Hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột là hai tình trạng tiêu hóa thường bị nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng giống nhau nhưng chúng khác biệt về nguyên nhân, cơ chế bệnh và cách điều trị. Hiểu rõ sự khác nhau giữa hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột là rất quan trọng để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột
Bệnh viêm đường ruột (IBD) là một nhóm các bệnh gây ra tình trạng sưng tấy và kích ứng trong đường tiêu hóa, bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng khiến thức ăn di chuyển quá nhanh hoặc quá chậm qua đường ruột, thường kèm theo đau bụng.
Điểm khác biệt then chốt:
- Bệnh viêm đường ruột là bệnh lý có tổn thương cấu trúc, nghĩa là triệu chứng do tổn thương vật lý gây ra. Bác sĩ có thể thấy viêm mãn tính hoặc loét qua X-quang, nội soi hoặc sinh thiết.
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý rối loạn chức năng. Các xét nghiệm không thể tìm thấy nguyên nhân thực thể cho các triệu chứng.
Người bệnh không thể phân biệt hai bệnh này chỉ dựa vào cảm giác, vì vậy hiểu rõ sự khác biệt để có phương pháp điều trị đúng đắn là rất quan trọng.
2. Các triệu chứng tương tự của hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột
Vì cùng là những bệnh lý đường ruột mãn tính nên hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột có một số triệu chứng tương đồng:
- Đau bụng.
- Chướng khí.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Đi ngoài nhiều lần hoặc cảm thấy buồn đi nặng ngay lập tức.
- Cả hai bệnh cũng thường được chẩn đoán ở những người trẻ tuổi.
3. Các điểm khác nhau
3.1 Triệu chứng
Mặc dù có những triệu chứng tương tự nhau, viêm đường ruột (IBD) và hội chứng ruột kích thích (IBS) cũng có những điểm khác biệt:
Bệnh viêm đường ruột (IBD): Do tình trạng viêm nhiễm, các triệu chứng của bệnh viêm ruột có thể nặng hơn và xấu đi theo thời gian, bao gồm:
- Phân có máu hoặc màu đen.
- Sụt cân hoặc mất cảm giác thèm ăn.
- Sốt.
- Viêm da, khớp hoặc mắt.
Hội chứng ruột kích thích (IBS): Hội chứng ruột kích thích có thể gây ra buồn nôn và đầy hơi nhiều hơn bình thường. Người bệnh cũng có thể cảm thấy muốn đi ngoài ngay cả sau khi đã đi.
3.2 Vị trí đau
Bệnh viêm đường ruột (IBD):
- Bệnh Crohn - một dạng của bệnh viêm ruột, thường gây đau ở phía dưới bên phải bụng.
- Viêm loét đại tràng - gây đau ở phía dưới bên trái bụng.
Tuy nhiên, cả hai bệnh đều có thể gây đau ở bất kỳ vị trí nào trên bụng.
Hội chứng ruột kích thích (IBS): Với hội chứng ruột kích thích, đau hoặc co thắt thường xuất hiện ở nửa dưới của bụng.
3.3 Nguyên nhân gây bệnh
Mặc dù các dấu hiệu vật lý có thể giúp tìm hiểu nguyên nhân của bệnh viêm ruột, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
Ở bệnh nhân viêm ruột, viêm nhiễm kéo dài trong đường tiêu hóa có thể gây chảy máu và loét, dẫn đến đau, kích hoạt hệ miễn dịch, gây ra các triệu chứng như sốt cũng như mệt mỏi.
Ngược lại, nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích (IBS) vẫn chưa rõ ràng. Các nhà khoa học cho rằng có mối liên hệ giữa hệ miễn dịch và hoạt động của các cơ trong quá trình di chuyển thức ăn qua ruột. Nhiều yếu tố có thể làm nặng thêm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, chẳng hạn như:
- Thực phẩm
- Căng thẳng
- Nhiễm trùng
- Thay đổi nội tiết tố
3.4 Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh viêm ruột:
Bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương vật lý trên đường ruột thông qua các phương pháp:
- Xét nghiệm máu và phân.
- Chụp CT hoặc MRI.
- Nội soi đại tràng để kiểm tra bên trong. Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ trong quá trình này, được gọi là sinh thiết.
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích:
Bác sĩ sẽ dựa trên "tiêu chuẩn Rome" để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Theo đó, người bệnh có thể bị hội chứng ruột kích thích nếu gặp phải tình trạng đau bụng ít nhất 1 ngày trong 1 tuần, kéo dài 3 tháng. Đau bụng cũng cần đi kèm với ít nhất 2 trong 3 yếu tố sau:
- Đau xuất hiện kèm theo việc đi ngoài.
- Khi đau bắt đầu, đi ngoài nhiều hơn hoặc ít hơn.
- Phân có hình dạng khác thường khi đau xuất hiện.
Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ chẩn đoán hội chứng ruột kích thích dựa trên các tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, nếu có thêm các triệu chứng gợi ý đến bệnh viêm ruột, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm để kiểm tra xem có tình trạng chảy máu hoặc viêm đường tiêu hóa không.
3.5 Biến chứng
Biến chứng của bệnh viêm ruột:
Nếu không được điều trị, bệnh viêm ruột có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như:
- Mất nước
- Suy dinh dưỡng
- Thiếu máu
- Loãng xương
- Nhiễm trùng
- Huyết khối
- Loét
- Tắc nghẽn đường ruột.
- Các lỗ rò và áp xe (túi mủ).
- Thủng đại tràng (lỗ thủng ở ruột già).
- Mở rộng nhanh chóng đại tràng.
- Nguy cơ ung thư ruột già cao hơn.
Biến chứng của hội chứng ruột kích thích:
Hội chứng ruột kích thích ít nguy hiểm hơn. Biến chứng chính của bệnh thường là do các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó, hội chứng ruột kích thích cũng có thể gây ra trầm cảm hoặc lo lắng.
4. Điều trị hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột
4.1 Chế độ ăn
Cả người mắc hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột đều có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng cách thay đổi chế độ ăn. Không có chế độ ăn cụ thể nào phù hợp với tất cả mọi người. Người bệnh nên:
- Tăng cường chất xơ (từ thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung).
- Hạn chế lactose (có trong các sản phẩm từ sữa).
- Giảm các loại thực phẩm gây đầy hơi.
- Uống nhiều nước hơn (qua nước uống hoặc thực phẩm giàu nước).
- Tránh caffeine và họ thực phẩm họ đậu.
- Giới hạn hoặc tránh FODMAPs, một loại đường có trong một số loại trái cây, rau, bánh mì và sản phẩm từ sữa.
4.2 Thuốc
- Bệnh viêm ruột: Bác sĩ thường điều trị bệnh viêm ruột bằng thuốc ức chế viêm:
- Aminosalicylate: Tác động lên lớp niêm mạc ruột, hỗ trợ các trường hợp bệnh viêm ruột nhẹ hoặc trung bình.
- Corticosteroid: Làm suy yếu hệ miễn dịch, được sử dụng trong thời gian ngắn khi bệnh bùng phát.
- Thuốc điều hòa miễn dịch: Cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, có thể dùng để điều trị lâu dài.
- Liệu pháp sinh học: Ngăn chặn các protein trong cơ thể gây viêm.
- Kháng sinh: Chống nhiễm trùng do bệnh hoặc do phẫu thuật điều trị.
Lưu ý: Nhìn chung, các loại thuốc này không hiệu quả với hội chứng ruột kích thích, đây là một lý do quan trọng để phân biệt hai tình trạng bệnh.
- Hội chứng ruột kích thích: Bác sĩ có thể kê thuốc không kê đơn hoặc theo toa để điều trị tiêu chảy hoặc táo bón gồm thuốc nhuận tràng, thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống co thắt và thuốc chống trầm cảm.
4.3 Các phương pháp khác
- Quản lý căng thẳng, châm cứu, thôi miên và các bài tập thư giãn.
- Nghiên cứu đang được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của men vi sinh trong việc cải thiện tình trạng hội chứng ruột kích thích.
- Tư vấn tâm lý: đặc biệt hữu ích nếu tình trạng bệnh gây căng thẳng hoặc bạn hạn chế các hoạt động xã hội vì lo lắng về triệu chứng.
- Nhóm hỗ trợ: những người tham gia có thể chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp các mẹo để kiểm soát bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.