Bài viết của Chuyên viên Nguyễn Thị Yến - Chuyên viên âm ngữ trị liệu- Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Tất cả chúng ta đều đang cùng nhau trải qua một đại dịch mà có thể chưa một ai từng phải trải qua trước đây. Các cơ quan, công sở làm việc tại nhà hoặc làm việc luân phiên; các trường học, trung tâm giáo dục tạm dừng hoạt động. Điều này chắc hẳn đã gây ra nhiều xáo trộn cũng như mang lại nhiều áp lực cho mỗi người, mỗi gia đình, đặc biệt là gia đình có con tự kỷ.
Trường học, trung tâm giáo dục ngừng hoạt động, đồng nghĩa với việc các dịch vụ can thiệp tại trường bị dừng và trẻ em tự kỷ sẽ ở nhà cùng với cha mẹ hoặc người chăm sóc toàn thời gian. Việc thực hiện các mục tiêu can thiệp hay đơn giản là giữ được nhịp độ học tập, giữ được các kỹ năng trẻ đã có là một thách thức không hề nhỏ với các gia đình. Nhiều cha mẹ lo lắng rằng, họ không biết phải làm gì với con trong khi họ vẫn cần phải hoàn thành các công việc của cơ quan; làm thế nào để các hoạt động trong gia đình không trở nên quá tải hoặc căng thẳng với bất cứ ai trong gia đình?
Thấu hiểu với những lo lắng đó, trong bài viết này, tôi sẽ cung cấp một vài ý tưởng cho các hoạt động ở nhà mà các bậc phụ huynh có thể ứng dụng để giúp trẻ vừa học, vừa chơi hiệu quả. Đồng thời làm giảm bớt những áp lực, căng thẳng khi vừa làm việc, vừa chăm sóc một bạn nhỏ mắc chứng Tự kỷ.
1. Lên lịch cho các hoạt động hằng ngày của trẻ tự kỷ trong mùa dịch
Mục tiêu của việc xây dựng một lịch trình sinh hoạt là cấu trúc hóa các hoạt động giúp trẻ giữ được trạng thái cân bằng và vui vẻ suốt cả ngày, làm giảm phát sinh các hành vi không mong đợi như: khóc, ăn vạ khi lịch hoạt động bị thay đổi.
Các bước thực hiện xây dựng lịch trình hoạt động hằng ngày:
- Đầu tiên, bạn hãy ghi ra giấy tất cả những hoạt động mà trẻ cần thực hiện hằng ngày, từ lúc trẻ thức dậy đến khi trẻ đi ngủ.
- Tiếp theo, hãy liệt kê tất cả những hoạt động, đồ dùng, đồ chơi trẻ yêu thích theo các cấp độ: thích, chấp nhận, không thích. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi cũng như các ý tưởng chơi. Bên cạnh đó, thêm phần thưởng vào các hoạt động trẻ không thích sẽ giúp tạo động lực và kích thích trẻ tham gia nhiều hơn.
- - Cuối cùng, hình ảnh hóa các hoạt động và thiết kế nó sao cho con bạn dễ dàng nhìn thấy và thực hiện theo lịch trình một cách độc lập nhất có thể.
Lưu ý
- Sau khi trẻ thực hiện xong 1 hoạt động, hãy đảm bảo đánh dấu hoặc cất hình ảnh của hoạt động đó đi để trẻ hiểu rằng nhiệm vụ đã kết thúc.
- Nếu trẻ chưa bao giờ sử dụng lịch trình sinh hoạt bằng hình ảnh, bạn có thể sẽ mất thêm chút thời gian để hướng dẫn và con cũng cần thời gian để làm quen với lịch trình trước khi có thể độc lập sử dụng nó.
- Một lưu ý nhỏ trong phần này là bạn hãy chắc chắn rằng bạn dành đủ thời gian cho những hoạt động BẮT BUỘC hằng ngày. Đồng thời, bạn có một khoảng thời gian linh động cho các sự việc đột xuất xảy ra hoặc hoạt động do trẻ chọn mà không làm ảnh hưởng lớn đến lịch trình cũng như khiến trẻ cảm thấy bối rối.
2. Một số ý tưởng cho hoạt động chơi
Các hoạt động thủ công và nghệ thuật
Lợi ích: Các hoạt động thủ công và nghệ thuật như: vẽ, chơi với đất nặn, cắt dán sẽ giúp gia tăng khả năng tập trung chú ý, khuyến khích trẻ tham gia và chia sẻ với người cùng chơi của mình. Ngoài ra, với một số trẻ Tự kỷ có nhu cầu về giác quan vùng bàn tay (ví dụ: các đầu ngón tay), các hoạt động chơi với đất nặn, chơi với màu nước sẽ giúp cung cấp các thông tin đầu vào giác quan vô cùng quan trọng với trẻ.
Gợi ý thực hiện
- Chơi với đất nặn: Bạn có thể mua đất nặn ở các cửa hàng đồ chơi hoặc tự làm đất nặn an toàn bằng bột mì và màu thực phẩm. Hãy chuẩn bị thêm một số khuôn hình (ví dụ: hình ngôi sao, hình trái tim, hình ngôi nhà,...) và hướng dẫn con thao tác chơi với đất nặn như: lăn tròn, lăn dài, ấn dẹp, ấn theo khuôn,... Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một ít ống hút đã cắt đoạn dài 1,5 – 2cm và hướng dẫn con cắm vào các mẩu đất nặn để tạo hình như: hình con chó, hình cây, hình nấm,...
- Vẽ hoặc tô màu: Hãy chuẩn bị cho con giấy, bút màu (màu dạ, màu sáp) và hướng dẫn con tô vẽ các hình dạng mà con thích. Hướng dẫn con vẽ in hình bàn tay và trang trí thành các con vật ngộ nghĩnh như: con thỏ, khủng long, con công,... Nếu bạn không có nhiều thời gian, bạn hãy in sẵn các hình vẽ và để con tự tô màu.
- Cắt dán: sau khi trẻ tô màu hoặc vẽ xong, bạn hướng dẫn con sử dụng kéo và cắt dán tạo thành các sản phẩm thú vị như: trang trí hộp bút, trang trí khung ảnh. Bạn cũng có thể hướng dẫn con cắt các hình dạng cơ bản như: tròn, vuông, tam giác, chữ nhật,... và dán hình sáng tạo dựa theo hình dạng có sẵn như: dán hình ngôi nhà từ hình chữ nhật và hình tam giác.
Thực hiện các thí nghiệm khoa học
Lợi ích: việc thực hiện các thí nghiệm khoa học đơn giản có tác dụng thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ duy trì được động lực chơi, đồng thời khuyến khích trí tưởng tượng, tư duy và khả năng học hỏi của trẻ. Các hoạt động thí nghiệm khoa học, đa phần sẽ có nhiều bước thực hiện. Do vậy, bạn nên chuẩn bị sẵn hình ảnh các bước thực hiện thí nghiệm và hướng dẫn trẻ theo từng công đoạn cụ thể. Trẻ sẽ học được cách sử dụng và thực hiện theo lịch trình có sẵn, cũng như góp phần đáng kể giúp trẻ biết cách “kể” về những gì con vừa thực hiện.
Gợi ý thực hiện
Thí nghiệm “Cái chai biết thổi bóng”:
Bạn cần chuẩn bị một chai dấm, một vài quả bóng bay, bột banking soda, một chai sạch (ví dụ: chai nước suối đã dùng hết). Bạn đổ giấm vào chai rỗng; đổ banking soda vào quả bóng. Sau đó cẩn thận cài miệng quả bóng vào miệng chai (chú ý không để bột rơi vào trong chai). Sau khi cố định miệng bóng và miệng chai, bạn hướng dẫn trẻ nâng quả bóng lên sao cho tất cả bột banking soda rơi vào trong chai dấm. Lúc này, phản ứng hóa học sẽ xảy ra và làm quả bóng bị thổi phồng lên. Trong quá trình thực hiện thí nghiệm, bạn nên khuyến khích trẻ tham gia vào hầu hết các bước, từ lúc đổ giấm vào chai cho tới lúc nâng quả bóng để bột banking soda rơi xuống nước dấm. Nếu trẻ chưa có khả năng duy trì được chú ý trong cả hoạt động dài, bạn có thể chỉ cần trẻ tham gia ở công đoạn cuối cùng là nâng bóng để bột banking rơi xuống giấm và quan sát quả bóng được thổi phồng lên.
Thí nghiệm “Sữa đổi màu”:
Với thí nghiệm này, bạn cần chuẩn bị một chút sữa, một chút nước rửa bát, một chút màu thực phẩm và tăm bông. Bạn đổ sữa vào đĩa, nhỏ thêm vài giọt màu thực phẩm (tùy theo sở thích của trẻ). Sau đó bạn nhúng tăm bông vào nước rửa bát. Cuối cùng, bạn đặt đầu tăm bông có nước rửa bát vào đĩa. Phản ứng hóa học xảy ra làm sữa và màu thực phẩm bị tản ra xung quanh tăm bông. Trẻ sẽ vô cùng thích thú khi nhìn thấy nhiều màu sắc trong đĩa.
Sau khi kết thúc các thí nghiệm, hãy hướng dẫn trẻ dọn dẹp cùng bạn và ghi lại kết quả những gì trẻ quan sát được bằng cách viết, vẽ hoặc dán lại các hình ảnh theo đúng thứ tự các bước thực hiện thí nghiệm.
Đọc sách cùng con
Lợi ích: Trẻ sẽ học cách nhận biết, gọi tên các hình ảnh có trong sách vở. Đọc sách đúng cách làm gia tăng khả năng tập trung chú ý, kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề của trẻ. Đồng thời, đọc sách sẽ giúp nâng cao chất lượng trong tương tác của trẻ với cha mẹ và người chăm sóc.
Gợi ý thực hiện
Bạn hãy chuẩn bị một vài cuốn sách và hướng dẫn trẻ lựa chọn cuốn sách mà trẻ thích nhất. Bạn chú ý lựa chọn sách truyện phù hợp với năng lực, nhu cầu, sở thích của trẻ. Ví dụ: sách vải, sách lật mở, sách có trang dày và cứng, sách ít chữ, sách có hình minh họa tươi sáng,... Bạn hãy trở thành người đọc sách “cùng trẻ”, thay vì đọc sách “cho trẻ”. Điều này có nghĩa là trẻ có cơ hội được tham gia đọc và đóng góp ý tưởng của mình vào câu chuyện. Hãy đảm bảo bạn hiểu câu chuyện và cấu trúc của cuốn sách trước khi đưa vào đọc cùng trẻ.
Tham gia làm việc nhà
Lợi ích: Hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động làm việc nhà vừa giúp trẻ phát triển các kỹ năng tự lập vừa giúp trẻ có cơ hội được vận động nhiều hơn. Với một số trẻ em có nhu cầu giác quan, bạn có thể tích hợp một số bài tập vận động trị liệu trong hoạt động này như: tươi cây, lau bàn,...
Gợi ý thực hiện
Tùy vào sức khỏe, độ tuổi và năng lực của trẻ, bạn có thể hướng dẫn trẻ tham gia một số hoạt động như: lau nhà, phơi – gấp quần áo, thu dọn bàn ăn, chăm sóc vườn,...
Hoạt động ngoài trời
Lợi ích: Trẻ sẽ vừa được vận động vừa được học hỏi và thực hành các kỹ năng tự lập, kỹ năng an toàn khi ra ngoài đường như: đi trên vỉa hè, đi bộ bên cạnh người lớn,...
Gợi ý thực hiện
- Đi bộ cùng người thân trong công viên.
- Thực hiện các bài tập vận động liên hoàn ở các ở khu vui chơi.
- Chơi đuổi bắt, đá bóng.
Bạn hãy chú ý tìm kiếm và cho trẻ chơi ở các khu vực an toàn, dễ kiểm soát như: trong khu vui chơi, khuôn viên, sân, công viên nhỏ gần nhà.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.