Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là hội chứng mà người mắc phải gặp tình trạng tăng nhanh nhịp tim khi thay đổi từ tư thế nằm hoặc ngồi sang đứng. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị POTS.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ, chuyên ngành GMHS, tại Vinmec Central Park.
1. Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là gì?
POTS (Postural Orthostatic Tachycardia Syndrome) là một dạng rối loạn tự chủ – một rối loạn của hệ thần kinh tự trị. Nhánh của hệ thần kinh này điều chỉnh các chức năng mà chúng ta không thể kiểm soát một cách có ý thức, chẳng hạn như nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi và nhiệt độ cơ thể. Đặc điểm chính của POTS là nhịp tim tăng quá mức khi đứng. Vậy, POTS có nghĩa là gì?
- Tư thế (Postural): Liên quan đến vị trí của cơ thể
- Chỉnh hình (Orthostatic): Liên quan đến việc đứng thẳng
- Nhịp tim nhanh (Tachycardia): Nhịp tim tăng
- Hội chứng (Syndrome): Một nhóm các triệu chứng
2. Các triệu chứng của hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng
Người bệnh có thể sẽ có các triệu chứng POTS khác nhau tùy tình trạng bệnh. Các triệu chứng bao gồm:
- Mệt mỏi kéo dài
- Chóng mặt khi ngồi hoặc đứng lâu, có thể dẫn đến ngất xỉu
- Sương mù não: Khó tập trung, ghi nhớ hoặc chú ý
- Nhịp tim đập mạnh hoặc tim đập nhanh (cảm giác tim đập mạnh hoặc lỡ nhịp)
- Buồn nôn và ói mửa
- Nhức đầu
- Đổ mồ hôi
- Run rẩy
- Không thể tập luyện hoặc tình trạng cơ thể trở nên tồi tệ hơn sau khi tăng cường hoạt động.
- Mặt tái nhợt, tay chân tím tái nếu chân tay ở vị trí thấp hơn tim.
Các triệu chứng của hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng thường trở nên tồi tệ hơn:
- Trong môi trường ấm áp, chẳng hạn như tắm nước nóng hoặc tắm vòi sen, phòng nóng hoặc vào ngày nóng.
- Trong các tình huống phải đứng nhiều, chẳng hạn như chờ xe buýt hoặc khi đi mua sắm.
- Tình trạng nặng hơn nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ nước và muối khoáng.
Các triệu chứng POTS cũng có thể trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng. Trong trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng POTS có thể khiến một người không thể đứng thẳng hơn một vài phút. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh.
3. Phân loại và nguyên nhân của POTS
Nguyên nhân của hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng ở mỗi người sẽ khác nhau. Các nhà nghiên cứu chưa hiểu hết được nguồn gốc của chứng rối loạn này. Một số nhà nghiên cứu tin rằng đó là một chứng rối loạn tự miễn dịch, dựa trên sự hiện diện của một số kháng thể nhất định ở những người mắc POTS. Khi bệnh nhân bị rối loạn tự miễn dịch, hệ thống phòng thủ của cơ thể sẽ tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể mà không rõ lý do.
Hầu hết các chuyên gia công nhận POTS có các đặc điểm khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Đặc biệt hơn, những đặc điểm này không loại trừ lẫn nhau; người mắc POTS có thể trải qua nhiều tình trạnh cùng một lúc:
- Chứng bệnh thần kinh (Neuropathic POTS): Là thuật ngữ dùng để mô tả POTS liên quan đến tổn thương các dây thần kinh sợi nhỏ (bệnh lý thần kinh sợi nhỏ). Những dây thần kinh này điều chỉnh sự co thắt của các mạch máu ở tứ chi và bụng.
- POTS do tăng hoạt động của adrenergic (Hyperadrenergic POTS): Là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả POTS liên quan đến nồng độ hormone căng thẳng norepinephrine tăng cao.
- POTS giảm thể tích (Hypovolemic POTS): Là thuật ngữ dùng để mô tả POTS liên quan đến lượng máu thấp bất thường (giảm thể tích máu).
4. Các yếu tố nguy cơ
Nhịp tim nhanh tư thế đứng là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi 15 – 50. Nó có thể di truyền trong gia đình, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được thể gen nào có thể liên quan đến tình trạng này. Một số bệnh và tình trạng khiến tăng nguy cơ mắc bệnh POTS:
- Thiếu máu (khi bạn không có đủ hồng cầu)
- Các bệnh tự miễn dịch như hội chứng Sjogren hoặc Lupus ban đỏ
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính
- Bệnh tiểu đường và tiền đái tháo đường
- Hội chứng Ehlers-Danlos liên quan đến tình trạng cơ và khớp
- Các bệnh như bệnh bạch cầu đơn nhân, bệnh Lyme hoặc viêm gan C
- Bệnh đa xơ cứng
- Hội chứng click-murmur (còn gọi là sa van hai lá)
- Virus Epstein Barr
- SARS-CoV 2, loại vi-rút gây ra bệnh COVID
Bệnh cũng có thể xảy ra sau khi bị nhiễm trùng nghiêm trọng, mang thai hoặc chấn thương đầu. Các tác nhân khác bao gồm bắt đầu giai đoạn dậy thì, phẫu thuật lớn, bệnh do virus hoặc chấn thương cơ thể.
5. Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa POTS
5.1. Chẩn đoán hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng
- Sử dụng nghiệm pháp bàn nghiêng
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu
- Điện tâm đồ và siêu âm tim
- Xét nghiệm phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định lượng (QSART)
- Nghiệm pháp Valsalva
- Kiểm tra hơi thở tự động
- Sinh thiết dây thần kinh
5.2. Điều trị bệnh nhịp tim nhanh tư thế đứng
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như fludrocortisone, midodrine, phenylephrine hoặc một loại thuốc chẹn beta để giúp lưu thông máu. Các thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine.
- Vớ nén: Giúp đẩy máu từ chân lên tim.
- Chế độ ăn kiêng cho hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều bữa nhỏ, tăng cường nạp muối và uống nhiều nước.
- Hoạt động thể chất nhẹ nhàng
- Ngủ đủ giấc
5.3. Phòng ngừa nhịp tim nhanh tư thế đứng
Khi đã biết yếu tố gây ra tình trạng bệnh lý của bản thân, người bệnh có thể quản lý POTS hiệu quả hơn. Theo dõi huyết áp và mạch có thể giúp xác định các yếu tố kích hoạt của bệnh. Các bước khác có thể thực hiện bao gồm:
- Giữ nhiệt độ đồng đều. Sử dụng điều hòa hoặc quạt cầm tay để tránh quá nóng. Hãy tắm nước ấm thay vì nóng.
- Đừng đứng trong thời gian dài. Nếu phải xếp hàng chờ, hãy chuyển trọng lượng của mình từ chân này sang chân khác, đồng thời siết chặt và kéo dãn các cơ.
- Tránh uống rượu vì rượu có thể làm mất nước.
Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là một tình trạng sức khỏe phức tạp, ảnh hưởng không chỉ đến nhịp tim mà còn liên quan đến nhiều hệ thống cơ quan khác trong cơ thể. Hiểu rõ bệnh sẽ giúp quản lý và điều trị POTS hiệu quả, giúp cải thiện cuộc sống của người bệnh.