Ung thư thực quản là một trong những căn bệnh ung thư ác tính, gây nguy hiểm nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh. Hiện nay, hóa trị được sử dụng rất phổ biến để điều trị cho căn bệnh hiểm nghèo này. Nó giúp bệnh nhân có cơ hội thoát khỏi ung thư hoặc giúp giảm nhẹ sự đau đớn, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
1. Ung thư thực quản là gì?
Ung thư thực quản là tình trạng các tế bào gây ung thư phát sinh từ trong thực quản. Thực quản là một cơ quan có cấu trúc dạng ống, kéo dài từ cổ họng cho tới dạ dày. Chức năng chính của nó là vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày.
Đối với ung thư thực quản, các tế bào ác tính thường hình thành và phát triển ở lớp bên trong của thực quản, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các tế bào ung thư có thể xâm lấn sang các lớp khác, thậm chí là các cơ quan khác trong cơ thể. Điều này làm cho việc điều trị ung thư trở nên khó khăn hơn và đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh.
Ung thư thực quản thường có ba loại chính, bao gồm:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy
- Ung thư tế bào tuyến
- Một số loại hiếm gặp khác, ví dụ: u lympho, ung thư tế bào mầm, sarcoma, u ác tính hoặc ung thư tế bào nhỏ
2. Hóa trị ung thư thực quản là gì?
Hiện nay, hóa trị là một trong những lựa chọn điều trị hàng đầu cho các căn bệnh ung thư nói chung và đối với ung thư thực quản nói riêng. Liệu pháp hóa trị cho ung thư thực quản là việc sử dụng các loại thuốc hoặc hóa chất kháng ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn không cho chúng tăng trưởng, phân chia trong cơ thể.
Hóa trị cho ung thư thực quản là liệu pháp hóa trị toàn thân. Các loại thuốc kháng ung thư sẽ được đưa vào cơ thể của bệnh nhân thông qua hai con đường chính, bao gồm đường tiêm tĩnh mạch và đường uống. Các loại thuốc này sẽ xâm nhập vào trong máu và đến hầu hết các khu vực của cơ thể.
Thông thường, liệu trình hóa trị cho ung thư thực quản được thực hiện theo chu kỳ, với mỗi giai đoạn điều trị theo sau là một khoảng thời gian nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian phục hồi. Các chu kỳ hóa trị thường kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần và bệnh nhân ung thư sẽ được điều trị ít nhất là vài chu kỳ.
3. Hóa trị được sử dụng như thế nào cho ung thư thực quản?
Hóa trị có thể được sử dụng tại các thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị ung thư thực quản:
3.1 Hóa trị bổ trợ
Hóa trị bổ trợ là biện pháp thực hiện hóa trị sau phẫu thuật. Mục tiêu chính của hóa trị bổ trợ là nhằm tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong quá trình phẫu thuật vì chúng quá nhỏ để có thể nhìn thấy, đồng thời loại bỏ các tế bào ung thư có thể thoát ra khỏi khối u chính và định cư ở các bộ phận khác của cơ thể.
3.2 Hóa trị tân bổ trợ
Để điều trị cho ung thư thực quản, hóa trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để làm thu nhỏ các khối ung thư và giúp cho việc phẫu thuật dễ dàng hơn.
3.3 Hóa trị cho ung thư thực quản ở giai đoạn tiến triển
Khi ung thư thực quản ở giai đoạn tiến triển, tức là ung thư đã lan sang các cơ quan khác. Lúc này, hóa trị có thể được sử dụng để làm thu nhỏ các khối u và giúp làm giảm các triệu chứng. Mặc dù hóa trị tại thời điểm này không có khả năng chữa khỏi ung thư, nhưng nó giúp cho người bệnh kéo dài được tuổi thọ và cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Các trường hợp có thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư thực quản bằng hóa trị là rất hiếm gặp, vì thế để nâng cao hiệu quả điều trị, các bác sĩ thường sử dụng kết hợp hóa trị với xạ trị. Hình thức này được gọi là điều trị hỗ trợ, gọi tắt là chemoradiation hoặc chemoradiotherapy.
4. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư thực quản
Các loại thuốc kháng ung thư có thể được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với nhau để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh. Dưới đây là một số loại thuốc hóa trị thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp mắc ung thư thực quản, bao gồm:
- Carboplatin và Paclitaxel (Taxol): Có thể kết hợp với bức xạ
- Cisplatin và 5-fluorouracil (5-FU): Thường kết hợp với bức xạ
- ECF: Gồm epirubicin (Ellence), cisplatin và 5-FU: Được sử dụng cho các khối u đường tiêu hóa thực quản
- DCF: gồm docetaxel (Taxotere), cisplatin và 5-FU
- Cisplatin và Capecitabine (Xeloda)
- Oxaliplatin và 5-FU hoặc Capecitabine
- Irinotecan (Camptosar)
- Trifluridine và Tipiracil (Lonsurf)- một loại thuốc kết hợp ở dạng thuốc viên
5. Các tác dụng phụ của hóa trị ung thư thực quản
Hóa trị là liệu pháp điều trị toàn thân, vì vậy nó có thể ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Các loại hóa chất khi đi vào cơ thể sẽ tấn công các tế bào ung thư đang phân chia nhanh chóng. Điều này có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào các loại thuốc cụ thể được sử dụng, liều lượng của chúng và thời gian điều trị. Một số tác dụng phụ thường gặp của hóa trị ung thư thực quản, bao gồm:
- Buồn nôn và ói mửa
- Ăn mất ngon
- Rụng tóc
- Loét miệng
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Tăng khả năng nhiễm trùng (do có quá ít tế bào bạch cầu)
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím (do có quá ít tiểu cầu trong máu)
- Mệt mỏi (do có quá ít tế bào hồng cầu)
Dưới đây là một số tác dụng phụ cụ thể đối với từng loại thuốc hóa trị:
- Hội chứng tay chân: Có thể xảy ra khi điều trị ung thư bằng capecitabine hoặc 5-FU (qua đường tiêm truyền). Hội chứng này thường gây ra các tình trạng như đỏ ở tay hoặc chân, sau đó tiến triển thành đau và dị cảm ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Tệ hơn cả, nó có thể gây ra phồng rộp hoặc bong tróc da, thậm chí là lở loét.
- Bệnh lý thần kinh (tổn thương thần kinh): Đây là một tác dụng phụ phổ biến của oxaliplatin, cisplatin, docetaxel và paclitaxel. Các triệu chứng bao gồm tê, ngứa ran và thậm chí đau ở tay hoặc chân. Oxaliplatin cũng có thể gây nhạy cảm mạnh với đồ lạnh, dễ bị đau cổ họng, khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc uống đồ lạnh.
- Phản ứng dị ứng hoặc nhạy cảm: Một số người có thể có gặp các phản ứng dị ứng trong khi dùng thuốc oxaliplatin. Các triệu chứng này bao gồm phát ban da, tức ngực, khó thở, đau lưng, cảm thấy chóng mặt, lâng lâng hoặc cơ thể yếu đi.
- Bệnh tiêu chảy: Đây là một tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng các loại thuốc hóa trị để điều trị ung thư thực quản, đặc biệt là với irinotecan. Khi bị tiêu chảy, bạn cần phải báo ngay với bác sĩ để được điều trị sớm, giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước nghiêm trọng.
Hầu hết các tác dụng phụ này có xu hướng biến mất sau khi điều trị kết thúc. Một số triệu chứng khác, chẳng hạn như tê tay và chân, có thể tồn tại trong một thời gian dài. Khi xảy ra các tác dụng phụ này, bệnh nhân có thể được sử dụng một số loại thuốc khác giúp ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng buồn nôn và nôn mửa. Trong một số trường hợp nhất định, có thể cần phải giảm liều thuốc hóa học hoặc điều trị có thể cần phải trì hoãn hoặc dừng lại để ngăn các tác dụng phụ trở nên tồi tệ hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.