Hiểu về tâm lý bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Bệnh nhân ung thư thường trải qua 5 giai đoạn: Phủ nhận, phẫn nộ, thương lượng, trầm cảm, chấp nhận. Hầu hết các bệnh nhân ý thức được tiến trình bất khả kháng của ung thư khi ở giai đoạn cuối. Một số người sợ hãi có thể phải gửi đi khám tâm lý và điều trị tâm lý đúng lúc.

1. Tâm lý bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như thế nào?

Ung thư là bệnh trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Tại mỗi giai đoạn, cách điều trị và tiên lượng sẽ khác nhau. Theo đó, tâm lý của bệnh nhân sẽ từng bước thay đổi theo giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu khám và phát hiện bệnh muộn, ung thư đã đi vào giai đoạn cuối, không còn khả năng điều trị đặc hiệu và tiên lượng nặng nề. Trong những tình huống này, sự chuyển biến tâm lí vẫn đi theo từng bước theo “quy trình” nhưng sẽ rút gọn hơn và sự chấp nhận không mấy nhẹ nhàng.

Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, khoảng thời gian từ lúc bác sĩ đặt bút kết luận “ung thư giai đoạn cuối” hay vẫn thường được gọi “bệnh viện trả về” là khởi đầu chuỗi ngày vô cùng ngột ngạt, bi quan cho chính bản thân người bệnh cũng như cả gia đình. Nói một cách khác, lúc này, cú sốc tinh thần sẽ làm cả thể trạng và tâm lý suy sụp hoàn toàn.

2. Biểu hiện tâm lý của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối ra sao?

Dường như sẽ không còn không gian nào cho khái niệm “niềm vui”, “nguồn sống”, “lạc quan” hay “yêu đời” trong suy nghĩ của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Giờ đây, sau những tháng ngày tràn đầy hy vọng “sẽ khỏi bệnh”, “bệnh sẽ thuyên giảm”, họ nhận ra mình rơi vào hố đen của bế tắc, chấp nhận sự ra đi và hy vọng vào một cuộc sống tương lai ở thế giới khác. Có những người trải qua những ngày này một cách cam chịu, nhẫn nhịn và thậm chí buông bỏ mọi thứ. Tuy nhiên, một số khác lại tức giận, đau khổ, kêu gào, than vãn và thậm chí gây ra đau đớn để “trả thù” chính bản thân mình.

Song, biểu hiện trước khi chết của những người bị ung thư khi cuối cùng cũng đã đến giây phút cận kề sinh tử, nhìn chung là trong sự đau đớn cả cơ thể, về thể xác lẫn tinh thần, do ung thư hành hạ. Hơn thế nữa, ở một số người sẽ là tiếc nuối, day dứt và khoắc khoải khi những việc còn dang dở, những mối quan hệ chưa giải quyết hay những người thân chưa kịp gặp mặt...


Biểu hiện tâm lý của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối ra sao?
Biểu hiện tâm lý của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối ra sao?

3.Cách chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Vì những điều trình bày như trên, chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân ung thư trong giai đoạn cuối là vô cùng cần thiết; nếu thực hiện tốt, đôi khi có thể ví như một “liều thuốc tiên” và kéo dài được sự sống cho dù “bác sĩ đã lắc đầu”.

Các biện pháp chăm sóc cho bệnh nhân có thể được thực hiện bởi chính người thân trong gia đình, các tổ chức xã hội, các chuyên viên tâm lý hay những bậc đại diện của tôn giáo. Các biện pháp đó có thể liệt kê như sau:

Quan tâm

Một trong những nỗi sợ hãi của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là bị bỏ rơi. Họ biết cơ thể mình đã trở nên vô dụng, xấu xí hoặc đã sắp chết nên không còn giá trị gì trong gia đình, cộng động. Chính vì vậy, nếu họ vẫn thấy mình được quan tâm, nỗi sợ hãi có thể được vơi đi phần nào.

Sự quan tâm đến đầu tiên là từ chính người thân trong gia đình, đến từ chén cơm và giấc ngủ. Con cháu nên thường xuyên thăm hỏi ông bà, cha mẹ, như “thấy trong người như thế nào”, “có cần điều gì hay không”... Lúc này, những nguyện vọng cuối đời có cơ hội được bày tỏ, người bệnh cũng sẽ thấy an ủi phần nào.

Tự do

Vì thời gian không còn nhiều, hãy tạo điều kiện cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối được làm tất cả những gì họ mong muốn, yêu thích. Mọi kiêng cữ, cấm đoán giờ đây không còn ý nghĩa gì.

Nếu còn tỉnh táo, còn khả năng đi lại hay vận động, người bệnh nên được khuyến khích tự sinh hoạt cá nhân cho mình, kể cả làm công việc như thường ngày. Họ nên ra ngoài giao lưu với cộng đồng như một người bình thường. Khi thể trạng yếu hơn, mọi hoạt động đều cần người giúp đỡ, hãy thực hiện như điều họ muốn, kể cả sở thích ăn uống, nghỉ dưỡng như thế nào. Điều này sẽ giúp nỗi đau do ung thư vơi đi đôi phần và tâm lý sẽ thoải mái hơn.

Giải quyết - Bàn giao

Mỗi cá nhân trong xã hội là một mắt xích cùng lúc của vô số các mạng lưới khác nhau. Khi khái niệm ung thư đột ngột ập tới, tất cả mọi việc đều phải gác lại để tập trung điều trị cho ung thư.

Đến khi vào giai đoạn cuối, mọi điều trị đặc hiệu không còn chỉ định nữa, người bệnh nên được khuyên nhủ để hiểu rằng, đây là khoảng thời gian thích hợp còn lại để có thể tự mình giải quyết các công việc của mình. Nếu không giải quyết trọn vẹn được, nên lên kế hoạch hay tìm kiếm người bàn giao. Hoàn thành những điều này sẽ giúp giây phút chia lìa bớt dằn vặt và sẽ nhẹ nhàng hơn.

Tôn giáo

Tôn giáo luôn là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nói riêng, những người gặp vấn đề bế tắc trong xã hội nói chung. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, tiên lượng bệnh tật theo nhiều tiêu chí ở người bệnh có đức tin tôn giáo khá hơn ở người không theo một tôn giáo nào.

Chính vì vậy, những lần đi lễ trong chùa hay nhà thờ, những lúc nghe giảng về đạo lý sẽ giúp cho người bệnh nhận thấy cuộc sống trở nên vô thường, cái chết là sự giải thoát để con người được đến gần với đức tin hơn và nên nhẹ nhàng chấp nhận.

Bình thản

Sau tất cả những việc này, không còn gì tốt hơn là một tâm thế bình thản và sẵn sàng. Một số người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi được nói ra những yêu cầu và nguyện vọng hay việc cần làm sau khi mất. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, khi cảm thấy không còn gì phải chờ đợi và tiếc nuối, người bệnh ung thư sẽ toàn tâm cảm nhận sự quan tâm, tình yêu thương của con cháu và người thân trong gia đình trong những ngày cuối cùng một cách mãn nguyện và an nhiên nhất.

4. Chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại Vinmec


Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Vinmec Times City được xây dựng với chức năng khám, tư vấn, điều trị ngoại trú các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần, nhất là các đối tượng ung thư giai đoạn cuối
Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Vinmec Times City được xây dựng với chức năng khám, tư vấn, điều trị ngoại trú các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần, nhất là các đối tượng ung thư giai đoạn cuối

Hệ thống Bệnh viện đa khoa Vinmec được thành lập với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện của con người. Trong đó, sức khỏe tâm lý luôn là mảng lớn. Chính vì vậy, Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Vinmec Times City được xây dựng với chức năng khám, tư vấn, điều trị ngoại trú các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần, nhất là các đối tượng ung thư giai đoạn cuối.

Với những trang thiết bị hiện đại, được đầu tư bài bản, cùng với đội ngũ bác sĩ là những giảng viên Bộ môn Tâm thần của Đại học Y Hà Nội giàu kinh nghiệm, thâm niên nhiều năm trong nghề và các bác sĩ Nội trú có chuyên môn vững vàng, phòng khám Tâm lý - Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City có khả năng triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh đa khoa nói chung, ung thư nói riêng.

Vị trí tại Vinmec Times City:

Phòng 4063, tầng 4 - khoa Nội tổng hợp.

Lịch làm việc phòng khám: Từ 8h00 - 12h00, chiều 13h00 - 17h00.

Khách hàng có thể trực tiếp đến Vinmec Times City để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0243 9743 556 để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe