Những nghiên cứu về giấc mơ không chỉ làm các nhà khoa học đau đầu mà còn có ảnh hưởng tương đối lớn tới các nghệ sĩ, tác gia và cả triết gia. Hầu hết mọi người trong cuộc đời đều có những giấc mơ của riêng mình dù có nhớ được các giấc mơ sau khi thức dậy hay không. Tuy nhiên, lý do tại sao khi ngủ lại có những giấc mơ vẫn chưa được khẳng định bởi nghiên cứu khoa học nào mà chỉ có thể dừng lại ở tính chất của giấc mơ khi ngủ như độ dài của một giấc mơ.
1. Giấc mơ khi ngủ kéo dài bao lâu?
Rất khó để định lượng một giấc mơ khi ngủ có thể kéo dài bao lâu nhưng các nhà khoa học đã đưa ra các ước tính về thời gian khi mơ có thể lên tới 2 giờ trong giấc ngủ. Trong mỗi đêm con người cũng có thể mơ từ 4-6 lần. Các kết quả trên được lý luận như sau:
- Con người khi ngủ có 2 loại giấc ngủ là giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) và giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM). Hầu hết các giấc mơ thường xảy ra khi mắt chuyển động nhanh, còn được gọi là giấc ngủ REM.
- Chu kỳ giấc ngủ REM có xu hướng xảy ra khoảng 1,5-2 giờ một lần do đó việc giấc mơ tồn tại trong pha này của giấc ngủ dẫn tới sự ước tính về độ dài của giấc mơ tối đa có thể tương được với một giấc ngủ REM
2. Nằm mơ khi ngủ có sao không?
Hầu hết các giấc mơ không có hại đối với sức khỏe con người tuy nhiên nếu các cơn ác mộng tiêu cực xảy ra thường xuyên lại là một vấn đề khác mà con người cần để ý. Chưa thể xác định một cơn ác mộng có thể kéo dài trong bao lâu nhưng các nhà khoa học cho rằng cơn ác mộng có xu hướng xảy ra trong các chu kỳ sau của giấc ngủ REM, đặc biệt là 1/3 đêm cuối cùng.
Ác mộng thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn do các nguyên nhân tiềm ẩn như căng thẳng, lo lắng, sử dụng thuốc hoặc thay đổi hormon. Một số người thậm chí còn trải qua các cơn ác mộng thường xuyên trong giấc ngủ, đặc biệt là các bệnh nhân sau chấn thương nặng. Có nhiều lựa chọn để điều trị cải thiện chứng rối loạn ác mộng như liệu pháp tái tạo hình ảnh và liệu pháp hành vi nhận thức do đó hãy tới gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi các cơn ác mộng bắt đầu làm phiền tới bạn.
3. Một số đặc điểm khác của giấc mơ
Nhiều nghiên cứu cho thấy giấc mơ rất quan trọng đối với việc lưu giữ ký ức trong bộ não con người sau một ngày dài. Khi nghiên cứu về giấc mơ ở các đối tượng khác nhau thì các nhà khoa học đã thu được một số đặc điểm thú vị như sau:
- Giấc mơ của trẻ em: Trẻ em dưới 10 tuổi mơ nhiều hơn trong giai đoạn NREM của giấc ngủ so với giai đoạn REM và là một điểm khác biệt so với người trưởng thành.
- Cơ thể người gần như là tê liệt trong khi đang mơ: Trong giấc ngủ Rem, mắt sẽ rung hoặc chuyển động nhanh nhưng các nhóm cơ chính lại bị tê liệt tạm thời do chất dẫn truyền thần kinh ức chế một số tế bào thần kinh vận động trong giấc ngủ REM gây ra tình trạng tê liệt.
- Bộ não có thể chọn một số điều để quên trong khi đang mơ: Do các tế bào thần kinh sản xuất hormone tập trung melanin (MCH) dường như làm suy giảm chức năng tạo trí nhớ ở một phần của não gọi là vùng dưới đồi trong giấc ngủ REM.
- Thuốc có thể ảnh hưởng tới giấc mơ: Các thuốc chẹn beta có tác dụng hạ áp nhưng cũng làm tăng cường độ giấc mơ.
Tóm lại, khi nói tới giấc mơ là vấn đề rất rộng lớn và khác biệt đối với mỗi người. Có thể con người sẽ hiếm khi nhớ tới các giấc mơ của mình hoặc lại có người trải nghiệm giấc mơ vô cùng sống động. Các giấc mơ có thể xuất hiện vào nhiều thời điểm khác nhau trong đêm nhưng thường kéo dài tối đa 2 giờ theo giấc ngủ REM. Các giấc mơ nhìn chung là không có hại và thậm chí là có lợi cho trí não theo một số nghiên cứu. Tuy nhiên nếu bạn gặp phải những cơn ác mộng lặp đi lặp lại trong thời gian dài thì có thể bạn đang mắc chứng rối loạn ác mộng khá hiếm gặp và cần được điều trị sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com