Xét nghiệm HIV giai đoạn cửa sổ là một bước vô cùng quan trọng trong việc nhận biết và điều trị HIV. Nó được coi như một phần trong chăm sóc sức khỏe định kỳ. Vậy xét nghiệm HIV giai đoạn cửa sổ là gì và có ý nghĩa như thế nào?
1. Xét nghiệm HIV giai đoạn cửa sổ là gì?
Xét nghiệm HIV là các xét nghiệm máu hoặc dịch trong cơ thể để xác định bạn có bị nhiễm HIV hay không. Hầu hết, cơ thể cần có một khoảng thời gian để tạo ra đủ lượng kháng thể hoặc vi rút để phát triển, vì vậy trong giai đoạn “cửa sổ” khó có thể phát hiện nhiễm HIV ngay được. Bạn có thể mất khoảng từ 3-6 tháng để xác nhận được kết quả dương tính với HIV. Nếu xét nghiệm sớm, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được kết quả âm tính giả mặc dù đã thật sự bị nhiễm bệnh.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người trong độ tuổi từ 13-64 nên thực hiện xét nghiệm HIV ít nhất một lần và coi như đó là một phần của chăm sóc sức khỏe định kỳ. Nếu chẳng may bạn bị nhiễm HIV, xét nghiệm và phát hiện sớm sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần cho việc điều trị tốt hơn và đề phòng lây truyền bệnh cho người khác.
2. Dấu hiệu cảnh báo nhiễm HIV
Các triệu chứng của HIV xuất hiện vào các thời điểm khác nhau ở mỗi người. Một số người có thể không thấy bất cứ biểu hiện nào ảnh hưởng tới sức khỏe, một số dù đang mang trong mình căn bệnh HIV nhưng vẫn sống khỏe mạnh trong nhiều năm.
Ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào, họ vẫn có thể truyền bệnh sang cho người khác. Nếu chỉ qua quan sát bình thường, chúng ta khó có thể xác định ai đó bị nhiễm HIV bởi các triệu chứng của HIV tương tự như bệnh cảm cúm hoặc bạch cầu đơn nhân. Một khi hệ miễn dịch bị tấn công mãnh liệt bởi vi rút, người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:
- Cơ thể quá mệt mỏi, kiệt sức.
- Sụt cân không kiểm soát.
- Sốt kéo dài nhiều tuần và không rõ nguyên nhân.
- Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
- Sưng hạch bạch huyết.
- Táo bón kinh niên.
- Lở loét miệng/thực quản.
- Nhiễm trùng, phát ban.
- Ho kéo dài.
- Lú lẫn.
3. Vì sao nên thực hiện xét nghiệm HIV?
Có thể nói, xét nghiệm HIV là cách duy nhất giúp xác định chắc chắn rằng bạn đã bị nhiễm HIV hay chưa. Những người trong nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm HIV nên đi kiểm tra, xét nghiệm HIV thường xuyên hơn.
Nếu bạn đã làm xét nghiệm và nhận được kết quả âm tính với HIV từ hơn một năm trước, nhưng vẫn liên quan đến những hoạt động dưới đây thì bạn nên đến cơ sở y tế xét nghiệm càng sớm càng tốt vì nguy cơ nhiễm vi rút HIV của bạn vẫn rất cao:
- Quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su.
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn với người bị nhiễm HIV.
- Quan hệ tình dục không lành mạnh với nhiều người khác nhau kể từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng.
- Tiêm chích ma túy, dùng chung bơm kim tiêm và các đồ dùng cá nhân với người khác.
- Đã được chẩn đoán hoặc đang được điều trị cho một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Được chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan hoặc bệnh lao.
Bạn nên làm xét nghiệm HIV ít nhất mỗi năm một lần nếu như vẫn thực hiện một trong số những hoạt động trên. Trong trường hợp đang mang thai, bạn nên báo với bác sĩ khi làm xét nghiệm để nhận được sự tư vấn cũng như đưa ra các biện pháp giúp bạn và con không bị nhiễm HIV.
4. Các loại xét nghiệm HIV
Xét nghiệm HIV gồm 3 loại xét nghiệm chính, bao gồm:
- Xét nghiệm axit nucleic (NAT).
- Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể.
- Xét nghiệm kháng nguyên.
Xét nghiệm HIV thường được thực hiện trên mẫu máu hoặc dịch miệng, đôi khi là mẫu nước tiểu.
- Xét nghiệm axit nucleic (NAT):
Xét nghiệm NAT giúp xác định virus HIV có thực sự ở trong máu hay không. Xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính/âm tính hoặc một lượng virus có trong máu (được gọi là xét nghiệm tải lượng virus HIV). Nhìn chung, loại xét nghiệm này khá tốn kém, và nó không được sử dụng thường xuyên cho việc sàng lọc với mục đích cá nhân, trừ trường hợp bạn có nguy cơ cao phơi nhiễm HIV hoặc xuất hiện sớm các triệu chứng HIV.
Xét nghiệm NAT thường đem lại kết quả khá chính xác trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Tuy nhiên, để giúp bác sĩ hiểu rõ kết quả âm tính khi xét nghiệm, bạn nên làm thêm xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể. Thêm vào đó, độ chính xác của xét nghiệm này có thể giảm đi nếu bạn dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP).
- Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể:
Xét nghiệm này cho phép tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV. Các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus như HIV. Kháng nguyên là những chất lạ, chúng xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên của bạn. Nếu bạn bị nhiễm HIV, một kháng nguyên có tên P24 được tạo ra ngay cả trước khi kháng thể phát triển.
- Xét nghiệm kháng thể:
Xét nghiệm kháng thể là loại xét nghiệm HIV nhanh và có thể thực hiện tại nhà. Xét nghiệm giúp tìm kiếm các kháng thể HIV trong máu hoặc dịch tiết cơ thể.
Để phát hiện HIV sớm hơn, bạn có thể làm xét nghiệm kháng thể thông qua sử dụng máu từ tĩnh mạch thay vì thực hiện các xét nghiệm với mẫu máu hoặc dịch tiết cơ thể.
- Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hầu như là xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiến hành xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong phòng thí nghiệm tại cơ sở y tế. Khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch, sau đó cho vào ống đựng mẫu rồi gửi tới phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn sẽ mất khoảng vài ngày để nhận được kết quả xét nghiệm;
- Với xét nghiệm sàng lọc kháng thể nhanh chóng, kết quả thường có sớm hơn (trong khoảng 30 phút, thậm chí ít hơn). Xét nghiệm được thực hiện trong môi trường lâm sàng thông thường, lấy mẫu máu từ ngón tay hoặc dịch miệng;
- Tự kiểm tra kháng thể trong dịch miệng cũng là một cách xét nghiệm HIV cho kết quả nhanh chóng. Bạn chỉ cần tự lấy mẫu dịch tiết cơ thể và kiểm tra bằng bộ dụng cụ y khoa. Sau khoảng 20 phút, bạn sẽ nhận được kết quả. Ưu điểm của xét nghiệm này là có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc tại các chương trình sàng lọc HIV trong cộng đồng hay tại các phòng khám.
Nếu bạn thực hiện bất kỳ loại xét nghiệm kháng thể nào và nhận được kết quả là dương tính, bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm theo dõi để xác nhận kết quả. Để biết loại xét nghiệm nào là phù hợp với mình, bạn nên tìm gặp bác sĩ để nhờ tư vấn và giải đáp các thắc mắc.
Sau khi có được kết quả cuối cùng, nếu bạn đã nhiễm HIV, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị. Trong trường hợp xét nghiệm cho kết quả âm tính, bạn vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa HIV, ví dụ như sử dụng bao cao su đúng cách, quan hệ tình dục lành mạnh và uống thuốc để ngăn ngừa HIV nếu bạn có nguy cơ cao.
5. Phụ nữ mang thai có cần làm xét nghiệm HIV không?
Tất cả những phụ nữ đang mang thai nên thực hiện xét nghiệm HIV để bắt đầu điều trị sớm nhất có thể trong trường hợp mắc bệnh, giúp giảm tỷ lệ thai nhi bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.
Trong thời gian mang thai, nên bắt đầu thực hiện phương pháp điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa tối đa sự lây truyền HIV cho trẻ. Đặc biệt, ngay cả khi chuyển dạ hoặc sau khi sinh em bé cũng nên bắt đầu điều trị dự phòng để mang lại kết quả tích cực.
6. Bao lâu có kết quả xét nghiệm HIV?
Tùy thuộc vào từng phương pháp xét nghiệm để xác định thời gian nhận kết quả. Đối với những loại xét nghiệm thực hiện trong phòng thí nghiệm sẽ mất nhiều thời gian hơn, khoảng 2 tuần để bạn nhận được kết quả. Đối với loại xét nghiệm được thực hiện tại nhà sẽ chỉ mất khoảng 20 phút để có kết quả, tuy nhiên độ đặc hiệu của nó không cao bằng những phương pháp trong phòng thí nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Web MD