Chuột rút khi bơi là một tình trạng rất nguy hiểm làm suy giảm khả năng bơi, thậm chí là đuối nước trong những trường hợp nghiêm trọng. Đặc biệt, người bơi lội thành thạo cũng có thể bị ảnh hưởng. Do đó, mọi người cần tìm hiểu về các biện pháp phòng ngừa cũng như cách xử lý khi gặp vấn đề này để tránh rủi ro không mong muốn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Chuột rút là gì?
Chuột rút là hiện tượng co cơ đột ngột và ngoài ý muốn gây đau dữ dội ở bắp thịt. Người bị chuột rút sẽ gặp khó khăn trong việc cử động.
Tình trạng này thường xảy ra ở đầu gối và cổ chân nhưng cũng có khả năng xuất hiện tại các vị trí khác như bắp thịt đùi, hông, bàn tay, bàn chân và cơ bụng…Tất cả các lứa tuổi đều có thể gặp phải hiện tượng chuột rút. Tuy nhiên, những người lớn tuổi và những người thường xuyên chơi thể thao là đối tượng thường gặp nhất.
2. Tại sao khi bơi dễ bị chuột rút?
Chuột rút khi bơi xảy ra vì một số lý do chính sau đây:
- Không khởi động kỹ trước khi bơi.
- Khi bơi dùng sức quá mạnh.
- Cơ thể thiếu hụt canxi.
Trường hợp bơi lội trong nước, nhất là khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể sẽ nhanh chóng mất nhiệt do nước lạnh. Để duy trì nhiệt độ và tạo ra nhiệt bên trong, cơ thể phản ứng bằng cách run rẩy.
Cơ chế điều hòa nhiệt độ được kích hoạt từ vùng dưới đồi của não khiến các mạch máu tới các chi co lại nhằm bảo toàn nhiệt từ các cơ quan chính, làm cho các chi bị thiếu oxy. Vì vậy, trong điều kiện nhiệt độ thấp và nước lạnh sẽ rất dễ bị chuột rút khi bơi.
Thêm vào đó, mọi người sẽ dễ bị chuột rút khi tập luyện thể dục thể thao cường độ cao do đổ quá nhiều mồ hôi (mất nước).
Động tác duỗi mũi chân khi bơi khiến tất cả các cơ quan của chân từ bắp đến ngón chân tạo thành một đường căng cứng. Việc duy trì tư thế bàn chân như vậy trong quá trình bơi chính là lý do mọi người dễ gặp tình trạng chuột rút khi bơi.
Khi bơi, chuột rút là một vấn đề nguy hiểm vì cơn đau do chuột rút có thể làm giảm khả năng bơi, thậm chí dẫn đến nguy cơ chết đuối.

3. Những đối tượng dễ bị chuột rút khi bơi
Các đối tượng dễ bị chuột rút khi bơi bao gồm:
3.1 Những người mới học bơi
Khi chưa thành thạo kỹ thuật bơi, mọi người sẽ khó giữ được thăng bằng trên mặt nước vì độ nổi kém, điều này buộc mọi người phải đạp chân mạnh và gập gối nhiều. Việc này không chỉ tốn nhiều sức mà còn gây áp lực lên cơ chân, làm mọi người dễ bị chuột rút khi bơi. Đặc biệt, nếu bơi trong nước lạnh, tình trạng chuột rút sẽ càng dễ xảy ra hơn.
3.2 Những người không thường xuyên bơi
Khi lâu lâu mới bơi một lần, cơ thể buộc phải hoạt động nhiều để nổi. Đặc biệt, những người tập thể hình rất dễ bị chuột rút do khối cơ nặng làm cho cơ thể dễ chìm hơn. Kết quả là, việc vận động nhiều để nổi khiến cơ thể nhanh chóng cảm thấy mệt và dễ bị chuột rút.
3.3 Những người lớn tuổi
Người lớn tuổi thường không hoạt động nhiều, đây là lý do chính dẫn đến tình trạng chuột rút. Khi thực hiện các hoạt động thể chất đột ngột.
Ở người cao tuổi, khả năng co rút của các cơ không nhanh và hiệu quả, đặc biệt khi thực hiện các hoạt động thể chất đột ngột. Khi có những thay đổi đột ngột trong luyện tập hoặc nhiệt độ, các cơ không thể đáp ứng kịp thời gây ra tình trạng chuột rút ở bàn chân.
Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường và tim mạch cũng thường mắc bệnh động mạch ngoại biên, làm giảm lưu lượng máu đến chân và gây ra tình trạng chuột rút khi bơi.
3.4 Người tập luyện với cường độ cao
Mọi người sẽ dễ bị chuột rút khi bơi vì cơ thể chưa thích nghi với lượng vận động lớn và axit lactic tích tụ khi gắng sức bơi với cường độ cao.
Ngoài ra, chuột rút còn xảy ra ở những người không nhận thức đúng về khả năng bơi lội của bản thân. Những người này thường cố gắng dùng quá nhiều sức dẫn đến sự suy yếu của các cơ, khả năng chịu đựng kém và không thể thích ứng kịp thời với sự gia tăng đột ngột để khắc phục lực cản của nước. Kết quả là tình trạng thiếu oxy xảy ra làm cho người bơi dễ gặp phải chuột rút.
4. Cách phòng ngừa chuột rút khi bơi
- Việc khởi động thật kỹ trước khi bơi là điều cần thiết, đặc biệt là khi thời tiết và nước lạnh. Nếu thời tiết nóng, mọi người nhớ uống đủ nước, đồng thời nên khởi động cơ bắp cùng các khớp ở những cường độ khác nhau. Trong đó, mọi người nên chạy cự ly ngắn, thay đổi giữa nhanh và chậm và trở về trạng thái cân bằng. Sau đó, mọi người hãy tiếp tục khởi động cho các khớp như đốt sống cổ, hông, gối, cổ chân và ngón chân... theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
- Nếu khả năng bơi của mọi người còn hạn chế thì không nên bơi ở khu vực nước sâu. Ngoài ra, mọi người cũng không nên sử dụng chân vịt để tăng tốc vì chân vịt buộc phải nâng cao mũi chân làm tăng nguy cơ chuột rút khi bơi.
- Sau khi cơ thể đã thích nghi với môi trường nước, việc bơi lội cần được thực hiện nhẹ nhàng, chính xác và thoải mái. Mọi người không nên bơi quá xa và cần tránh các khu vực có dòng nước chảy xiết hoặc nước xoáy. Khi cảm thấy mệt mỏi và các động tác bơi không còn nhịp nhàng, mọi người hãy giảm tốc độ và từ từ bơi vào bờ, đồng thời không nên cố gắng bơi tiếp vì điều đó có thể khiến mọi người dễ bị chuột rút hoặc rét lạnh thứ phát.
- Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch nên tránh tập bơi.
- Các vận động viên bơi lội, đặc biệt là những người tập luyện với cường độ cao cần phải thực hiện kéo giãn cơ trước và sau buổi tập, đồng thời nên luôn có sẵn bình nước bên cạnh để bổ sung nước khi cần thiết.
- Trước khi bơi, những người lớn tuổi cần phải thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát.
- Mọi người cần nghỉ ngơi từ 10-15 phút sau khi bơi, rồi tắm lại bằng nước ấm và tiếp tục kéo giãn cơ để giúp cơ bắp không bị căng cứng.

5. Hướng dẫn xử lý khi bị chuột rút khi bơi
Các phương pháp nêu trên sẽ giúp mọi người phòng ngừa cơn chuột rút khi bơi nhưng không đảm bảo rằng tình trạng này sẽ không xảy ra. Nếu không giữ được bình tĩnh và xử lý tình huống đúng đắn, chuột rút sẽ gây ra tai nạn trong bơi lội, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, nếu đang bơi trong bể và gặp phải cơn chuột rút, mọi người hãy kêu cứu để nhận sự trợ giúp từ những người xung quanh. Nếu không có ai gần đó thì hãy cố gắng sử dụng chân và tay còn lại để bơi về phía thành hồ, bám chắc vào thành hoặc phao để lên bờ. Sau đó, xoa bóp vùng cơ bị co rút sẽ giúp làm giảm cơn đau. Nếu có bồn nước nóng, mọi người hãy ngâm chân và cơ thể vào đó để nhiệt độ giúp thư giãn cơ bắp.

Chuột rút khi bơi là vấn đề thường gặp, không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng. Do đó, mọi người cần trang bị cho bản thân các kỹ năng bơi lội cùng với kiến thức cần thiết để xử lý những tình huống có thể phát sinh khi bơi nhằm tránh những rủi ro không đáng có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.