Bài viết của bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Phụ nữ mang thai mắc hội chứng kháng Phospholipid sẽ làm tăng nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung và những biến chứng nguy hiểm khác như tiền sản giật, thai chết lưu... Tuy nhiên, hội chứng kháng Phospholipid không phải lúc nào cũng thể hiện ra các triệu chứng rõ ràng, nhiều người bị hội chứng kháng Phospholipid nhưng lại không biết.
1. Hội chứng kháng Phospholipid (APS) là gì?
Hội chứng kháng Phospholipid (AntiPhospholipid Syndrome - APS) là bệnh lý thuộc nhóm tự miễn. Khi mắc bệnh, các kháng thể trong hệ thống miễn dịch sẽ nhận định nhầm phospholipid là chất gây hại và tấn công nó, trong khi đó phospholipid lại là thành phần tạo cấu trúc tế bào. Sự tấn công này khiến cho các tế bào bị tổn thương, dẫn đến việc hình thành các khối máu đông ở động mạch và tĩnh mạch, dẫn đến các triệu chứng như nhồi máu phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc tĩnh mạch sâu, thiếu máu cơ tim thoáng qua, sùi van tim, động kinh... gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Đối với phụ nữ mang thai mắc hội chứng Phospholipid sẽ làm tăng nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung và những biến chứng nguy hiểm khác như tiền sản giật, thai chết lưu, sảy thai liên tiếp. Những cục máu đông hình thành ở gai rau sẽ cản trở quá trình trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, hội chứng kháng Phospholipid không phải lúc nào cũng thể hiện ra các triệu chứng rõ ràng, nhiều người bị hội chứng kháng Phospholipid nhưng lại không biết. Phụ nữ mang thai mắc hội chứng Phospholipid có thể đã sinh nở thành công mà không gặp phải một triệu chứng nào.
2. Triệu chứng của hội chứng kháng Phospholipid là gì?
- Xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch, động mạch và phổi
- Số lượng tiểu cầu trong máu ở mức thấp
- Thiếu máu
- Thay đổi màu da
- Đột quỵ
- Đẻ non
- Thai lưu
- Tiền sản giật
- Sảy thai liên tiếp...
3. Biến cố thai sản có thể xảy ra với phụ nữ bị hội chứng kháng Phospholipid
Phụ nữ mang thai bị hội chứng kháng Phospholipid sẽ có ít nhất một lần thai lưu không rõ nguyên nhân (không có bất thường thai nhi) từ tuần 10 thai kỳ trở lên. Không có bất thường thai nhi phải được xác định bằng siêu âm hoặc qua thăm khám thai nhi
Đồng thời, có ít nhất một lần sinh non không rõ nguyên nhân (không có bất thường thai nhi) trước tuần 34 thai kỳ do:
- Sản giật hoặc tiền sản giật nặng
- Có dấu hiệu suy tuần hoàn rau thai
- Có ít nhất 3 lần sảy thai ngẫu nhiên liên tiếp trước 10 tuần thai kỳ không do bất thường về giải phẫu hoặc hormone của mẹ cũng như bất thường về nhiễm sắc thể.
4. Tiêu chuẩn xét nghiệm chẩn đoán hội chứng kháng Phospholipid
Các tiêu chuẩn bao gồm:
- Kháng thể kháng cardiolipin IgG và/hoặc IgM dương tính hiệu giá từ trung bình trở lên trong ít nhất 2 lần kiểm tra cách nhau 12 tuần được xác định bằng phương pháp xét nghiệm ELISA chuẩn
- Có sự hiện diện của kháng thể kháng đông Lupus trong huyết tương, ít nhất hai lần cách nhau 12 tuần, được xác định theo hướng dẫn của Hội tắc mạch và tán huyết Quốc tế
- Kháng thể kháng β2glycoprotein I IgG và/hoặc IgM dương tính trong 2 lần kiểm tra cách nhau ít nhất 12 tuần được xác định bằng phương pháp ELISA chuẩn
- Hội chứng kháng phospholipid được xác định khi có ít nhất 1 tiêu chuẩn lâm sàng và 1 tiêu chuẩn xét nghiệm, trong đó xét nghiệm lần đầu tiên được thực hiện ít nhất 12 tuần kể từ khi có triệu chứng lâm sàng.
4. Phụ nữ mắc hội chứng kháng Phospholipid có thể mang thai an toàn không?
Phụ nữ được chẩn đoán mắc hội chứng kháng Phospholipid được khuyến cáo nên có kế hoạch cho bất kỳ lần mang thai nào trong tương lai. Điều này là do việc điều trị để cải thiện kết quả mang thai hiệu quả nhất khi nó bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi cố gắng thụ thai.
Nếu sản phụ gặp khó khăn trong việc mang thai, bị sảy thai hoặc biết rằng bị hội chứng kháng Phospholipid, hãy đến Bệnh viện để được khám và theo dõi điều trị. Bác sĩ sẽ đề xuất liệu pháp miễn dịch sinh sản hoặc điều trị bằng thuốc chống đông máu nhằm giảm nguy cơ đông máu trong thai kỳ.
Theo dõi một thai kỳ bị hội chứng kháng Phospholipid có nguy cơ cao bao gồm các cuộc thăm khám thường xuyên tại cơ sở y tế chuyên môn với chăm sóc định kỳ như sau:
- Kiểm tra huyết áp cao
- Xác định chất đông máu
- Kiểm tra nhịp tim thai nhi
- Siêu âm để kiểm tra sự phát triển của thai nhi,
- Siêu âm Doppler để kiểm tra lưu lượng máu của sản phụ.
Vì APS có thể là một căn bệnh đe dọa tính mạng cho cả sản phụ và trẻ, hãy đến cơ sở Y tế nếu có các triệu chứng sau:
- Khó nói hoặc cười
- Khó cử động cánh tay
- Đi lại khó khăn
- Sưng chân ...
5. Thay đổi lối sống khi mắc hội chứng kháng Phospholipid
Nếu được chẩn đoán mắc hội chứng kháng Phospholipid , điều quan trọng là nên thực hiện tất cả các bước có thể để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Các cách hiệu quả để đạt được điều này bao gồm:
- Nếu bệnh nhân đang mang thai cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm theo dõi cần thiết
- Không hút thuốc vì Nicotin trong thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đông máu
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng hợp lý và giảm cân nếu béo phì (có chỉ số khối cơ thể từ 30 trở lên)
- Chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt cần tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin có trong rau xanh, trái cây, đồng thời hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất đường bột
- Hạn chế uống nhiều rượu
- Không dùng thuốc tránh thai vì nó cũng làm tăng nguy cơ đông máu
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
Lim W. AntiPhospholipid Syndrome. Hematology Am Soc Hematol Educ Program 2013; 2013:675.