Gãy xương chậu có phải mổ không?

Gãy xương chậu có phải mổ không là câu hỏi mà hầu hết các bệnh nhân quan tâm. Đây là một dạng gãy xương phức tạp và nguy hiểm, vì thế việc phẫu thuật phải được cân nhắc thông qua nhiều yếu tố khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giải thích chi tiết hơn về vấn đề này. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. 

1. Phân loại gãy xương vùng chậu

Các xương vùng chậu được sắp xếp và liên kết với nhau thành một vòng tròn lớn, vì vậy khi có vết nứt hoặc gãy ở một vị trí bất kỳ, thường sẽ kèm theo tổn thương như đứt hoặc rách dây chằng ở vị trí khác.  

Bác sĩ sẽ tiến hành khám và dựa vào kết quả cận lâm sàng hình ảnh gãy xương chậu để xác định chính xác và phân loại thể gãy xương. Việc phân loại sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như hướng xương gãy, lực tác động dẫn đến gãy xương và mức độ toàn vẹn của cấu trúc xương chậu sau khi có chấn thương. Gãy xương chậu được phân loại thành hai nhóm sau:

  • Gãy xương vững: Bệnh nhân thường chỉ có một đường gãy ở khung xương chậu, đồng thời các đầu xương gãy không bị di lệch, vẫn nằm đúng vị trí. Nguyên nhân dẫn đến gãy xương chậu ổn định thường do các tác động ngoại lực thấp;
  • Gãy xương mất vững: Thể chấn thương khung chậu này thường nặng và phức tạp hơn, hình ảnh gãy xương chậu sẽ có từ 2 đường gãy trở lên và các đầu xương gãy di lệch khỏi vị trí ban đầu. Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến gãy xương chậu có sự di lệch là do các tác động ngoại lực rất lớn.

Ngoài ra, tương tự các loại gãy xương ở vị trí khác, gãy xương ở vùng chậu cũng được phân chia thành gãy xương hở và gãy xương kín.

  • Gãy xương hở là tình trạng xương vừa bị gãy, đồng thời còn xuất hiện vết thương hở ngoài da thông với ổ gãy.
  • Gãy xương kín là trường hợp xương chậu gãy và hoàn toàn không có tổn thương ngoài da.

Trong 2 loại trên, mức độ nghiêm trọng của gãy xương vùng chậu hở cao hơn vì nguy cơ nhiễm trùng (đặc biệt là nhiễm trùng lan đến xương) do vết thương ngoài da. Do đó, người bệnh cần được xử trí ngay lập tức khi gặp phải dạng gãy xương này. 

Gãy xương chậu được phân loại dựa vào nhiều yếu tố khác nhau.
Gãy xương chậu được phân loại dựa vào nhiều yếu tố khác nhau.

2. Triệu chứng gãy xương chậu

Gãy xương chậu có nguy hiểm không? Để trả lời thắc mắc này, bệnh nhân cần biết xương chậu là một xương lớn với nhiệm vụ quan trọng là nâng đỡ phần trên của cơ thể. Do đó, gãy xương vùng chậu thường ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động của người bệnh, đồng thời có thể gây mất máu và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Vì những lý do trên, gãy xương ở vùng chậu cần phải được nhận biết sớm. Thông thường, gãy xương vùng chậu xảy ra do lực tác động rất mạnh, và mỗi vị trí gãy sẽ có các triệu chứng cụ thể như sau:

  • Gãy khung chậu: Bên cạnh dấu hiệu gãy xương như đau dữ dội, vận động bị hạn chế thì người bệnh còn có các dấu hiệu tổn thương các cơ quan lân cận (trong khung chậu và ổ bụng) như rách, đứt niệu quản, niệu đạo, vỡ bàng quang, tổn thương âm đạo, tử cung, buồng trứng ở nữ... Hình ảnh gãy xương ở vùng chậu trên phim X-quang thẳng nghiêng có thể bao gồm gãy cung trước, gãy cung sau, trật khớp mu hoặc trật khớp cùng – chậu;
  • Gãy thành chậu, rìa chậu: Bệnh nhân gãy xương chậu vị trí này sẽ không thể gấp đùi vào bụng, đau dữ dội vùng bị gãy và ấn đau tại chỗ. Hình ảnh gãy xương chậu khi Chụp X-quang bao gồm gãy gai chậu trước trên và trước dưới, gãy dọc theo cánh chậu, gãy ụ ngồi, gãy ngành ngồi – chậu hoặc gãy ngang xương cụt...;
  • Gãy ổ cối: Triệu chứng bao gồm đau nhiều ở khớp háng, mất khả năng đứng hoặc hoàn toàn không cử động được khớp háng. Hình ảnh trên phim X-quang giúp phát hiện vị trí gãy ở rìa trên hoặc rìa dưới ổ cối, gãy đáy ổ cối...

3. Gãy xương chậu có nguy hiểm không?

Gãy xương chậu là một trong những loại gãy xương vô cùng nguy hiểm và phức tạp với nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Sốc do mất máu có thể dẫn đến tử vong nếu không sử trí kịp thời
  • Tổn thương xương khớp nặng nề và các cơ quan bên trong xương chậu;
  • Ảnh hưởng đến khung chậu từ đó gây nguy cơ trật khớp mu và gãy cánh xương cùng;
  • Ảnh hưởng các cơ quan tiết niệu: Hệ tiết niệu có các cơ quan nằm gần xương chậu và ở phía trong xương chậu nên khi xương chậu bị tổn thương sẽ tăng nguy cơ ảnh hưởng đến các cơ quan này. Biến chứng này tương đối nguy hiểm, đặc biệt khi xảy ra ở niệu đạo và bàng quang;
  • Tổn thương cơ quan sinh dục: Xương chậu bao bọc cơ quan sinh dục, do đó khi xương chậu bị gãy sẽ tác động trực tiếp, gây tổn thương đến các cơ quan này bao gồm âm đạo, tử cung, vòi trứng và buồng trứng;
  • Ảnh hưởng đến trực tràng: Đoạn cuối ống tiêu hóa (trực tràng) nằm bên trong khung chậu. Do đó, trực tràng là cơ quan bị ảnh hưởng trực tiếp, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng tăng cao và có thể gây tử vong;
  • Tổn thương các cơ quan trong ổ bụng: Bản thân gãy xương chậu đã nặng nề và việc ảnh hưởng đến các tạng trong ổ bụng còn nghiêm trọng hơn. Các cơ quan trong ổ bụng bị ảnh hưởng bao gồm gan hoặc tá tràng (gặp khoảng 17% các trường hợp). 
Chỉ định mổ áp dụng cho người gãy xương chậu thể không ổn định.
Chỉ định mổ áp dụng cho người gãy xương chậu thể không ổn định.

4. Gãy xương chậu và cách điều trị

Gãy xương chậu có phải mổ không là câu hỏi của rất nhiều người bệnh. Mặc dù là một dạng gãy xương nghiêm trọng và phức tạp nhưng việc điều trị phẫu thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Gãy xương chậu và cách điều trị có thể bao gồm các biện pháp sau:

4.1 Điều trị bảo tồn, không phẫu thuật

Phương pháp này thường áp dụng cho các trường hợp gãy xương ổn định, các xương gãy không bị di lệch quá nhiều khỏi vị trí ban đầu. Các phương pháp điều trị gãy xương chậu không phẫu thuật gồm có:

4.1.1 Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đi lại

Các dụng cụ này có tác dụng tránh dồn trọng lượng cơ thể lên chân. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng nạng hoặc xe tập đi trong thời gian tối đa 3 tháng hoặc khi xương gãy lành lại hoàn toàn. Trường hợp gãy xương ảnh hưởng đến cả 2 chân, bệnh nhân cần phải dùng xe lăn trong một thời gian nhất định.

4.1.2 Sử dụng thuốc

Bác sĩ chỉ định các loại thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu để hạn chế nguy cơ hình thành huyết khối trong tĩnh mạch chân và khung chậu. 

Sử dụng thuốc để hỗ trợ trong quá trình điều trị gãy xương ở vùng chậu.
Sử dụng thuốc để hỗ trợ trong quá trình điều trị gãy xương ở vùng chậu.

4.2 Điều trị phẫu thuật

Bác sĩ chỉ định mổ cho các trường hợp người gãy xương chậu có di lệch. Bệnh nhân có thể cần thực hiện một hoặc nhiều ca phẫu thuật để chỉnh sửa các xương bị gãy. Các phương pháp phẫu thuật gãy xương vùng chậu bao gồm:

4.2.1 Cố định xương chậu bằng thiết bị hỗ trợ từ bên ngoài

Bác sĩ sẽ sử dụng các thanh nẹp kim loại hoặc ốc vít để cố định các xương chậu bị gãy thông qua các vết mổ nhỏ xuyên qua da và cơ. Các dụng cụ cố định sẽ nhô ra ngoài da ở hai bên xương chậu, được gắn vào các thanh sợi carbon bên ngoài. Bộ cố định bên ngoài hoạt động như một bộ khung để cố định xương gãy đúng vị trí;

4.2.2 Phẫu thuật mở và cố định bên trong

Trong quá trình phẫu thuật, các mảnh xương di lệch sẽ được đưa về lại đúng vị trí ban đầu. Sau đó, bác sĩ sẽ cố định xương bằng ốc vít hay tấm kim loại gắn ở mặt ngoài xương.

Phương pháp điều trị phẫu thuật gãy xương ở vùng chậu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Vì vậy, bác sĩ điều trị sẽ giải thích, thông báo cho người bệnh và thân nhân về những khả năng có thể xảy ra và cách xử lý, chữa trị phù hợp.

Tóm lại, gãy xương chậu là một chấn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và thậm chí làm gia tăng nguy cơ tử vong do những tác động đến các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể. Do đó, những trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ gãy xương vùng chậu cần được đưa đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được sơ cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe