Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C) là một rối loạn tiêu hóa phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này gây ra cảm giác khó chịu khiến việc sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn. Vậy làm sao để nhận biết sớm các dấu hiệu của hội chứng này sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đặc trưng bởi các triệu chứng như co thắt đường tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Các triệu chứng này có xu hướng đến và đi theo thời gian, có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần hoặc vài tháng một lần.
IBS thường là một vấn đề kéo dài suốt đời và việc sống chung với bệnh có thể gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Hiện không có phương pháp chữa trị hoàn toàn cho IBS, tuy nhiên, việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc thường có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.
Nguyên nhân cụ thể của IBS vẫn chưa được hiểu rõ, có thể liên quan đến việc thức ăn đi qua ruột quá nhanh hoặc quá chậm, sự kích thích của các dây thần kinh trong ruột, căng thẳng và tiền sử gia đình mắc bệnh IBS.

2. Hội chứng ruột kích thích có mấy loại?
Hội chứng ruột kích thích có ba dạng chính:
- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón: Bệnh nhân có thể bị đau dạ dày và cảm giác không thoải mái, đầy hơi, đi tiêu không thường xuyên, phân trở nên sần / cứng.
- Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy: Bệnh nhân gặp đau dạ dày và cảm giác không thoải mái, có nhu cầu đi tiêu, thường xuyên đi tiêu bất thường hoặc phân trở nên lỏng / nước.
- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ.
Cũng có bằng chứng cho thấy rằng hầu hết những người mắc IBS sẽ luân phiên xuất hiện các loại theo thời gian.
3. Nhận diện hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C)
Đây là một chứng rối loạn tiêu hóa mãn tính, thường gây ra cảm giác đau bụng, đầy hơi liên tục và gây khó khăn trong việc đi ngoài. Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là các triệu chứng hội chứng ruột kích thích thể táo bón:
3.1. Các triệu chứng thể táo bón của hội chứng ruột kích thích (IBS-C)
- Cảm giác đau bụng, đau mạnh hoặc đau quặn bụng và gây khó chịu. Cảm giác đau có thể giảm sau khi đi tiêu xong.
- Cảm giác đầy bụng, bị chướng hơi, khó tiêu và có thể xì hơi khá nhiều.
- Phân cứng và/hoặc cảm giác đi ngoài không hết phân.
- Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng này là mãn tính, nhưng chúng có thể tự thuyên giảm đi.

3.2. Nguyên nhân gây ra IBS-C
Nguyên nhân gây ra IBS-C vẫn chưa được hiểu rõ, có thể bao gồm những nguyên nhân sau:
- Một số chuyên gia cho rằng IBS có liên quan đến các biến đổi trong hoạt động nhu động và co bóp của ruột hoặc sự thay đổi trong cách ruột cảm nhận cảm giác đau.
- Ở một số bệnh nhân, IBS-C có thể phát sinh sau khi gặp phải nhiễm trùng đường ruột.
- IBS-C cũng có khả năng liên quan đến các thay đổi trong cơ chế điều khiển giữa não và ruột.
- Có bằng chứng cho thấy IBS-C sự liên quan giữa vi khuẩn thường xuất hiện trong ruột và sự biến đổi trong thành phần của những vi khuẩn.
- Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đang tiếp tục xem xét vai trò của yếu tố di truyền và/hoặc sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch.
3.3. Các biến chứng
Chúng ta không nên xem nhẹ IBS-C, vì hội chứng này có thể gây ra các vấn đề liên quan đến giãn đám rối tĩnh mạch.
Áp lực tăng lên trong vùng hậu môn do táo bón có thể gây ra căng thẳng và làm căng giãn đám rối tĩnh mạch xung quanh vùng hậu môn và trực tràng. Việc này có thể dẫn đến sự hình thành của các búi trĩ sau một thời gian dài.
Nhiều người tin rằng táo bón có thể dẫn đến việc cơ thể hấp thu chất độc từ phân khi phân không được loại bỏ kịp thời, có thể gây ra các vấn đề về khớp, hen phế quản hoặc ung thư đại tràng. Theo các nghiên cứu, người mắc táo bón mạn tính có tỉ lệ mắc ung thư đại tràng cao hơn 1.6 lần so với những người không mắc táo bón, và tỉ lệ mắc khối u lành tính cũng cao hơn gấp 2.6 lần.

4. Những phương pháp điều trị
IBS-C không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một người. Do không có phương pháp điều trị triệt để, mục tiêu thường tập trung vào việc điều trị triệu chứng và hạn chế các tác động của bệnh đến sinh hoạt hằng ngày. Phương pháp điều trị bao gồm:
4.1. Điều chỉnh lối sống
Điều này bao gồm việc giảm hoặc tránh sử dụng rượu và thuốc lá, cải thiện thói quen ngủ và tập thể dục đều đặn. Việc thay đổi lối sống giúp giảm thiểu và góp phần điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
4.2. Liệu pháp ăn kiêng
Tăng lượng chất xơ hòa tan trong khẩu phần ăn của một người (như yến mạch, psyllium và hạt lanh) có thể có ích. Đồng thời, việc giảm caffeine, soda và thực phẩm dễ gây đầy hơi cũng được khuyến khích.
4.3. Liệu pháp tâm lý
Các phương pháp điều trị tập trung vào điều trị hệ thống thần kinh trung ương đã chứng minh là có ảnh hưởng tốt với các bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
Trong đó, một số phương pháp sẽ tập trung nghiên cứu về cách mà não bộ phản ứng với tâm trí của người bệnh (stress, đau buồn, trầm cảm) dẫn đến sự thay đổi trong cách hoạt động của hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như đầy hơi, khó chịu.
Ví dụ về các phương pháp này bao gồm liệu pháp thôi miên, liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp tâm lý đa nhân tố và năng động và/hoặc tâm lý trị liệu.
Đối với một số bệnh nhân, các yếu tố căng thẳng tâm lý có thể làm tăng các triệu chứng của IBS, chẳng hạn như tiền sử lạm dụng thể chất, tinh thần hoặc tình dục. Các tình trạng tâm thần như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), lo lắng và trầm cảm đôi khi được tìm thấy cùng với IBS-C, việc điều trị những vấn đề này cũng có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh.
4.4. Điều trị nhắm vào vi khuẩn
Vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong đường ruột của con người và đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe và chức năng bình thường của ruột. Các sản phẩm probiotic, chứa vi khuẩn sống, được coi là một loại thực phẩm hoặc thuốc có thể được khuyến khích để cải thiện sức khỏe đường ruột. Đề xuất sử dụng các sản phẩm này nhằm thay đổi cấu trúc vi khuẩn đường ruột, giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu như đầy hơi và ứ khí của hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
Các chuyên gia vẫn còn nghi ngờ về lợi ích chung của men vi sinh đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra, việc xác định các loại men vi sinh hoặc số lượng cần bổ sung mang lại lợi ích sức khỏe tốt nhất vẫn chưa được xác định.
Sử dụng thuốc kháng sinh là một phương pháp để thay đổi số lượng vi khuẩn trong ruột, tuy nhiên phương pháp này vẫn còn nhiều bất đồng. Mặc dù, một số trường hợp khi sử dụng kháng sinh giúp giảm các triệu chứng hội chứng ruột kích thích thể táo bón nhưng cũng có nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thường xuyên. Nếu sử dụng kháng sinh quá thường xuyên có thể không mang lại hiệu quả, thậm chí tăng nguy cơ phát triển các nhiễm trùng nghiêm trọng.
4.5. Điều trị nội khoa
Các loại thuốc trị đau bụng có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng không thoải mái trong bụng. Trong đó, thuốc chống co thắt, một nhóm thuốc được biết đến để làm giảm sự căng thẳng của cơ trơn trong ruột, cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau bụng.
Đối với việc cải thiện chức năng ruột, các loại thuốc nhuận tràng và làm mềm phân thường được sử dụng đầu tiên cho bệnh nhân mắc IBS-C để kích thích sự di chuyển của phân trong ruột. Các loại thuốc này thường được lựa chọn vì chúng an toàn, giá rẻ và dễ tiếp cận.
Thuốc chống trầm cảm cũng có thể được sử dụng để giảm đau và các triệu chứng khác ở một số bệnh nhân mắc IBS-C. Thuốc có thể thay đổi cảm giác đau của ruột, cải thiện tâm trạng và ảnh hưởng đến cách ruột hoạt động để di chuyển phân một cách hiệu quả hơn.

Hội chứng ruột kích thích thể táo bón có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Bệnh nhân cần nhận biết các dấu hiệu hội chứng ruột kích thích và đến bác sĩ để điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com