Các cơn đau dạ dày thường gây ra cảm giác khó chịu gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Bài viết dưới đây cung cấp một số cách xoa bụng chữa đau dạ dày tại nhà bạn có thể tham khảo.
1. Hướng dẫn cách xoa bụng chữa đau dạ dày
Thông thường, khi mắc các bệnh lý ở dạ dày, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các cơn đau dạ dày kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu, chán ăn, buồn nôn... Các dấu hiệu này có thể xuất hiện liên tục hoặc không thường xuyên nhưng đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Để giúp giảm đau dạ dày tại nhà, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian chữa đau dạ dày thông qua hình thức xoa bụng. Xoa bụng chữa đau dạ dày là biện pháp đơn giản nhất và người bệnh chỉ cần áp bàn tay vào các vị trí huyệt đạo và xoa ấn nhẹ với lực đạo vừa phải.
1.1. Xoa bụng day ấn huyệt Trung Quản
Huyệt Trung Quản thuộc nhâm mạch, nằm trên bụng, là trung điểm của đường thẳng nối từ mỏ ác đến rốn. Day nhấn vào huyệt Trung Quản trong 1 - 3 phút sẽ giúp giảm đau, tăng cường nhu động ruột, kích thích tiết dịch vị và co bóp dạ dày.
1.2. Xoa bụng day ấn huyệt Kiến Lý
Bạn có thể chọn tư thế nằm ngửa hay nửa nằm nửa ngồi, dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day ấn huyệt Kiến Lý trong 1 - 3 phút. Để xác định vị trí huyệt Kiến Lý, lấy ở điểm nối 3/8 dưới và 5/8 trên của đoạn nối rốn và điểm giao nhau của 2 bờ sườn.
Huyệt Kiến Lý có tác dụng vận tỳ lý khí, giúp phòng chống các tình trạng như đầy bụng, chán ăn, khó tiêu, nôn mửa,...
1.3. Xoa bụng day ấn huyệt Thiên Khu
Vị trí 2 huyệt Thiên Khu được xác định từ điểm rốn ngang ra 2 thốn, có tác dụng điều hòa vị tràng, cải thiện tình trạng đau bụng quanh vùng rốn, sôi bụng, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, nôn... Để ấn huyệt, bạn có thể chọn tư thế nằm ngửa hoặc nửa nằm, nửa ngồi rồi dùng 2 ngón tay cái hoặc 2 ngón giữa day ấn đồng thời cả 2 huyệt Thiên Khu trong 1 phút.
Ngoài các huyệt đạo trên, bạn cũng có thể xoa toàn bụng (với rốn là trung tâm) theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong tầm 100 vòng sao cho bụng dần ấm lên. Đây cũng là mẹo dân gian chữa đau dạ dày vô cùng đơn giản và hiệu quả, dễ áp dụng.
2. Các phương pháp giảm đau dạ dày tại nhà khác
Mặc dù, việc xoa bụng chữa đau dạ dày có thể giúp giảm nhanh các cơn đau nhưng để hiệu quả hơn, người bệnh vẫn nên tham khảo thêm các mẹo chữa đau dạ dày khác. Ví dụ:
2.1. Làm ấm bụng để giảm đau dạ dày nhanh chóng
Khi biện pháp xoa bụng chưa có tác dụng thì bạn có thể sử dụng phương pháp làm ấm bụng để giảm đau dạ dày. Đây là cách truyền thống được nhiều người xưa áp dụng, được thực hiện bằng các cách:
- Dùng chai nước ấm lăn nhẹ trên vùng bụng và xoa bụng theo chiều kim đồng hồ khi bụng đã ấm hơn.
- Rang 1 ít nắm muối cho nóng rồi bọc vào 1 tấm vải sạch rồi chườm vào vùng bụng đang bị đau.
Khi hơi nóng bắt đầu lan tỏa toàn vùng bụng sẽ hỗ trợ tăng lưu thông tuần hoàn máu, nhờ đó giảm co thắt dạ dày hiệu quả.
2.2. Uống nước muối pha loãng
Ngoài 2 phương pháp trên, bạn cũng có thể sử dụng nước muối ấm pha loãng mỗi khi những cơn đau dạ dày xuất hiện. Hãy pha loãng một ít muối hột với nước ấm rồi uống từng ngụm nhỏ. Trong 1 ngày có thể uống nhiều lần nhưng cũng không nên uống quá nhiều. Nước muối ấm pha loãng có thể làm sạch đường ruột hiệu quả, giúp giảm co thắt dạ dày đồng thời giảm các cơn đau dạ dày tối đa.
2.3. Dùng thuốc điều trị đau dạ dày
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể cân nhắc dùng các loại thuốc chữa đau dạ dày theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc điều trị đau dạ dày phổ biến hiện nay bao gồm: Thuốc kháng axit, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP..
Để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên tới các bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa để kiểm tra, đánh giá tình trạng đau dạ dày và nhờ bác sĩ chỉ định biện pháp điều trị, loại thuốc phù hợp.
2.4. Cải thiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt
Để ngăn bệnh dạ dày tái phát, bạn cũng cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt. Dưới đây là một số lời khuyên về lối sống mà bạn có thể tham khảo:
- Hạn chế ăn các thực phẩm có vị chua chát, cay nóng, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
- Hạn chế uống rượu bia, cà phê, hút thuốc lá.
- Hạn chế mệt mỏi, căng thẳng, stress kéo dài.
- Duy trì vận động, luyện tập để tăng cường sức khỏe.
Việc dùng đúng loại thuốc kết hợp với ăn uống, sinh hoạt đúng cách sẽ giúp bạn giảm nhanh các cơn đau dạ dày.
2.5. Chữa đau dạ dày bằng thảo dược thiên nhiên
Ngoài ra, cha ông ta cũng có những bài thuốc chữa đau dạ dày bằng dược liệu dân gian như: Hạt bưởi, nghệ, cẩm tím, chuối xanh,... Đây đều là những nguyên liệu tự nhiên nên rất lành tính và an toàn, dễ tìm và dễ thực hiện.
Điển hình như chữa đau dạ dày bằng chuối xanh được nhiều người áp dụng vì biện pháp này tạo ra một lớp màng nhầy giúp ngăn cản sự xâm nhập của virus Hp, giảm đau và sưng viêm trong dạ dày. Bạn có thể luộc, ăn trực tiếp chuối xanh, ép nước uống hay phơi khô, tán thành bột rồi pha với nước ấm, tất cả đều rất hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.