Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi tiêu hóa.
Nhiễm vi khuẩn HP là một trong những loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất trên thế giới, chỉ đứng sau vi khuẩn sâu răng. Vi khuẩn HP là tác nhân chính gây ra các cơn đau dạ dày mạn tính như viêm loét dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Vậy vi khuẩn HP có lây không, và lây qua những đường nào?
1. Vi khuẩn HP lây qua những đường nào?
Vi khuẩn HP có khả năng lây từ người này sang người khác qua rất nhiều con đường khác nhau. Không chỉ riêng người bệnh mà tất cả chúng ta đều có nguy cơ lây nhiễm HP khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Vi khuẩn HP hoàn toàn có thể lây lan từ người mang vi khuẩn sang người lành qua những con đường sau:
- Lây từ miệng qua miệng: Vi khuẩn HP chủ yếu lây truyền qua đường này, do tiếp xúc nước bọt hay do tiết dịch đường tiêu hóa của người bệnh sang người lành. Thường thì trong gia đình có người nhiễm HP thì những người khác có khả năng cũng bị nhiễm cao
- Lây từ dạ dày qua miệng: Do thói quen ăn uống đồ sống nên có thể bị nhiễm khuẩn HP, vi khuẩn đào thải ra phân, đây là nguồn lây lan ra ngoài.
- Một số đường khác: HP cũng có thể bị lây nhiễm qua các dụng cụ, thiết bị khám chung tại các cơ sở y tế như dụng cụ nha khoa, nội soi dạ dày....Vì vậy, việc vệ sinh tiệt trùng các thiết bị y tế sau khi được sử dụng là cần thiết để tránh nhiễm vi khuẩn HP.
Bên cạnh đó, hôn nhau cũng có thể lây HP nhưng nguy cơ thấp.
2. Vi khuẩn HP có nguy hiểm không?
Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 90% dân số bị viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP. Và điều đáng chú ý hơn là vi khuẩn HP có khả năng lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Chúng thường không gây bất kỳ một biểu hiện nào rõ rệt trong suốt thời gian tồn tại trong cơ thể con người. Hơn thế nữa, chúng còn gây ra những tổn thương khác như viêm loét dạ dày và nặng hơn là ung thư dạ dày.
Chính vì vậy, vi khuẩn HP thực sự rất nguy hiểm.
3. Cách điều trị vi khuẩn HP
Trên thực tế thì vi khuẩn HP rất dễ bị tiêu diệt, nhưng chúng là một loại vi khuẩn dễ kháng thuốc. Chính vì vậy, cách tốt nhất để điều trị HP chính là đi khám tại các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh.
- Sử dụng phương pháp xâm lấn: Tiến hành nội soi dạ dày để đánh giá tình trạng viêm loét dạ dày của bệnh nhân. Sau khi nội soi xong, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô để làm test nhanh (Urea hoặc Clo), xét nghiệm mô bệnh học hay hay nuôi cấy vi khuẩn.
- Sử dụng phương pháp không xâm lấn: có thể sử dụng 3 cách sau để phát hiện người bị nhiễm HP mà không cần nội soi dạ dày:
- Test HP qua hơi thở bằng C13 hoặc C14
- Thực hiện xét nghiệm để tìm HP có trong phân
- Xét nghiệm máu để tìm kháng thể.
Mọi đối tượng đều có thể nhiễm khuẩn HP, do đó mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.