Chẩn đoán và điều trị suy hô hấp cấp ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Suy hô hấp cấp là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em phải nhập viện vào khoa hồi sức. Suy hô hấp cấp ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phế quản, dị vật đường thở, hen suyễn, bệnh lý thần kinh cơ,...

1. Suy hô hấp cấp ở trẻ em là gì?

Suy hô hấp được định nghĩa là tình trạng giảm khả năng cung cấp oxy đến tế bào và giảm khả năng thải trừ carbonic. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện vào khoa hồi sức.

2. Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp ở trẻ em

  • Do tắc nghẽn đường hô hấp trên: viêm thanh-khí quản, dị vật đường thở, áp xe thành sau họng, phì đại amidan,...
  • Do tắc nghẽn đường hô hấp dưới: hen suyễn, viêm tiểu phế quản cấp, dị vật đường thở,...
  • Nguyên nhân không do tắc nghẽn: Viêm phổi, xẹp phổi, thuyên tắc mạch máu phổi, bệnh phổi mô kẽ, áp xe phổi, xuất huyết phổi,...
  • Do các nguyên nhân khác ngoài phổi: liệt cơ hoành, thoát vị hoành, suy tim, suy tuần hoàn, sốc, bệnh lý thần kinh cơ, chấn thương sọ não, ngộ độc, rối loạn chuyển hóa,...

Suy hô hấp cấp ở trẻ em
Suy hô hấp cấp ở trẻ em

3. Chẩn đoán suy hô hấp cấp ở trẻ em

3.1.Dấu hiệu lâm sàng

  • Tăng công hô hấp: Tăng tần số thở, cảm giác lo lắng, khó thở.
  • Biểu hiện mệt mỏi cơ hô hấp: Thở rên, thở không đều, trẻ không thể ho.
  • Dấu hiệu thiếu oxy: Nhịp tim tăng, cơ thể tím tái, kích thích hoặc ức chế thần kinh.
  • Có các dấu hiệu tổn thương tại phổi: Khò khè, ran ẩm, ran nổ; co kéo cơ hô hấp phụ.
  • Tăng khí Carbonic trong máu: Đỏ da, lồi mắt, lồng ngực căng và huyết áp tăng.
  • Bằng chứng cho thấy tắc nghẽn đường hô hấp trên: Thở rít, chảy nước dãi hay thậm chí là ngưng thở.

3.2.Dấu hiệu cận lâm sàng

  • Độ bão hòa oxy qua da <90% ( đối với trẻ ngoài tuổi sơ sinh).
  • Khí máu động mạch: Giảm PaO2 < 60mmHg, tăng CO2 >50mmHg, toan hô hấp-chuyển hóa hỗn hợp.
  • Chụp X-quang phổi: Quan sát thấy thâm nhiễm nhu mô phổi, tổn thương mô kẽ, tình trạng ứ khí hay xẹp phổi, khí phế quản bị tổn thương, có dấu hiệu tràn dịch, khí màng phổi, tổn thương trung thất.

4. Điều trị suy hô hấp cấp ở trẻ em như thế nào?

4.1. Dẫn lưu màng phổi

Được chỉ định trong các hội chứng tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất và trong tràn máu, tràn dịch màng phổi.

4.2. Khai thông đường dẫn khí

Khai thông đường dẫn khí là việc đầu tiên phải làm ngay từ giây phút đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân. Tuỳ theo nguyên nhân và mức độ, có thể áp dụng các thủ thuật như móc mồm, mũi, họng, lau sạch, hút sạch đất, cát, bùn, thức ăn, đờm dãi, nâng hàm bệnh nhân,...

4.3. Mở khí quản

Cần thực hiện đúng kỹ thuật để tránh các biến chứng sau mở khí quản như hẹp khí quản, chảy máu và hoại tử thành khí quản.

4.4. Đặt nội khí quản

Đặt nội khí quản có chỉ định giống mở khí quản. Có 2 phương pháp đặt nội khí quản là đặt qua mồm và đặt qua mũi. Đặt qua mồm dễ đặt và nhanh hơn, nhưng phải dùng đèn soi thanh quản, bệnh nhân có thể cắn ống và khó vệ sinh răng miệng. Còn phương pháp đặt qua mũi có thể làm mà không cần đèn soi, có thể để lâu hơn. Nhưng hạn chế của phương pháp này là dễ gây loét, chảy máu mũi, khó chăm sóc bệnh nhân hơn và dễ bị tắc ống hơn.


Đặt nội khí quản
Đặt nội khí quản

4.5. Hỗ trợ hô hấp, hô hấp nhân tạo

4.6. Sử dụng các thuốc kích thích hô hấp

Lobelin, diamox, micoren v.v.. kích thích trung tâm hô hấp, làm cho bệnh nhân thở sâu, thở nhanh hơn, nhưng có thể làm tăng nhu cầu oxy của bệnh nhân. Aminophylin có tác dụng tốt trong cơn hen phế quản. Các Corticoid chỉ có tác dụng trong một số cấp cứu cơn hen phế quản, phù thanh quản, phù phổi cấp tổn thương.

4.7 Oxy liệu pháp

Có thể thực hiện thở oxy qua thông đặt ở mũi., thở oxy qua mặt nạ, thở oxy trong lều hoặc lồng ấp.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải như: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội hô hấp TP.HCM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe