Hẹp thực quản là tình trạng một phần thực quản bị tổn thương khiến lòng thực quản bị siết hẹp dẫn tới sự cản trở đường lưu thông của thức ăn xuống dạ dày. Tình trạng hẹp tắc thực quản khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi ăn uống, sinh hoạt, thường dễ mắc nghẹn, khó nuốt và cảm giác đau tức ngực.
1. Tổng quan về hẹp thực quản
Có nhiều nguyên nhân gây tắc thực quản, bao gồm bẩm sinh, hẹp lành tính hoặc ác tính tại thực quản, biến chứng của tình trạng trào ngược dạ dày, chấn thương thực quản, tác dụng phụ của việc trị xạ vào vùng cổ, ngực, điều trị giãn tĩnh mạch thực quản.
Khi thăm khám kỹ, các bác sĩ sẽ thấy đường kính thực quản hẹp hơn bình thường. Người bệnh sẽ thấy những dấu hiệu như: khó nuốt thức ăn đặc, rắn; khi ăn bị vướng, cảm giác thức ăn bị kẹt trong cổ họng hoặc ngực, ợ nóng, khó thở, hay thở dốc, đau nhức vùng thượng vị. Các triệu chứng tăng dần khi vòng càng phát triển to dẫn đến thực quản càng ngày càng hẹp. Tình trạng tắc nghẽn thức ăn có thể gây ra đau đớn nghiêm trọng và cần được thông bằng ống nội soi.
Ưu điểm điều trị hẹp tắc thực quản dưới X quang tăng sáng:
- Không cần gây mê toàn thân;
- Các dụng cụ sử dụng có kích thước rất nhỏ nên có dễ dàng đi qua chỗ hẹp, xâm nhập tối thiểu;
- Khả năng thành công cao, ít biến chứng;
- Áp dụng được cho một số trường hợp không còn chỉ định phẫu thuật hoặc đã phẫu thuật.
Trường hợp chỉ định:
- Hẹp miệng nối thực quản hậu phẫu thuật;
- Tắc thực quản do khối u từ thực quản hoặc trung thất nhưng không còn khả năng phẫu thuật;
- Can thiệp tiền phẫu (bệnh nhân chờ phẫu thuật hoặc chưa đủ điều kiện phẫu thuật).
Trường hợp chống chỉ định
- Nhiễm trùng toàn thân;
- Thủng thực quản, tổn thương thực quản do bất cứ nguyên nhân gì;
- Giãn tĩnh mạch thực quản nặng, có nguy cơ chảy máu cao.
2. Điều trị hẹp tắc thực quản dưới X quang tăng sáng
2.1 Chuẩn bị
Để thực hiện thủ thuật điều trị hẹp tắc thực quản dưới X quang tăng sáng cần chuẩn bị:
Ekip thực hiện:
- Bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ phụ trợ;
- Kỹ thuật viên điện quang;
- Bác sĩ/kỹ thuật viên gây mê (trường hợp người bệnh khó hợp tác);
- Điều dưỡng.
Phương tiện sử dụng:
- Máy X quang tăng sáng truyền hình (Fluoroscopy);
- Phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ lại hình ảnh;
- Bộ áo chì, tạp dề giúp che chắn khỏi tia X.
Vật tư y tế thông thường: Bơm tiêm 5,10ml, nước cất (nước muối sinh lý), trang phục phẫu thuật; bộ can thiệp vô trùng (dao, kéo, kẹp, khay đựng dụng cụ..v.v), bông gạc, băng dính phẫu thuật; hộp thuốc và hộp cấp cứu tai biến.
Vật tư y tế đặc biệt:
- Ống thông chụp mạch tiêu chuẩn 4-5F;
- Dây dẫn tiêu chuẩn 0.035’ tương ứng với ống thông chụp mạch;
- Ống Stent: giá đỡ lòng ống tiêu hóa chuyên dụng;
- Bơm áp lực dùng bo bóng;
- Bóng nong chuyên dụng.
Thuốc: Gồm thuốc gây tê tại chỗ, gây mê toàn thân (nếu cần), thuốc đối quang Iod tan trong nước, dung dịch sát khuẩn da và niêm mạc.
Người bệnh cần chuẩn bị:
- Được giải thích cụ thể về thủ thuật để phối hợp với bác sĩ.
- Thực hiện khám lâm sàng trước thủ thuật.
- Nhịn ăn, uống trước 6 giờ. Không uống quá 50ml nước.
- Tại phòng can thiệp: Bệnh nhân nằm nghiêng hoặc nằm ngửa tùy theo vị trí dẫn lưu. Bác sĩ lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, điện tâm đồ, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi.
- Trường hợp người bệnh quá kích thích, không thể nằm yên sẽ được chỉ định dùng thuốc an thần.
2.2 Quy trình điều trị hẹp tắc thực quản
Các bước thực hiện điều trị hẹp tắc thực quản dưới X quang tăng sáng:
Bước 1: Đánh giá vị trí hẹp
- Đưa ống thông và dây dẫn qua đường miệng để tới vị trí hẹp thực quản.
- Rút dây dẫn và bơm thuốc đối quang tan trong nước để dễ dàng quan sát mức độ và vị trí hẹp.
Bước 2: Tiếp cận vị trí hẹp
- Dưới hướng dẫn của màn X quang tăng sáng, đưa dây dẫn qua vị trí hẹp, sau đó đưa ống thông qua vị trí hẹp dưới hướng dẫn dây dẫn;
- Bơm thuốc đối quang qua ống thông để xác định vị trí, mức độ, chiều dài đoạn hẹp.
Bước 3: Nong - đặt stent tại vị trí hẹp
- Đưa dây dẫn và ống thông qua vị trí hẹp tắc thực quản;
- Dùng bóng nong tại vị trí hẹp thực quản;
- Đặt và bung Stent qua dây dẫn.
Bước 4: Kết thúc thủ thuật
- Kiểm tra tình trạng lưu thông từ thực quản xuống dạ dày bằng thuốc đối quang;
- Rút lại toàn bộ các dây dẫn và ống thông.
Bước 5: Nhận định kết quả
- Thủ thuật thành công khi tái lưu thông đường tiêu hóa từ thực quản xuống dạ dày, mức độ hẹp sau thủ thuật < 30%;
- Không thoát thuốc đối quang ra ngoài lòng thực quản.
3. Tai biến sau thủ thuật và hướng xử lý
Các tai biến sau thủ thuật điều trị hẹp tắc thực quản bao gồm:
- Trượt Stent: Do kích thước stent lựa chọn không phù hợp với mức độ hẹp thực quản.
- Tắc ruột: Stent trượt xuống hạ lưu hoặc do thức ăn xơ, nấu chưa kỹ mắc vào stent gây tắc ruột.
- Thủng thực quản: Cần thực hiện phẫu thuật cấp cứu.
- Chảy máu: Khi thấy xuất huyết tiêu hóa cần liên tục theo dõi và điều trị nội khoa. Có thể can thiệp nội soi để cầm máu nếu máu không ngừng chảy.
Chứng hẹp thực quản thường gây khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của người bệnh. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ cần cải thiện thói quen ăn uống là có thể khắc phục tình trạng. Tuy nhiên nếu thấy các dấu hiệu nặng hơn thì bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ thăm khám và đề ra phương hướng điều trị hiệu quả.