Bệnh trĩ đang là mối bận tâm của rất nhiều người và nhiều người cũng băn khoăn không biết liệu bệnh trĩ có lây không? Bởi mang tâm lý lo lắng sợ lây bệnh trĩ có người thân trong gia đình. Bài viết dưới đây xin chia sẻ một số thông tin hữu ích về khả năng lây lan bệnh trĩ như thế nào?
1. Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là tình trạng các đám rối tĩnh mạch quanh các mô xung quanh vùng hậu môn bị co giãn quá mức. Các mô xung quanh hậu môn có nhiệm vụ đẩy các chất thải ra bên ngoài. Tuy nhiên, khi các mô này bị viêm và sưng lên sẽ hình thành các búi trĩ. Mỗi lần người bệnh đi đại tiện có thể xuất hiện các vệt máu nhỏ kèm theo phân và ở mức độ nặng có thể gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
1.1. Bệnh trĩ có mấy loại?
Bệnh trĩ được phân làm 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ nội: Xuất hiện các búi trĩ ở tại phần phía trên của đường lược. Những búi trĩ này thường được các lớp biểu mô chuyển tiếp và lớp niêm mạc bao phủ xung quanh.
- Trĩ ngoại: Xuất hiện các búi trĩ ở đường hậu môn và trực tràng và thường nằm ở dưới lớp da quanh vùng hậu môn và dưới lớp biểu mô vảy.
1.2. Các cấp độ của bệnh trĩ
Bệnh trĩ được phân thành 4 cấp độ như sau:
- Trĩ độ 1: Các búi trĩ nhỏ và nằm bên trọng hậu môn chưa lòi ra bên ngoài. Người bệnh có thể đi vệ sinh ra chút máu hay các vệt máu dính trong phân.
- Trĩ độ 2: Giai đoạn này, máu chảy ra nhiều hơn khi đi vệ sinh, các búi trĩ lòi ra khỏi hậu môn và có thể có lại được, khiến hậu môn rất dễ bị viêm nhiễm.
- Trĩ độ 3: Ở giai đoạn này, sẽ xuất hiện tình trạng đau đớn và khó chịu do các búi trĩ ngày càng phát triển to ra và không thể tự thụt vào được nếu bị thò ra ngoài. Người bệnh cần phải dùng tay để có thể co các búi trĩ vào bên trong được.
- Trĩ độ 4: Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh trĩ, các cơ vòng dần bị co thắt và làm cho quá trình lưu thông máu bị cản trở, điều này có thể khiến các búi trĩ bị tắc nghẽn và có thể gây hoại tử.
1.3. Dấu hiệu của bệnh trĩ
Bệnh trĩ thường rất dễ nhận biết, tùy thuộc vào từng loại trĩ người bệnh gặp phải mà sẽ có những dấu hiệu bệnh lý khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của bệnh trĩ như:
- Đại tiện chảy máu: Dấu hiệu này là điển hình nhất và xuất hiện ở hầu hết các trường hợp bị bệnh trĩ. Khi người bệnh mới mắc bệnh thường chỉ chảy chút máu dính vào phân khó nhận biết được. Tuy nhiên, khi bệnh phát triển nặng hơn có thể chảy máu thành giọt hoặc tia kể cả lúc đi vệ sinh hoặc ngồi xổm cũng có thể chảy máu.
- Hình thành các búi trĩ ở hậu môn: Trường hợp bị trĩ nội, các búi trĩ sẽ xuất hiện ở trong hậu môn và sẽ phát triển to và thò ra bên ngoài theo thời gian, người bệnh vẫn có thể thụt vào bên trong được. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh trĩ ngoại, các búi trĩ sẽ hình thành ở bên ngoài hậu môn và phát triển càng lớn thì các hoạt động đi lại hay ngồi sẽ trở nên rất bất tiện và khó khăn.
- Xuất hiệu các triệu chứng ngứa rát quanh hậu môn.
- Luôn có cảm giác như có vật gì đó trong hậu môn.
- Đi lại, ngồi làm việc rất khó khăn.
- Táo bón kéo dài.
- Xuất hiện đỏ rát và sưng phù ở vùng da xung quanh hậu môn.
1.4. Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là gì?
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ vẫn chưa được xác định cụ thể, song có một số nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh trĩ thường xuyên được nhắc đến như:
- Tư thế làm việc: Thường bắt gặp ở những người bệnh thường xuyên phải đứng hoặc ngồi quá lâu, hạn chế đi lại (lái xe, nhân viên văn phòng, công nhân,...).
- Mắc táo bón kinh niên: Trường hợp này mỗi lần đi vệ sinh thường phải rặn và lực rặn sẽ tạo áp lực trong ống hậu môn tăng lên khoảng 10 lần, điều này dễ hình thành bệnh trĩ.
- Tăng áp lực ổ bụng: Thường gặp ở những người bệnh làm những công việc nặng nhọc, mắc bệnh viêm phế quản mãn tính,...
Ngoài ra, bệnh trĩ còn xuất hiện trong một số bệnh lý khác như u vùng hậu môn trực tràng và tiểu khung, xơ gan, ...
2. Bệnh trĩ có lây không?
Nhiều người thắc mắc bệnh trĩ có lây không và bệnh trĩ lây qua đường nào? Câu trả lời là: Bệnh trĩ không có khả năng lây qua người khác qua bất cứ con đường nào ( máu, tình dục, mẹ sang con,...). Bởi vì, bệnh trĩ không do các chủng vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,... gây ra mà là sự phình to các đám rối tĩnh mạch ở hậu môn kết hợp với các yếu tố bên ngoài làm hình thành bệnh. Vì thế, người bệnh không cần lo lắng liệu có lây bệnh trĩ cho người khác hay không. Người bệnh nên có tâm lý thoải mái, vui vẻ và lưu ý một số tác hại mà bệnh trĩ có thể ảnh hưởng đến cơ thể nếu không được điều trị sớm như:
- Thiếu máu: Nguyên nhân do quá trình mắc bệnh thường xuyên đi ngoài chảy máu tươi (dính trong phân, nhỏ giọt hoặc nặng có thể thành tia). Tình trạng này kéo dài có thể khiến thiếu máu cấp tính, gây hoa mắt, chóng mặt, người suy yếu mệt mỏi thậm chí là ngất xỉu.
- Thuyên tắc trĩ: Là hiện tượng đông máu bên trong hậu môn, nếu người bệnh không được can thiệp kịp thời sẽ rất dễ bị hoại tử búi trĩ.
- Nhiễm trùng hậu môn: Khi mắc bệnh, người bệnh thường khó khăn trong việc vệ sinh vùng hậu môn do các búi trĩ gây đau. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm mốc phát triển, gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
- Sa nghẹt búi trĩ: Khi các búi trĩ quá to và sa ra bên ngoài khiến người bệnh rất khó khăn trong việc ngồi hoặc đi lại. Gây đau đớn và khó tập trung vào công việc, suy nhược cơ thể, mất ngủ khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng dễ gây cáu bẳn, stress,...
Hy vọng với những chia sẻ trên đây giúp bạn đã có được câu trả lời cho câu hỏi bệnh trĩ có lây không, cũng như biết được nguyên nhân phòng tránh và điều trị bệnh trĩ. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào liên quan tới vấn đề này có thể liên hệ tới bác sĩ nhằm được tư vấn chuyên sâu.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh trĩ
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.