Hơi thở: Con tim của chánh niệm

Bài viết bởi Bài viết được tư vấn bởi Chuyên viên Thiền Yoga trị liệu Chu Thị Nhã - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tiếp nối bài viết trước “Chánh niệm là gì?” chúng ta đã cùng tìm hiểu định nghĩa của chánh niệm. Ở bài viết này chúng ta sẽ có cơ hội cùng nhau thực hành để có những trải nghiệm về chánh niệm. Các bạn hãy thực hành thường xuyên bài “Hơi thở chánh niệm” dưới đây để có những trải nghiệm thú vị và tuyệt vời như tôi đã và đang thực hành mỗi ngày. Bên cạnh đó, trong bài viết dưới đây còn có một trích đoạn trong cuốn sách “Yêu sự căng thẳng, thương nỗi muộn phiền” của tác giả Võ Xuân Dũng – một bác sĩ nhi khoa tận tâm và tài ba sinh ra tại Việt Nam và lớn lên tại Mỹ.

Bạn thở gần hai mươi ngàn lần trong một ngày. Nhưng bạn đã thở được mấy hơi thở có ý thức, được mấy hơi thở thực sự sảng khoái? Cũng như phần đông, câu trả lời của bạn là: “Không bao nhiêu!” Căn bản của tất cả phép thực tập chánh niệm là ý thức hơi thở, còn được gọi là “trở về với hơi thở”. Hơi thở là món quà mầu nhiệm đem thân về với tâm, với bây giờ và ở đây. Chỉ với ba hơi thở là bạn có thể trở về với giây phút hiện tại và thoát khỏi bức xúc, ngay đây, ngay lúc này. Bạn thử đi xem sao!

Hãy thử xem! Hơi thở chánh niệm

Trước hết là dừng lại. Bạn hãy ngưng bất cứ những gì bạn đang làm, hay sắp làm và trở về với “ở đây”, không có gì để làm cả.

Tiếp đến, chú ý vào hơi thở tự nhiên bạn đang thở, bây giờ và ở đây. Không cần phải gò ép hơi thở, không cần thở sâu hơn hay chậm hơn. Chỉ cần chú ý đến hơi thở tự nhiên cùng sự tò mò và thương yêu. Hãy để ý đến hơi gió đi vào phổi đem vào dưỡng khí và thải ra thán khí.

Bạn nói thầm theo hơi thở, “Thở vào tôi biết tôi thở vào. Thở ra tôi biết tôi thở ra” (Thích Nhất Hạnh, 2009,4), hay vắn tắt hơn, “Vào...Ra”

Hãy chú tâm vào hơi thở, theo dõi hơi thở vào, ra. Ghi nhận hơi thở khi bắt đầu, đi ngang phần giữa cho đến tận phần cuối.

Bạn có thể tưởng tượng là bạn đang bồng bềnh trên mặt biển, mỗi hơi thở vào, ra là một đợt sóng nâng bạn lên xuống. Hãy bồng bềnh như thế theo nhịp sóng của hơi thở. Chú ý đến lỗ mũi, nơi mà bạn có cảm giác hơi thở vào ra, hay chú ý đến thành bụng phồng, xẹp.

Theo dõi hơi thở không phải là lao tác mệt nhọc. Hơi thở chánh niệm đem lại cảm giác thư giãn và thoải mái. Nếu bạn cảm thấy thích thú khi thở thì hãy tiếp tục thưởng thức và mỉm cười.


Hơi thở chánh niệm giúp cơ thể và tâm trí thư giãn
Hơi thở chánh niệm giúp cơ thể và tâm trí thư giãn

Nếu bạn suy nghĩ vẩn vơ hay lơ đễnh một chút thì cũng không sao. Trí óc là như vậy nên đừng cho rằng mình thực tập “sai”. Hãy ghi nhận như thế và tự nói với mình: “Trí óc tôi lại đi lạc!” và tò mò tìm xem trí óc bạn lúc đó đang ở đâu, rồi nhẹ nhàng đưa chú ý về với hơi thở kế tiếp.

Bạn có thể thở trong chánh niệm như thế trong ba hơi, chín hơi, hay nếu bạn có thời gian thì có thể là hai, ba phút.

Chú ý vào hơi thở hay trở về với giây phút hiện tại đã xảy ra như thế nào? Bạn có ghi nhận gì đáng chú ý hay bất ngờ không?

Bạn có thể dừng lại một phút để thở hơi thở chánh niệm bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Sau khi thở vài hơi thở chánh niệm, hay thở vài phút, bạn tiếp tục làm việc, có mặt hơn với giây phút hiện tại. Bạn hãy để ý xem trở về với hơi thở có đem đến thay đổi cho bạn trong ngày hay không?

Hơi thở luôn luôn có mặt đó, duy trì sự sống của bạn, nuôi dưỡng thân tâm bạn. Bạn có thể học để có mặt cho hơi thở của bạn không?

Bạn có thể thực hiện hơi thở chánh niệm theo hướng dẫn trong bài viết trên để có những trải nghiệm thú vị, giải tỏa căng thẳng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe