫn đến sự phát triển các dòng tế bào bất thường từ đó dẫn đến ung thư. Những người mang đột biến 2 gen này thường có nguy cơ mắc ung thư vú ở tuổi trẻ, ung thư vú cả hai bên cũng như có nguy cơ cao phát triển thêm các loại ung thư khác đặc biệt là ung thư buồng trứng.
- Các đột biến gen khác như đột biến gen ATM, TP53, PTEN, CDH1, STK11, PALB2 là các đột biến hiếm, có thể gặp trong ung thư vú.
- Hiện nay, xét nghiệm gen có thể phát hiện được các đột biến gen BRCA1 và BRCA2 , TP53 giúp tiên lượng, sàng lọc các bệnh ung thư vú.
3. Di truyền
Khoảng 15% phụ nữ mắc ung thư vú có tiền sử gia đình có người bị ung thư vú trước đó. Nếu trong gia đình có một người bị ung thư vú ( mẹ, dì, chị em gái ruột) thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp đôi. Có hai người bị bệnh ung thư vú nguy cơ sẽ tăng gấp 3 lần. Phụ nữ có cha hoặc anh em trai bị mắc bệnh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người bình thường khác.
Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA 1 và 2.
4. Tuổi hành kinh sớm và mãn kinh muộn
Những người có tiền sử dậy thì sớm ( trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn ( sau 55 tuổi) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường khác. Nguyên nhân là do những người phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone Estrogen và Progesterone.
5. Không sinh con hoặc không cho con bú
Những phụ nữ không sinh con hoặc sinh con đầu lòng muộn sau tuổi 30, không cho con bú có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.
6. Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú hoặc từng bị ung thư
Xơ vú, áp xe vú...nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư. Hơn nữa việc chẩn đoán ung thư vú sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu bệnh nhân mắc thêm những bệnh lý về tuyến vú này.
Những người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người bình thường.
7. Chế độ ăn, béo phì
Phụ nữ uống rượu, chế độ ăn nhiều mỡ, đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Thừa cân hoặc béo phì sau mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Phụ nữ ở trong độ tuổi sinh sản, hầu hết Estrogen được sản xuất từ buồng trứng, một lượng rất nhỏ Estrogen được sản xuất từ mô mỡ. Sau khi mãn kinh, buồng trứng ngừng hoạt động, phụ nữ thừa cân, béo phì có lượng Estrogen cao trong máu do đó tăng nguy cơ bị ung thư vú. Ngoài ra ở những người béo phì, lượng insulin trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư trong đó có bệnh ung thư vú.
Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan...
8. Ít vận động
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ít vận động thể chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Hoạt động cơ thể cường độ mạnh ít nhất 2 giờ/ tuần làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
9. Thuốc tránh thai, liệu pháp hormone
Những phụ nữ tránh thai bằng uống thuốc hoặc bằng dụng cụ tránh thai có chứa hormone sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn các biện pháp tránh thai không dùng hormone khác.
Phòng ngừa ung thư vú:
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Ăn nhiều rau củ quả như bắp cải, bông cải xanh...có khả năng giảm 20-40% tỷ lệ mắc ung thư vú.
- Giảm một số thực phẩm giàu chất béo như bánh ngọt, pizza,xúc xích...
- Hạn chế đồ uống có cồn
- Bỏ hút thuốc lá
- Thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu ung thư vú ngay tại nhà.
- Tập thể dục thường xuyên
- Khám vú định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra những bất thường ở vú và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.