Với người bệnh tâm thần phân liệt, cùng với các triệu chứng ảnh hưởng đến sự tập trung và trí nhớ, người bệnh còn thường bị rối loạn tâm thần, bao gồm ảo giác và ảo tưởng. Đây là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày, đặc biệt khiến người bệnh thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi. Trong bài viết dưới đây, bạn đọc có thể tham khảo một số thông tin giúp hỗ trợ người bệnh tốt nhất khi rơi vào tình trạng này.
1. Tìm hiểu những điều cơ bản về bệnh tâm thần phân liệt
Khi bị tâm thần phân liệt, người bệnh thường xuất hiện một số dấu hiệu điển hình như:
- Ảo tưởng, luôn nghĩ có người muốn hại mình và sợ hãi với mọi thứ xung quanh.
- Ảo giác, hoặc nhìn, nghe và cảm nhận những điều mà người khác không thấy được. Họ có thể nghe thấy âm nhạc, giọng nói hoặc nhìn thấy những thứ không tồn tại xung quanh.
- Các triệu chứng nhận thức, bao gồm khó tập trung, không thể nói rõ ràng hoặc trả lời câu hỏi. Họ có thể sử dụng những từ hoặc cụm từ vô nghĩa, nói những điều bạn không thể hiểu hoặc lặp lại cùng một cụm từ.
- Một số người tin rằng họ thực sự là người nổi tiếng hoặc một nhân vật lịch sử hay tôn giáo.
- Có thể bị kích động vì một lý do nào đó.
2. Cách chăm sóc người bị tâm thần phân liệt
2.1. Lắng nghe và xác thực
Khi người thân của bạn có dấu hiệu ảo giác hoặc ảo tưởng, bạn hãy trò chuyện, lắng nghe để hiểu rõ về những gì họ đang gặp phải.
Bạn có thể trò chuyện với những câu nói như:
- Có phải bạn cảm thấy khi người lạ vào nhà phải không? Tôi có thể làm gì để giúp bạn cảm thấy an toàn hơn không?
- Tôi hiểu là bạn không muốn ra ngoài khi cảm thấy có ai đó đang theo dõi mình. Bạn có có thể để tôi bầu bạn cùng được không?
Đôi khi, người bệnh sẽ không lắng nghe và trả lời những câu hỏi của bạn nhưng sẽ thể hiện bằng cảm xúc. Do đó, bạn hãy cho họ thời gian để thể hiện bản thân theo cách riêng của họ. Có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để trò chuyện cùng người bệnh. Thế nhưng sự nỗ lực có thể giúp họ cảm thấy được hỗ trợ và kết nối.
2.2. Hỏi người bệnh về việc có cần giúp đỡ
Bạn có thể muốn làm nhiều điều cho người bệnh nhưng họ thường thể hiện không quan tâm đến những gì mà bạn muốn làm.
Tốt nhất bạn hãy hỏi những câu hỏi như:
- Tôi có thể làm gì để giúp bạn hay không?
- Tôi nhận thấy bạn không còn nhiều quần áo sạch trong tủ, bạn có muốn tôi giúp bạn giặt đồ không?
- Bạn có muốn đi đến cửa hàng tạp hóa không? Tôi có thể đưa bạn đến cửa hàng ngày hôm nay.
- Tôi đang nghĩ chúng ta có thể cùng nhau nấu bữa tối, nhưng tại sao chúng ta không rửa bát đĩa trước nhỉ?
- Nếu họ nói rằng họ không cần giúp đỡ, tốt nhất bạn nên tôn trọng điều đó miễn là sự an toàn của họ không bị đe dọa.
2.3. Giữ liên lạc
Tự cô lập và rút lui khỏi xã hội thường là những dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần phân liệt.
Giữ liên lạc lúc này là điều cần thiết, giúp người bệnh nhận được sự hỗ trợ quan trọng về mặt xã hội và tình cảm. Duy trì kết nối cũng cho bạn cơ hội khuyến khích họ nếu họ có vẻ miễn cưỡng nhận hỗ trợ hoặc tiếp tục điều trị.
Tốt nhất bạn hãy tạo thói quen kiểm tra thường xuyên, thậm chí chỉ hỏi xem họ có cần gì không. Họ có thể luôn từ chối những lời đề nghị giúp đỡ của bạn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn ngừng yêu cầu.
Bạn cũng nên đề xuất các hoạt động để làm cùng nhau, chẳng hạn như xem phim, đi dạo hoặc chơi trò chơi. Đặc biệt, hãy khuyến khích khi họ liên hệ trước bằng những câu nói như: Tôi rất vui khi nhận được tin từ bạn. Cảm ơn vì đã gọi cho tôi.
2.4. Giúp người bệnh lập kế hoạch
Một khi các triệu chứng tâm thần phân liệt, nó có thể theo sát người bệnh trong suốt cuộc đời.
Do đó, bạn cần lên kế hoạch cho những việc cần làm khi điều này xảy ra để dễ dàng kiểm soát các triệu chứng nếu chúng quay trở lại hoặc trở nên tồi tệ hơn.
Kế hoạch này có thể bao gồm những yếu tố như:
- Dấu hiệu chính của một giai đoạn tâm thần phân liệt.
- Số điện thoại của bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu và các chuyên gia khác.
- Các hành động cần làm khi dấu hiệu bệnh xuất hiện bao gồm vận động cơ thể hoặc hít thở sâu.
- Số điện thoại liên lạc khẩn cấp khi xuất hiện dấu hiệu bệnh.
- Các bước đầu tiên khi cần trợ giúp, chẳng hạn như đăng ký với bác sĩ trị liệu hoặc đến phòng cấp cứu.
- Danh sách các loại thuốc hiện tại, dị ứng và thông tin sức khỏe quan trọng khác.
2.5. Khuyến khích người bệnh duy trì kế hoạch điều trị
Những người bị tâm thần phân liệt thường cần điều trị lâu dài và hỗ trợ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Thông thường, thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt có thể cải thiện các triệu chứng và đôi khi giúp ngăn chúng quay trở lại.
Mặt khác, trị liệu có thể giúp những người mắc bệnh tâm thần phân liệt học cách nhận biết các dấu hiệu của một đợt bệnh và khám phá các chiến lược để kiểm soát các triệu chứng cũng như nguy hiểm mà chúng gây ra.
Bạn có thể hỏi về cách điều trị và đưa ra sự hỗ trợ theo những cách tích cực, hỗ trợ mà không khiến họ cảm thấy bất lực.
2.6. Hỗ trợ người bệnh với các mục tiêu nhỏ
Tâm thần phân liệt không chỉ khiến bạn khó tập trung và duy trì sự tập trung trong công việc hoặc học tập mà nó còn có thể ảnh hưởng đến khả năng xử lý các công việc hàng ngày, bao gồm: Làm việc nhà, tự chăm sóc bản thân, tương tác với những người thân yêu.
Tốt nhất bạn hãy khuyến khích người bệnh hướng tới những mục tiêu nhỏ, đặc biệt là những điều bạn có thể làm cùng họ như:
- Giúp người bệnh duy trì các hoạt động thể chất bằng cách đi bộ đường dài cùng nhau vào cuối tuần.
- Khuyến khích họ ăn các bữa ăn bình thường bằng cách chuẩn bị bữa tối cùng nhau
- Suy nghĩ về một thói quen ban đêm giúp họ dễ ngủ hơn
- Giúp họ liệt kê những sở thích để cơ thể thư giãn như yoga, vẽ hoặc làm vườn.
- Khuyến khích họ nghe nhạc....
2.7. Những điều cần tránh
Có rất nhiều cách để thể hiện sự ủng hộ đối với người bị tâm thần phân liệt, nhưng có một số điều bạn cần tránh làm gồm:
- Từ chối ảo giác và ảo tưởng: Nhiều người nghĩ rằng tốt nhất là nên nhẹ nhàng chống lại ảo giác hoặc ảo tưởng bằng cách nói điều gì đó như: "Điều đó không có thật, nếu không tôi cũng sẽ thấy nó”. Tuy nhiên, những triệu chứng này rất thực tế đối với người bệnh và việc phủ nhận của bạn có thể sẽ khiến người bệnh bỏ đi. Họ sẽ nghĩ rằng bạn không đáng tin, khiến việc hỗ trợ họ và khuyến khích họ tìm kiếm sự trợ giúp khi có các triệu chứng sẽ trở nên khó khăn hơn. Việc hỗ trợ người bệnh không có nghĩa là giả vờ tin vào ảo giác hoặc ảo tưởng. Tốt nhất bạn hãy nói những điều lãng tránh sang câu chuyện khác.
- Làm mọi thứ cho người bệnh: Khi người thân của bạn không thể làm việc nhà, việc lặt vặt hoặc công việc hàng ngày, bạn có thể giúp đỡ họ bằng cách đảm nhận những trách nhiệm đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tốt nhất bạn hãy khuyến khích họ tự làm những việc này và chỉ nhờ hỗ trợ khi cần.
- Đổ lỗi hoặc phán xét: Người bệnh thường không thể kiểm soát các triệu chứng mà họ gặp phải. Ngay cả khi dùng thuốc và trị liệu, ảo giác, hoang tưởng và các triệu chứng khác cũng có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn. Việc bạn nên làm là tôn trọng và lắng nghe người bệnh.
2.8. Khi nào cần can thiệp?
Khi chăm sóc người bị tâm thần phân liệt, nếu người bệnh nói về việc tự tử hoặc sắp chết hoặc có các triệu chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, hãy liên hệ với chuyên gia y tế ngay lập tức.
Cụ thể, một số dấu hiệu điển hình, thường gặp hơn cả gồm có:
- Không nhận ra môi trường xung quanh hoặc những người thân yêu của họ
- Nói những điều vô nghĩa.
- Người bệnh thường xuyên nói về việc làm tổn thương bản thân hoặc người khác
- Thực hiện các hành vi khiến họ gặp nguy hiểm như cố gắng lái xe hoặc đi ra ngoài trong khi mất phương hướng.
Lúc này, bạn hãy cho người bệnh không gian, tránh chạm vào chúng mà không hỏi trước, nói bằng một giọng bình tĩnh, nhỏ nhẹ....
Trên đây là những lưu ý khi chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt mà các bạn có thể tham khảo. Bạn cần đồng hành với người bệnh để cải thiện vấn đề này hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.