Ăn gì khi bạn bị tâm thần phân liệt?

Tâm thần phân liệt là một loại rối loạn tâm thần mạn tính. Những người mắc chứng bệnh này cảm thấy thực tế bị bóp méo, thường bị ảo tưởng hoặc ảo giác. Thuốc rất quan trọng để điều trị bệnh, tuy nhiên, một số bệnh nhân mắc chứng rối loạn này có thể muốn xem xét sử dụng phương pháp điều trị thay thế bao gồm điều trị vitamin, bổ sung dầu cá, chất bổ sung glycine, quản lý chế độ ăn uống. Như vậy thức ăn cho người bệnh tâm thần cũng đóng vai trò nhất định trong điều trị.

1. Bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một loại rối loạn tâm thần mạn tính. Những người mắc chứng bệnh này cảm thấy thực tế bị bóp méo, thường bị ảo tưởng hoặc ảo giác. Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng ước tính căn bệnh này gây ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số thế giới.

Những quan niệm sai lầm về bệnh là khá phổ biến. Ví dụ, một số người nghĩ rằng nó tạo ra một “tính cách chia rẽ”. Trên thực tế, tâm thần phân liệt và phân chia nhân cách còn được gọi là rối loạn nhận dạng phân ly là hai chứng rối loạn khác nhau.

Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ, ở mọi lứa tuổi. Nam giới thường phát triển các triệu chứng ở cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu 20 tuổi. Phụ nữ có xu hướng xuất hiện các dấu hiệu của bệnh muộn hơn, thường ở cuối độ tuổi 20 và đầu độ tuổi 30.

Thuốc rất quan trọng để điều trị bệnh, tuy nhiên, một số người mắc chứng rối loạn này có thể muốn xem xét phương pháp điều trị thay thế. Nếu bạn chọn sử dụng các phương pháp điều trị thay thế này, hãy làm việc với bác sĩ để đảm bảo việc điều trị được an toàn.

Các phương pháp điều trị thay thế được sử dụng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt bao gồm:

  • Điều trị vitamin
  • Bổ sung dầu cá
  • Chất bổ sung glycine
  • Quản lý chế độ ăn uống

Tuy nhiên, những nghiên cứu hỗ trợ các phương pháp điều trị thay thế này còn hạn chế.


Tâm thần phân liệt là một loại rối loạn tâm thần mạn tính
Tâm thần phân liệt là một loại rối loạn tâm thần mạn tính

2. Nên ăn gì khi bị tâm thần phân liệt

Những người bị bệnh thường có chế độ ăn uống không lành mạnh. Thói quen ăn uống không tốt có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác khiến những người này có nguy cơ cao mắc những bệnh như bệnh tim mạch và tiểu đường.

Nghiên cứu cho thấy rằng một số thay đổi trong chế độ ăn uống thực sự có thể hữu ích. Dưới đây là một số loại thực phẩm cần cân nhắc và một số loại thực phẩm cần tránh đối với bệnh nhân.

2.1. Nên ăn nhiều trái cây hơn

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người mắc bệnh thường không bổ sung đủ chất xơ. Trái cây như quả mâm xôi, lê, táo và những loại khác là một số trong những nguồn chất xơ tốt nhất.

Chất xơ giúp giảm cholesterol “xấu” và hỗ trợ tiêu hóa. Chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe thường liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt như bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Đồng thời, trái cây cũng có nhiều vitamin tốt cho sức khỏe.

2.2. Ăn nhiều rau hơn

Rau là thực phẩm có ít chất béo và calo, chứa nhiều chất xơ và các vitamin quan trọng, và không có bất kỳ cholesterol nào gây hại cho tim. Rau là một thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn uống của các bệnh nhân tâm thần phân liệt. Kali cũng là một chất dinh dưỡng quan trọng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn. Kali có trong các loại rau như đậu lima, đậu tây và khoai lang.

2.3. Nên ăn cá hồi và các loại cá béo khác

Cơ thể không thể tạo ra axit béo omega-3. Bạn cần bổ sung chúng qua thức ăn. Tại sao bạn cần axit béo omega-3? Ngày càng có nhiều nghiên cứu nói rằng axit béo omega-3 có thể ngăn ngừa và làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Cá hồi và cá thu là những nguồn tuyệt vời cung cấp những axit đó. Nếu bạn không thích cá, hãy hỏi bác sĩ của bạn về chất bổ sung omega-3.


Ngày càng có nhiều nghiên cứu nói rằng axit béo omega-3 có thể ngăn ngừa và làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt
Ngày càng có nhiều nghiên cứu nói rằng axit béo omega-3 có thể ngăn ngừa và làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt

2.4. Nên ăn thịt gà và nước sốt marinara

Nghiên cứu đã cho thấy vitamin niacin có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh tâm thần phân liệt. Một nguồn thực phẩm giàu niacin là thịt gà; và một loại khác là nước sốt marinara.

2.5. Nên ăn hàu và cua

Các chuyên gia cho rằng có thể có mối liên hệ giữa lượng kẽm thấp và bệnh tâm thần phân liệt. Hàu, cua và tôm hùm là những thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng này. Bạn cũng có thể tìm thấy kẽm trong thịt bò và trong ngũ cốc tăng cường. Kẽm cũng có sẵn trong các chất bổ sung, nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi bạn dùng bất kỳ loại nào.

2.6. Nên ăn ngao

Một số báo cáo cho thấy hàm lượng vitamin B12 thấp ở những người bị rối loạn tâm thần - một tập hợp các rối loạn tâm thần mà tâm thần phân liệt là một trong số đó. Nghiên cứu khác cho biết thêm một chút B12 có thể làm giảm các triệu chứng.

Ngao là một nguồn cung cấp lớn B12. Vitamin B12 cũng được tìm thấy trong gan, cá hồi và trong một số loại bánh mì. Thuốc bổ sung có thể hữu ích, nhưng hãy kiểm tra với bác sĩ của bạn trước khi sử dụng.

2.7. Nên ăn thêm rau bina

Vua của các loại rau lá xanh, rau bina có hàm lượng folate cao. Folate được gọi là axit folic khi nó được sử dụng trong các chất bổ sung hoặc để tăng cường thực phẩm. Nó có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Cùng với rau bina, bạn có thể tìm thấy nó trong đậu đen, măng tây và gan bò.

2.8. Nên ăn dầu gan cá tuyết

Các nghiên cứu về tác dụng của vitamin D đối với bệnh tâm thần phân liệt còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên,việc cơ thể có nhiều Vitamin D hơn có thể giúp ích cho một số người mắc chứng rối loạn này. Vitamin D được tạo ra chủ yếu từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhưng có sẵn tự nhiên trong dầu gan cá, cá hồi và cá kiếm

2.9. Nên ăn sữa chua

Hệ vi sinh vật đường ruột nhận được rất nhiều sự quan tâm. Một số nghiên cứu đã liên kết các vi khuẩn có hại trong đường ruột với bệnh tâm thần phân liệt. Bổ sung thêm prebiotics có thể hữu ích, prebiotics được tìm thấy tự nhiên trong trái cây và rau. Thêm men vi sinh có trong sữa chua, kim chi và dưa cải bắp cũng có thể hữu ích cho bệnh nhân tâm thần phân liệt. Cố gắng tránh các sản phẩm có chứa kháng thể casein.


Thêm men vi sinh có trong sữa chua, kim chi và dưa cải bắp cũng có thể hữu ích cho bệnh nhân tâm thần phân liệt
Thêm men vi sinh có trong sữa chua, kim chi và dưa cải bắp cũng có thể hữu ích cho bệnh nhân tâm thần phân liệt

2.10. Không nên ăn bánh mì

Một số chuyên gia cho rằng sự nhạy cảm với lúa mì có thể là một yếu tố gây ra tình trạng sức khỏe tâm thần như tâm thần phân liệt. Một nghiên cứu cho thấy một số bệnh nhân bị tâm thần phân liệt đã cải thiện tình trạng của họ khi họ chuyển sang chế độ ăn không có gluten. Gluten được có trong lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về nó.

2.11. Không nên ăn đường tinh chế

Các chuyên gia đã xác định rõ rằng hầu hết những người bị tâm thần phân liệt là những người ăn uống thiếu khoa học và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường của họ cao hơn. Một chế độ ăn uống giúp cho lượng đường huyết thấp - thước đo lượng đường trong máu - có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Cắt bỏ đường tinh luyện, có trong những thứ như đồ uống có đường, kẹo và bánh ngọt, là một cách tốt để bắt đầu giữ cho đường máu ở mức bình thường.

Thuốc rất quan trọng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân mắc chứng rối loạn này có thể muốn xem xét sử dụng phương pháp điều trị thay thế bao gồm điều trị vitamin, bổ sung dầu cá, chất bổ sung glycine, quản lý chế độ ăn uống. Như vậy thức ăn cho người bệnh tâm thần cũng đóng vai trò nhất định trong điều trị. Trong đó có những thực phẩm tốt và cũng có những thực phẩm không tốt cho bệnh nhân tâm thần phân liệt.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe