Hiện nay có khoảng 80 triệu người bị hôi miệng, bệnh không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống mà còn khiến người bệnh mất tự tin giao tiếp. Việc giữ cho hơi thở thơm tho, răng nướu khỏe mạnh là điều không quá khó khăn. Bạn có thể thử áp dụng 9 lời khuyên đơn giản sau đây để vừa khử mùi hơi thở, vừa giúp khoang miệng luôn tươi mát và sạch sẽ.
1. Chải và xỉa răng thường xuyên hơn
Các mảng bám tích tụ, dính trên răng là nơi trú ngụ của vi khuẩn kỵ khí gây hôi miệng. Ngoài ra, những kẽ răng mắc vụn thức ăn cũng làm hơi thở trở nên nặng mùi.
Lời khuyên là nên đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần/ngày. Nếu bạn lo lắng về mùi hơi thở, hãy làm cả hai bước vệ sinh răng miệng trên thường xuyên hơn. Tuy nhiên, bất kỳ việc gì nhiều quá cũng không tốt. Tương tự, nếu bạn chải răng quá mạnh, có thể làm mòn răng, khiến răng dễ bị sâu hơn. Ngoài ra, bạn nên thay mới bàn chải đánh răng sau khoảng 2 - 3 tháng, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi trú ngụ. Ở người đang không có hơi thở thơm tho thì chỉ nên dùng bàn chải trong tối đa 2 tháng, sau đó thay mới dù vẫn còn sử dụng tốt.
2. Súc miệng
Dùng nước súc miệng để làm sạch khoang miệng hàng ngày sẽ giúp ngăn chặn hôi miệng tận gốc. Ngoài khả năng giúp hơi thở thơm tho và tươi mát, nước súc miệng còn tăng cường bảo vệ sức khỏe răng miệng bằng cách loại bỏ vi khuẩn.
Lưu ý, nên chọn loại nước súc miệng có khả năng giết chết vi khuẩn gây hôi miệng, chứ không chỉ đơn thuần là khử mùi hơi thở. Mặt khác, nước súc miệng có cồn là nguyên nhân làm miệng bị khô, bạn không nên sử dụng lâu dài. Bạn cần kiên nhẫn kiểm tra thành phần trước khi mua và đảm bảo không chọn loại chứa nhiều cồn.
Nếu cảm thấy không an tâm, bạn có thể tự pha chế nước súc miệng bằng baking soda, với một cốc nước ấm và vài giọt tinh dầu bạc hà. Hương vị bạc hà tươi mát là sự lựa chọn yêu thích của nhiều người, trong khi đó nước súc miệng có bổ sung oxy sẽ len lỏi khắp khoang miệng, diệt khuẩn, giảm mùi hôi.
Bạn cũng có thể cải thiện mùi hơi thở bằng cách uống hoặc súc miệng bằng nước thường sau khi ăn. Việc này sẽ góp phần loại bỏ các hạt thức ăn bị mắc kẹt trong răng. Ngoài ra, bạn còn có thể khử mùi hơi thở bằng cách súc nước muối. Đây là chất diệt khuẩn rất hiệu quả và lành tính cho khoang miệng.
3. Cạo lưỡi
Hơn 80% vi khuẩn nằm trên lưỡi. Lớp phủ hình thành trên lưỡi chính là môi trường lý tưởng của vi khuẩn tạo mùi. Để loại bỏ mảng bám, hãy nhẹ nhàng chải lưỡi bằng bàn chải. Theo một thống kê, thêm bước làm sạch lưỡi sau mỗi lần đánh răng sẽ giúp khử mùi hơi thở hiệu quả hơn 70%.
Nếu bàn chải đánh răng thông thường không thích hợp, hãy thử dùng một chiếc cạo lưỡi chuyên dụng. Dụng cụ này được thiết kế đặc biệt để tạo áp lực đồng đều trên bề mặt của lưỡi. Hiệp hội vệ sinh nha khoa Hoa Kỳ cho biết dụng cụ cạo lưỡi giúp loại bỏ vi khuẩn, mảnh vụn thức ăn và tế bào chết trên lưỡi tốt hơn chỉ dùng bàn chải đánh răng.
4. Tránh những thực phẩm tạo mùi khó chịu cho hơi thở
Hành và tỏi là hai món đứng đầu danh sách tạo mùi, thậm chí việc đánh răng ngay sau khi ăn cũng không thể khắc phục được. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho biết khi ăn những loại thực phẩm này, các chất gây mùi hôi của đã xâm nhập vào máu và đi đến phổi - nơi tạo ra hơi thở.
Do vậy, cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này là đừng ăn chúng, hoặc ít nhất là tránh ăn hành và tỏi trước khi đi làm hay gặp gỡ bạn bè. Thay vào đó, nên ăn táo hoặc các thực phẩm giòn (cần tây, cà rốt,..). Kết cấu cứng có thể loại bỏ thức ăn mắc vào giữa răng, nhờ đó loại bỏ và ngăn chặn vi khuẩn gây hôi miệng. Ngoài ra, để có hơi thở thơm tho, bạn cần giữ đường ruột khỏe mạnh bằng cách bổ sung thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn, như sữa chua, kim chi,...Vi khuẩn tốt sẽ lấn áp, giảm lượng vi khuẩn xấu gây hôi miệng.
5. Bỏ thói quen hút thuốc lá
Bên cạnh nguy cơ gây ung thư, hút thuốc có thể làm hỏng nướu, gây vàng ố răng và khiến bạn bị hôi miệng.
Liệu pháp nicotin thay thế có thể giúp chế ngự cơn thèm thuốc. Nếu bạn cần người giúp đỡ để bỏ hút thuốc lá, hãy hẹn gặp bác sĩ để được tư vấn về kế hoạch cai nghiện hoặc kê toa một số loại dược phẩm giúp từ bỏ thuốc lá mãi mãi.
6. Nhai kẹo cao su thay cho kẹo bạc hà sau bữa ăn
Các vi khuẩn trong miệng rất ưa chuộng chất đường. Chúng sử dụng đường để tạo ra axit. Điều này làm mòn răng của bạn và gây hôi miệng. Vì vậy, cách khử mùi hơi thở hiệu quả là nhai kẹo cao su không đường.
Singum / chewing gum giúp kích thích nước bọt. Đây chính là cơ chế bảo vệ tự nhiên để miệng chống lại các axit mảng bám, gây sâu răng và hôi miệng.
Hơn nữa, kẹo cao su còn có công dụng loại bỏ thức ăn thừa trên răng, và kháng khuẩn cho khoang miệng với xylitol.
7. Giữ cho nướu răng khỏe mạnh
Bệnh nướu răng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Vi khuẩn tập hợp trong các túi viêm ở chân răng và tạo ra mùi. Nếu bạn bị bệnh nướu răng (nha chu), hãy đến gặp nha sĩ để được điều trị chuyên môn.
8. Làm ẩm miệng
Lượng nước bọt giúp phá vỡ mảng bám trên răng, rửa trôi thức ăn của vi khuẩn, khiến chúng chết dần đi. Bạn có thể bị sâu răng và hôi miệng khi không tiết đủ nước bọt. Nếu miệng của bạn bị khô, hãy thử một số cách hữu ích sau:
- Uống nhiều nước hơn trong ngày
- Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo cứng không đường
- Dùng máy tạo độ ẩm vào ban đêm để làm ẩm không khí trong nhà, phòng ngủ.
9. Thăm khám bác sĩ
Nếu tình trạng hôi miệng của bạn vẫn không được cải thiện dù đã áp dụng rất nhiều cách khử mùi hơi thở, hãy hẹn gặp bác sĩ. Bạn sẽ được kiểm tra xem mùi hơi thở khó chịu như vậy có liên quan đến một tình trạng y tế nào khác hay không.
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp từ khoang miệng, mùi hơi thở khó chịu bất thường cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo:
- Trào ngược axit
- Vi khuẩn HP dạ dày
- Suy gan, suy thận
- Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn hô hấp
- Stress và trầm cảm
Như vậy, ngoài giữ mình có một hàm răng trắng sáng, thì hơi thở thơm tho cũng rất quan trọng. Thực tế bạn không cần phải chi quá nhiều tiền hay tốn thời gian công sức, những cách khử mùi hơi thở với kẹo cao su, nước súc miệng, kem đánh răng, chỉ nha khoa... là rất đơn giản, mà lại vô cùng hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com