Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân có lỗ mở khí quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chăm sóc lỗ mở khí quản cho bệnh nhân là việc cần thực hiện hằng ngày để bảo vệ sức khỏe của người bệnh. Các công việc chăm sóc bao gồm hút đờm, thay băng, rửa lỗ mở khí quản, thay hoặc vệ sinh canuyn và khí dung chống bội nhiễm tại chỗ.

1. Sơ lược về thủ thuật mở khí quản

Mở khí quản là việc tạo một đường thông khí tạm thời hoặc vĩnh viễn nhằm đưa không khí vào thẳng khí quản mà không qua đường mũi họng. Thủ thuật này được thực hiện khi xảy ra hiện tượng tắc nghẽn đường hô hấp trên, giúp lấy chất tiết ở khí quản, giúp cai máy thở và giúp thở nhân tạo dài ngày. Nơi mở khí quản thường ở đốt 2 - 3 - 4 vòng sụn khí quản.

Chỉ định mở khí quản:

  • Các trường hợp gây trở ngại đường hô hấp trên, cản trở sự thông khí từ mũi tới thanh hầu như vết thương vùng mũi, thanh quản; khối u vùng mũi, mặt; bệnh bạch hầu thanh quản hoặc các dị vật đường khí quản;
  • Các tổn thương ảnh hưởng tới trung tâm hô hấp và khả năng lưu thông không khí như chấn thương sọ não, dập não, hôn mê sâu; biến chứng sau mổ áp xe não, u hố sau, u não; viêm màng não nặng ảnh hưởng tới hô hấp do tăng tiết đờm dãi;
  • Các phẫu thuật lồng ngực ảnh hưởng tới hô hấp và sự co giãn phế nang như phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi, bóc tách màng phổi và một số phẫu thuật ở lồng ngực, trung thất;
  • Cơn viêm cấp trong giãn phế quản gây ngạt thở nặng ở những nơi không đủ điều kiện đặt nội khí quản;
  • Trường hợp khác: Dự phòng ngạt thở, chuẩn bị cho các phẫu thuật lớn như khối u ở hạ họng.

Bệnh nhân chấn thương sọ não cần chỉ định thực hiện mở khí quản
Bệnh nhân chấn thương sọ não cần chỉ định thực hiện mở khí quản

Lợi ích khi thực hiện thủ thuật mở khí quản:

  • Giảm khoảng chết của bộ máy hô hấp, giúp đưa không khí ngoài trời vào cơ thể dễ dàng với các động tác thở không cần gắng sức;
  • Tăng hiệu quả của việc hút đờm, dãi;
  • Giúp đưa thuốc, oxy trực tiếp xuống đường hô hấp dưới tốt hơn;
  • Có canuyn thuận tiện cho việc hô hấp hỗ trợ, giảm sức cản đường thở và đảm bảo thể tích khí lưu thông;
  • Giảm tình trạng ứ trệ tuần hoàn máu trong hệ thống tĩnh mạch.

Thủ thuật mở khí quản có thể gây ra một số biến chứng như nghẹt đàm, viêm phổi, nhiễm trùng da quanh ống, sút ống, xẹp phổi, hẹp khí quản, rò khí thực quản.

2. Chi tiết cách chăm sóc bệnh nhân có lỗ mở khí quản

2.1 Chăm sóc lỗ mở khí quản gồm các công việc gì?

Lỗ mở khí quản (còn gọi là lỗ thở) là một đường thông khí đưa không khí đi vào thẳng khí quản mà không qua đường mũi họng. Lỗ thở này có thể tồn tại tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong trường hợp mở khí quản lâu dài, người bệnh hoặc người thân phải biết cách vệ sinh, chăm sóc để tránh nhiễm trùng.

Tại bệnh viện, chăm sóc lỗ mở khí quản bao gồm việc thay băng gạc, vệ sinh lỗ mở khí quản, thay hoặc vệ sinh canuyn và khí dung chống bội nhiễm tại chỗ. Trường hợp chăm sóc tại nhà bao gồm việc thay băng, rửa lỗ mở khí quản, thay canuyn (hoặc vệ sinh canuyn), có chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động phù hợp, tái khám đúng hẹn.


Chăm sóc lỗ mở khí quản tại nhà cần phải thận trọng
Chăm sóc lỗ mở khí quản tại nhà cần phải thận trọng

2.2 Chuẩn bị

  • Nhân sự thực hiện: Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên thực hiện các công việc thay băng, rửa lỗ mở khí quản và khí dung; bác sĩ thực hiện thay hoặc vệ sinh canuyn;
  • Phương tiện: Bộ dụng cụ thay băng, bộ dụng cụ hút đờm, bộ dụng cụ thay canuyn mở khí quản, máy và mặt nạ khí dung;
  • Bệnh nhân: Được giải thích về thủ thuật để hợp tác;
  • Hồ sơ bệnh án: Ghi rõ chỉ định và thời gian thực hiện thủ thuật.

2.3 Tiến hành thủ thuật

Sau khi kiểm tra hồ sơ và kiểm tra người bệnh, thực hiện chăm sóc lỗ mở khí quản như sau:

Hút đờm, thay băng và rửa vết mổ

  • Hút đờm: Hút sạch đờm trước khi chăm sóc lỗ mở khí quản;
  • Thay băng, rửa vết mổ mở khí quản 2 - 3 lần trong ngày đầu tiên. Sau đó, thực hiện 1 lần/ngày. Cách thực hiện như sau:
    • Tháo bỏ băng, gạc cũ;
    • Sát trùng lỗ mở khí quản bằng cồn iod, sau đó sát trùng lại bằng cồn 70°;
    • Vệ sinh chất tiết, dịch nhầy và mủ ở lỗ mở khí quản;
    • Sát trùng lại toàn bộ trước khi thay băng, gạc mới;
    • Dùng gạc mới phủ kín quanh lỗ ống mở khí quản;
    • Dùng dây gạc để buộc cố định canuyn khí quản.

Thay canuyn

  • Bác sĩ thực hiện cần rửa tay sạch sẽ;
  • Sau khi cố định ống ngoài, thực hiện mở khóa ống trong, rút nhẹ nòng trong của canuyn ra;
  • Ngâm nòng ống vào cốc nước oxy già vài phút để làm tan máu, dịch đờm, rồi dùng bàn chải nhỏ chà lại thật sạch. Với canuyn bằng nhựa thì đem ngâm vào dung dịch dakin hoặc benzalkonium 1/750 trong tối thiểu 2 tiếng, sau đó tráng lại bằng nước cất. Nếu là canuyn bạc Krishaber thì đem hấp, sấy khô hoặc đun sôi để tiệt trùng;
  • Lau lại canuyn bằng gạc, đặt ống lại và vặn khóa cố định nòng trong của canuyn;
  • Lấy gạc hình chữ Y bằng ống thông;
  • Dùng que bông tẩm thuốc sát khuẩn, nhẹ nhàng lau sạch vết lỗ mở khí quản sau 30 giây, dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lý lau lại vết mở lỗ khí quản;
  • Băng lại vải gạc hình chữ Y sạch cho ống thông;
  • Khi dây cột canuyn bị lỏng hoặc bẩn thì tháo ra buộc lại cho vừa hoặc đổi dây khác.

Lỗ mở khí quản cần được thay băng thường xuyên mỗi ngày
Lỗ mở khí quản cần được thay băng thường xuyên mỗi ngày

2.4 Tai biến và cách xử trí

  • Tụt canuyn: Xử trí theo phác đồ điều trị chuẩn;
  • Tắc đờm: Đờm quánh do không khí khô, bệnh nhân bị mất nước. Cách xử trí là bồi phụ đủ nước cho bệnh nhân, làm ẩm không khí thở vào bằng cách làm ẩm miếng gạc phủ lên canuyn hoặc với trường hợp bệnh nhân thở máy thì cần kiểm tra liên tục lượng nước trong bình làm ẩm;
  • Nhiễm khuẩn khí phế quản phổi: Xử trí bằng cách lấy dịch phế quản làm kháng sinh đồ, sau đó cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh phổ rộng và điều chỉnh lại sau khi có kết quả kháng sinh đồ.

2.5 Lưu ý cho trường hợp chăm sóc lỗ mở khí quản tại nhà

Với các trường hợp chăm sóc bệnh nhân có lỗ mở khí quản tại nhà, cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Thay băng và rửa vết mổ mở khí quản 1 lần/ngày;
  • Quan sát vùng da quanh lỗ mở khí quản khi thay băng, nếu thấy có dấu hiệu da sưng, đỏ, chảy máu, chảy mủ,... thì cho bệnh nhân tái khám ngay;
  • Kiểm tra vị trí ống mở khí quản, kiểm tra dây cột mở khí quản, tái khám ngay nếu ống mở khí quản bị tụt hoặc rơi ra ngoài;
  • Kiểm tra màu sắc, tính chất đờm, nhớt trong ống mở khí quản mỗi khi thay băng, tái khám ngay nếu đờm nhớt tăng, có lẫn máu, mủ hoặc bị tắc ống, nghẹt đờm;
  • Che lỗ mở khí quản bằng một miếng gạc ẩm để tránh bụi, dị vật rơi vào đường thở;
  • Việc thay hoặc vệ sinh canuyn được thực hiện bởi bác sĩ tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu;

Về chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân có lỗ mở khí quản:

  • Nên uống nhiều nước, bổ sung thêm rau xanh và trái cây;
  • Sử dụng máy tạo hơi nước trong phòng để tránh viêm phổi, đặc biệt là trong mùa đông;
  • Khi ngủ cần tránh để chăn hoặc ga giường bịt lỗ thở;
  • Khi tắm nên che chắn lỗ thở, tránh nước bắn vào đường thở gây ho, sặc hoặc ngạt thở;
  • Luyện tập thể thao với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe.

Dùng máy phun sương tạo độ ẩm cho người bệnh để tránh viêm phổi
Dùng máy phun sương tạo độ ẩm cho người bệnh để tránh viêm phổi

Bệnh nhân có lỗ mở khí quản nên tái khám ngay nếu có 1 trong các triệu chứng như: Khó thở, sốt cao, ho nhiều, đờm nhớt tăng nhiều hoặc có lẫn máu mủ, vùng da xung quanh lỗ mở khí quản bị sưng, nóng, đỏ, đau, chảy máu, mủ, tụt hoặc rơi ống mở khí quản,...

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe