HIV giai đoạn cửa sổ có thể lây nhiễm cho người khác

Trong bất kỳ giai đoạn nào, HIV cũng có thể gây lây nhiễm nếu bạn không phát hiện sớm và phòng tránh kịp thời. Vậy giai đoạn cửa sổ của HIV lây nhiễm như thế nào và làm gì để phòng tránh lây nhiễm HIV?

1. HIV là gì?

HIV là một lentivirus có khả năng gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). HIV gây ra bởi vi rút suy giảm miễn dịch ở người. Những vi rút này khi vào cơ thể sẽ tấn công hệ thống miễn dịch và phá hủy các tế bào bạch cầu (gọi là lympho). Có 2 loại HIV khác nhau:

  • HIV-1 loại phổ biến nhất được tìm thấy trên toàn thế giới;
  • HIV-2 được tìm thấy chủ yếu ở Tây Phi.

Những người bị nhiễm HIV được gọi là dương tính với HIV (HIV +). Tuy nhiên, bạn vẫn có khả năng nhận được kết quả âm tính nếu bạn làm xét nghiệm máu quá sớm, mặc dù bạn đã thực sự bị nhiễm HIV.

Sau một khoảng thời gian dài nhiễm HIV, bệnh sẽ phát triển thành giai đoạn AIDS - giai đoạn cuối của bệnh.

2. Các giai đoạn của HIV

HIV thường trải qua 4 thời kỳ bệnh với những biểu hiện khác nhau. Bao gồm:

Đây là giai đoạn đầu tiên của HIV, và những dấu hiệu của nó thường rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh truyền nhiễm khác. Có nhiều người không thất bất cứ triệu chứng nào, cũng có một số trường hợp trong 1-2 tháng đầu gặp các biểu hiện tương tự như bệnh cúm, bao gồm sốt cao trên 38 độ, viêm họng, mệt mỏi, nổi hạch, mệt mỏi, sụt cân, đổ nhiều mồ hôi.

Các triệu chứng sớm của HIV này xuất hiện là do hệ thống miễn dịch đang phản ứng lại với sự xâm nhập của các vi rút HIV. Giai đoạn này thường kéo dài đến 10 năm, thậm chí hơn, tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người. Phải mất khoảng 2-3 tháng sau khi nhiễm bệnh mới có thể cho ra kết quả xét nghiệm dương tính HIV chính xác.

  • Giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng

Trong giai đoạn này, bệnh không biểu hiện ra bên ngoài bất cứ triệu chứng nào. Điều này làm cho người bệnh cũng như những người xung quanh khó có thể nhận ra nếu chỉ qua quan sát bình thường. Trong giai đoạn này, người bệnh hoàn toàn cảm thấy khỏe mạnh và lượng bạch cầu trong máu cũng chưa giảm đi nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là lúc các vi rút HIV phát triển mạnh mẽ và dần chuyển sang giai đoạn mãn tính.

  • Giai đoạn cận AIDS

Cơ thể chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt trong thời gian này, tuy nhiên đã bắt đầu suy yếu dần. Người nhiễm HIV cũng sẽ nhạy cảm hơn với các bệnh như viêm xoang, viêm hầu họng, viêm amidan, viêm miệng tái diễn, mẩn ngứa, phát ban, nấm móng,... Ngoài ra có thể có một số biểu hiện khác như sụt cân, đổ mồ hôi đêm, tiêu chảy và sốt kéo dài.

  • Giai đoạn AIDS

Đây là giai đoạn cuối của bệnh. Lúc này, sức đề kháng và miễn dịch của người bệnh bị phá hủy và suy yếu nghiêm trọng, không còn khả năng chống lại các mầm bệnh, rất dễ dẫn đến tử vong. Một số căn bệnh thông thường mà người bệnh dễ mắc phải bao gồm lở loét da, tiêu chảy, ho... Đặc biệt các bệnh nhiễm trùng cơ hội là nguyên nhân chính gây ra tử vong cho người bệnh. Giai đoạn này kéo dài không quá 2 năm.


Giai đoạn AIDS
Giai đoạn AIDS

3. HIV giai đoạn cửa sổ có lây không?

Trong thời kỳ cửa sổ có bao gồm một giai đoạn khác được gọi là “chuyển đổi huyết thanh”. Sau khi một người nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch của họ bắt đầu phát triển kháng thể HIV. Chuyển đổi huyết thanh là khoảng thời gian mà các kháng thể này lần đầu tiên được phát hiện.

Khoảng thời gian giữa lần nhiễm HIV đầu tiên và phát hiện sự phát triển các kháng thể có thể khác nhau vì hệ thống miễn dịch của mọi người là khác nhau. Nó cũng có thể phụ thuộc vào loại xét nghiệm HIV được thực hiện. Người bệnh thường phát hiện sự phát triển của các kháng thể trong vòng 3-12 tuần sau khi nhiễm HIV.

Hầu hết các xét nghiệm HIV được thực hiện để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể HIV. Vì vậy, nếu bạn bị nhiễm virus phải làm xét nghiệm trước khi giai đoạn chuyển đổi huyết thanh bắt đầu.

HIV trong giai đoạn cửa sổ hoàn toàn có thể lây nhiễm cho người khác. Bởi vì trong thời gian giữa việc nhiễm vi rút và chuyển đổi huyết thanh, hầu hết mọi người không biết rằng họ bị nhiễm HIV. Mặc dù có thể không phát hiện bất cứ triệu chứng nào, nhưng lượng vi rút trong lúc này đang phát triển ngày một mạnh và nhân lên với số lượng lớn, dần dần phá hủy hệ thống miễn dịch tự nhiên của người bệnh. Khi thực hiện xét nghiệm trong giai đoạn này khó có thể phát hiện được vi rút trong cơ thể, kết quả thường sẽ là âm tính giả.

Nếu bạn thấy mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và nghĩ rằng mình đang trong giai đoạn “cửa sổ”, bạn nên làm xét nghiệm lại để khẳng định chắc chắn tình trạng nhiễm HIV của mình. Điều này không chỉ giúp phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân mà còn giúp phòng tránh sự lây truyền bệnh sang cho người khác.

4. HIV lây nhiễm như thế nào?

Hầu hết, HIV thường lây nhiễm qua 3 con đường chính:

  • Qua đường máu:

HIV chủ yếu lây qua đường máu. Khi nhận máu trực tiếp từ người hiến máu bị bệnh sẽ có xác suất lây nhiễm rất cao.

Khi tiêm chích ma túy và sử dụng chung kim tiêm với người khác cũng dễ bị mắc bệnh.

  • Qua đường tình dục:

Các hoạt động tình dục qua đường hậu môn, âm đạo đều có nguy cơ cao truyền vi rút HIV, đặc biệt là khi không sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như bao cao su.

Các trường hợp khác cũng có thể gây lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục bao gồm:

  1. Quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau;
  2. Quan hệ tình dục không lành mạnh với người bị nhiễm HIV;
  3. Quan hệ tình dục với người quan hệ tình dục với nhiều người khác.
  • Truyền từ mẹ sang con:

Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus HIV có thể lây truyền bệnh sang cho con. Kể cả khi người mẹ bị nhiễm HIV trong lúc chuyển dạ, sinh con hay cho con bú thì đứa trẻ cũng rất dễ bị lây nhiễm. HIV có thể lây truyền qua đường sữa mẹ, vì vậy để tránh cho con không bị mắc bệnh, người mẹ đã bị nhiễm HIV không nên cho con bú trực tiếp bằng sữa.

5. HIV không lây nhiễm qua những hoạt động nào?

Bạn không thể bị nhiễm HIV qua những hoạt động sau:

  • Ăn chung với người bị HIV;
  • Bắt tay, ôm, hôn;
  • Hắt hơi và ho;
  • Muỗi đốt hoặc bị côn trùng cắn.

Ăn chung với người bị HIV
Ăn chung với người bị HIV

6. Các biện pháp phòng tránh nhiễm HIV

Nếu người thân và bạn bè được chẩn đoán bị nhiễm HIV, bạn nên tìm hiểu các biện pháp phòng tránh để ngăn ngừa lây nhiễm HIV cũng như bảo vệ bản thân và những người xung quanh bạn. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả giúp phòng tránh nhiễm HIV:

  • Tìm hiểu kỹ về các con đường lây truyền HIV;
  • Tránh uống rượu và dùng ma túy;
  • Quan hệ tình dục an toàn;
  • Không bao giờ dùng chung bơm kim tiêm;
  • Tránh chạm vào máu và các chất dịch của người mà bạn không biết rõ tình trạng sức khỏe;
  • Xét nghiệm HIV thường xuyên hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Tổ chức Y tế Thế giới WHO

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe