Chăm sóc đàn ông 60 tuổi cần làm những gì? Bạn cần thực hiện kiểm tra sàng lọc định kỳ, kết hợp với tiêm ngừa đầy đủ và có thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh.
1. Đàn ông 60 tuổi nên khám gì?
Việc chăm sóc sức khỏe đàn ông 60 tuổi một cách tổng thể có thể làm giảm nguy cơ phát triển nhiều bệnh lý hoặc giúp phát hiện bệnh sớm từ giai đoạn đầu, mang lại cơ hội điều trị tốt hơn.
Dưới đây là các xét nghiệm sàng lọc quan trọng mà nam giới 60 tuổi cần thực hiện:
- Lạm dụng rượu: Thực hiện kiểm tra trên tất cả những người trưởng thành tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
- Huyết áp: Thực hiện kiểm tra trên tất cả những người trưởng thành. Tần suất kiểm tra là 1 lần/năm nếu huyết áp của bạn bình thường (dưới 120/80 mmHg). Nếu chỉ số huyết áp của bạn cao hơn so với mức bình thường, bạn có thể cần kiểm tra với tần suất dày hơn (theo chỉ định của bác sĩ);
- Ung thư đại trực tràng: Thực hiện sàng lọc trên tất cả nam giới có nguy cơ trung bình. Các xét nghiệm tìm polyp và ung thư là: Nội soi đại tràng sigma 5 năm/lần hoặc nội soi đại tràng 10 năm/lần hoặc chụp CT đại tràng 5 năm/lần. Các xét nghiệm tìm ung thư là: Xét nghiệm máu ẩn trong phân 1 lần/năm, thử nghiệm hóa miễn dịch trong phần 2 năm/lần hoặc xét nghiệm DNA trong phân 3 năm/lần. Một số người có thể được chỉ định tần suất khám sàng lọc khác (theo tiền sử cá nhân hoặc gia đình);
- Lo âu: Thực hiện tầm soát ở tất cả nam giới tuổi 60 tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc tiền tiểu đường: Thực hiện sàng lọc ở tất cả nam giới từ năm 45 tuổi hoặc nam giới ở mọi độ tuổi bị béo phì hoặc có nguy cơ mắc bệnh. Tần suất tầm soát là ít nhất 3 năm/lần;
- Bệnh tiểu đường tuýp 2: Thực hiện tầm soát ở tất cả nam giới bị tiền tiểu đường, thực hiện hằng năm;
- Viêm gan C: Thực hiện tầm soát ở những người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Thực hiện sàng lọc ở các đợt khám sức khỏe định kỳ. Tất cả nam giới từ 50 - 70 tuổi nên xét nghiệm viêm gan C ít nhất 1 lần;
- Cholesterol và chất béo trung tính cao: Thực hiện kiểm tra ở tất cả người trưởng thành với tần suất ít nhất 5 năm/lần;
- HIV: Thực hiện tầm soát ở tất cả nam giới tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
- Ung thư phổi: Thực hiện sàng lọc ở người từ 55 - 80 tuổi đã hút thuốc. Nên sàng lọc hằng năm ở những người hút thuốc có tiền sử hút thuốc trong 30 năm hoặc những người đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm;
- Béo phì: Thực hiện kiểm tra ở bất kỳ ai có nguy cơ gia tăng béo phì tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
- Ung thư tuyến tiền liệt: Thực hiện sàng lọc bắt đầu từ khi nam giới được 45 tuổi tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
- Giang mai: Thực hiện kiểm tra ở bất kỳ ai có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, tầm soát tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
- Bệnh lao: Thực hiện sàng lọc ở bất kỳ ai có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, tầm soát theo chỉ định của bác sĩ;
- Thị giác: Thực hiện kiểm tra ở tất cả những người trưởng thành với tần suất khám tùy theo chỉ định của bác sĩ.
2. Chăm sóc sức khỏe đàn ông 60 tuổi: Nhận tư vấn của bác sĩ
Sức khỏe đàn ông 60 tuổi có tốt hay không còn phụ thuộc vào việc bạn có tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ không. Những lưu ý sau sẽ hữu ích cho bạn:
- Sử dụng aspirin để ngăn ngừa các biến chứng tim mạch: Nam giới từ 45 - 79 tuổi có thể được chỉ định sử dụng khi được chẩn đoán có nguy cơ mắc bệnh tim mạch;
- Ăn kiêng và tập thể dục: Là lựa chọn tốt cho người trưởng thành bị thừa cân hoặc béo phì. Bạn nên thực hiện ngay khi được chẩn đoán mắc phải tình trạng này;
- Phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Bất kỳ ai có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn đều được tư vấn tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
- Sử dụng thuốc lá và các bệnh liên quan đến thuốc lá: Bác sĩ sẽ tư vấn cho tất cả những người trưởng thành trong các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ.
3. Tiêm vắc-xin phòng ngừa một số bệnh lý
Trong chăm sóc sức khỏe đàn ông 60 tuổi, việc tiêm phòng đóng vai trò rất quan trọng. Một số loại vắc-xin được bác sĩ khuyến nghị cho nam giới tuổi 60 là:
- Vắc-xin phòng ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà: Tiêm ở tất cả người trưởng thành mỗi 10 năm/lần;
- Vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella: Tiêm cho nam giới độ tuổi 60 (trước đó chưa từng bị nhiễm trùng hoặc chưa từng tiêm vắc-xin). Liều tiêm là 1 hoặc 2 mũi tùy theo chỉ định của bác sĩ;
- Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu: Tiêm cho nam giới tuổi từ 50 - 64 chưa từng bị nhiễm trùng hoặc chưa từng tiêm vắc-xin. Liều tiêm là 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 4 tuần;
- Vắc-xin cúm: Tiêm cho tất cả những người trưởng thành hằng năm, khi vắc-xin có sẵn trong cộng đồng;
- Vắc-xin viêm gan A: Tiêm cho những người có nguy cơ. Liều tiêm là 2 mũi, cách nhau tối thiểu 6 tháng;
- Vắc-xin viêm gan B: Tiêm cho những người có nguy cơ. Liều tiêm là 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 khoảng 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 2 tháng (hoặc ít nhất 4 tháng sau mũi 1);
- Vắc-xin Haemophilus influenzae loại B: Tiêm cho những người có nguy cơ với liều tiêm 1 - 3 mũi;
- Vắc-xin viêm não mô cầu: Tiêm cho những người có nguy cơ, liều tiêm là 1 hoặc nhiều mũi;
- Vắc-xin liên hợp phế cầu (PCV13) và vắc-xin polysaccharide phế cầu (PPSV23): Tiêm cho những người có nguy cơ. PCV13 tiêm 1 liều cho độ tuổi từ 19 - 65 (bảo vệ cơ thể chống lại 13 chủng phế cầu khuẩn), PPSV23 tiêm 1 - 2 liều cho người dưới 64 tuổi, 1 liều cho người từ 65 tuổi trở lên (bảo vệ cơ thể chống lại 13 chủng phế cầu khuẩn);
- Vắc-xin herpes zoster: Tiêm cho tất cả nam giới từ 60 tuổi trở lên, liều tiêm là 1 mũi.
4. Lời khuyên hữu ích để bảo vệ sức khỏe đàn ông 60 tuổi
Để bảo vệ sức khỏe, nam giới tuổi 60 nên chú ý:
- Quan tâm tới chức năng nhận thức và cố giữ tinh thần tỉnh táo. Điều đó có nghĩa là bạn hãy tạo điều kiện để bộ não luôn bận rộn bằng cách đọc sách, giải ô chữ, giao lưu với mọi người hoặc thử làm quen với những sở thích mới;
- Tập luyện sức bền theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn giữ thăng bằng tốt hơn, ngăn ngừa nguy cơ mất đi khối lượng xương và cơ bắp, tránh nguy cơ bị té ngã hoặc các tai nạn khác;
- Bạn nên ngừng hút thuốc lá và ngừng uống rượu bia để gia tăng tuổi thọ, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư phổi;
- Đừng quên thực hiện sàng lọc sức khỏe và tiêm phòng.
Chăm sóc sức khỏe đàn ông 60 tuổi gồm những lưu ý quan trọng kể trên. Bạn nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ kể cả không có bất kỳ triệu chứng nào để phát hiện bệnh sớm hoặc thay đổi lối sống nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, cedars-sinai.org, webmd.com