Tỷ lệ gãy xương chậu chiếm khoảng 1-2% trong tổng số các ca gãy xương. Tình trạng này được chia thành nhiều dạng khác nhau bao gồm gãy xương cánh chậu, gãy ổ cối và gãy khung chậu. Trong đó, mỗi loại gãy sẽ có những đặc điểm và phương pháp điều trị riêng. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Đặc điểm giải phẫu của khung chậu
Đúng như tên gọi, khung chậu có hình dáng tương tự một chiếc chậu nhưng bị thắt lại ở phần giữa.
Hai xương chậu, xương cùng và xương cụt là những thành phần cấu tạo nên khung chậu. Trong đó, xương chậu là thành phần quan trọng nhất được hình thành từ ba xương nhỏ hơn: xương chậu, xương ngồi và xương mu.
Nơi giao nhau của ba xương này được gọi là ổ cối với khớp mu ở phía trước và khớp cùng chậu ở phía sau tiếp giáp với xương cùng cột sống.
Do đó, mọi người cần biết gãy xương chậu là gì trước khi tìm hiểu vấn đề xương chậu bị gãy bao lâu thì đi lại được.
Xương chậu bị gãy khi cấu trúc của xương bị phá vỡ, không còn nguyên vẹn do một nguyên nhân nào đó. Mặc dù vậy, tỷ lệ người trưởng thành bị gãy xương chậu là rất hiếm, chỉ khoảng 1-2% trên tổng số trường hợp gãy xương.
Theo một số thống kê, đặc điểm đáng chú ý trong gãy xương chậu là cơ thể sẽ mất lượng máu lớn, có thể lên tới 1.700–2.400ml.
Tùy thuộc vào từng dạng gãy xương chậu, quá trình điều trị sẽ khác nhau. Hiện nay, bác sĩ thường phân loại gãy xương chậu thành hai nhóm chính: gãy ổn định và gãy không ổn định.
- Khi xương chậu chỉ bị một vết gãy và các đầu xương gãy không di lệch, vẫn nằm đúng vị trí thì được gọi là gãy xương chậu ổn định.
- Khi xương chậu có từ 2 đường gãy trở lên và các đầu xương bị di lệch khỏi vị trí ban đầu thì được gọi là gãy xương chậu không ổn định.
Thêm vào đó, gãy xương chậu còn được chia làm 2 loại là gãy xương chậu kín và gãy xương chậu hở tùy thuộc vào cơ chế gãy có gây ra vết thương ngoài da hay không.
- Tình trạng gãy xương không có vết thương nào ngoài da được gọi là gãy xương kín
- Tình trạng gãy xương kèm theo vết thương hở ngoài da và thấy được vị trí gãy được gọi là gãy xương chậu hở.
2. Nguyên nhân gãy xương chậu
Gãy xương chậu xảy ra do một số nguyên nhân bao gồm:
- Xương chậu bị gãy do té ngã: Do ngã ở tư thế ngồi, đa số người bệnh bị gãy ụ ngồi hoặc gãy ngành xương cánh chậu (gãy kiểu Duverney).
- Xương chậu bị gãy do chấn thương: Trong các vụ tai nạn giao thông (xe đè qua) khi bị vật nặng đè ép, rơi từ trên cao, sập hầm hoặc bị vùi lấp…Xương chậu thường bị đè ép lại gây gãy xương.
- Xương chậu bị gãy do vận cơ quá mức: Vận động viên thể thao, luyện tập võ thuật hoặc một số động tác mạnh đột ngột do tai nạn lao động thường dẫn đến gãy xương chậu vì vận cơ quá mức. Trường hợp nếu căng cơ đùi quá mức và cơ may kéo mạnh có thể gây gãy gai chậu trước, cơ thẳng trước kéo gây gãy gai chậu trước dưới hoặc gãy cánh chậu do cơ mông nhỡ kéo.
3. Những dạng tổn thương hay gặp
Gãy xương chậu bao lâu thì khỏi tùy thuộc rất nhiều vào dạng tổn thương gãy xương. Đồng thời, bác sĩ sẽ có những biện pháp điều trị khác nhau tùy theo từng loại tổn thương.
Với những đặc điểm sau, gãy khung chậu được xem là dạng tổn thương nghiêm trọng nhất:
- Sau chấn thương, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng gãy xương chậu phổ biến như sưng phù, tụ máu vùng xương gãy, đau chói khi ép giữa khung chậu và mất khả năng nâng chân khỏi mặt giường
- Các cơ quan lân cận trong ổ bụng xuất hiện các triệu chứng tổn thương như niệu quản, niệu đạo bị đứt rách; bàng quang vỡ; cơ quan sinh dục nữ (như âm đạo, tử cung, buồng trứng) bị tổn thương; tổn thương mạch máu, thần kinh; các tạng (như gan, thận, lách bị vỡ); hỗng tràng, hồi tràng hoặc đại tràng bị thủng.
- Trên phim X quang xương chậu, bác sĩ có thể thấy các tổn thương như gãy cung trước, cung sau, trật khớp mu hay khớp cùng-chậu.
Gãy thành chậu:
- Người bệnh không thể gấp đùi vào bụng, không thể di chuyển chân và cảm thấy đau đớn dữ dội ở vị trí xương bị gãy, nhất là khi khối sưng nề lớn.
- Các vị trí như ụ ngồi, gai chậu trước trên, gai chậu trước dưới, xương cùng, xương cụt đều cảm thấy đau khi ấn.
- Người bệnh đau nhiều khi khám bằng cách ép khung chậu
- Ở khu vực âm đạo và trực tràng, người bị gãy xương cùng hoặc ngành mu chậu sẽ cảm thấy đau chói khi thăm khám.
- Hình ảnh X quang giúp xác định thể gãy thành chậu, bao gồm: gãy gai chậu trước trên, gãy gai chậu trước dưới, gãy dọc cánh chậu, gãy ngang cánh chậu, gãy ngang xương cùng hoặc xương cụt, gãy ngành mu-chậu hoặc ngồi-chậu và gãy ụ ngồi.
Gãy ổ cối:
- Người bệnh không thể đứng, đau nhiều vị trí khớp háng và hạn chế vận động khớp háng.
- Đau dữ dội khi người bệnh cử động khớp háng
- Ổ cối bị gãy rìa trên hoặc rìa dưới được phát hiện trên hình ảnh X-quang xương chậu. Trong đó, bán trật khớp háng xảy ra khi ổ cối bị gãy rìa và trật khớp háng trung tâm xảy ra khi gãy đáy ổ cối có chỏm xương đùi lọt qua.
4. Gãy xương chậu bao lâu thì khỏi?
Gãy xương chậu bao lâu thì đi lại được? Vấn đề này tùy thuộc vào phương pháp điều trị của bác sĩ và dạng tổn thương.
4.1 Đối với dạng gãy thành chậu
Đa số người bị gãy xương chậu đều được điều trị bằng phương pháp bảo tồn và phải nằm bất động trên giường trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần.
- Trường hợp gãy thành chậu có di lệch xương lớn, người bệnh cần được nắn chỉnh, băng dính tại chỗ và bất động trên giường từ 4-6 tuần.
- Để nắn chỉnh xương cụt bị gãy, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ xương chậu hoặc nắn chỉnh xương thông qua trực tràng.
- Bác sĩ sẽ tiến hành mổ xương chậu để khâu dính lại, sau đó kết hợp xương bằng vít trong trường hợp gãy gai chậu trước trên.
4.2 Gãy ổ cối
Phương pháp điều trị chủ yếu cho dạng gãy xương này là phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh Kirschner qua lồi cầu xương đùi. Sau mổ, người bệnh cần kéo xương liên tục với trọng lượng từ 8 đến 10 kg trong khoảng thời gian từ 10 đến 14 tuần.
4.3 Gãy khung chậu:
- Khi xương chậu chỉ bị gãy một đường ở cung trước hoặc cung sau và mức độ di lệch ít thì phương pháp điều trị bảo tồn sẽ được áp dụng, chủ yếu người bệnh cần nằm yên bất động trong khoảng thời gian từ 5 đến 6 tuần.
- Trong trường hợp gãy 2 cung hoặc gãy kiểu Malgaigne ít di lệch, phương pháp điều trị gãy xương chậu chủ yếu là cố định người bệnh, gác chân lên khung Braun trong khoảng thời gian từ 4 đến 8 tuần.
- Người bệnh bị gãy khung chậu di lệch cần phải phẫu thuật xương chậu để kết hợp xương bằng đinh Kirschner qua lồi cầu xương đùi, kéo liên tục và chân đặt trên khung Braun kéo trọng lượng bằng 1/7 trọng lượng cơ thể trong 10-14 tuần.
Các phương pháp điều trị gãy xương chậu khác:
- Mổ xương chậu: Bác sĩ sẽ tiến hành kết hợp xương bằng nẹp vít hoặc đinh chữ U trong trường hợp gãy cung trước di lệch nhiều như gãy ngành mu-chậu.
- Trong trường hợp gãy toác khớp mu: Bác sĩ kết hợp xương bằng buộc vòng dây thép, sau đó cố định khung chậu bằng khung cố định ngoài thông qua phẫu thuật.
- Gãy thành sau hoặc gãy toác dọc cánh chậu: Mổ xương chậu kết hợp xương bằng nẹp vít.
Nhìn chung, quá trình điều trị tích cực, hợp lý và đúng lộ trình là điều vô cùng cần thiết đối với trường hợp gãy xương. Một số biến chứng, di chứng không mong muốn sẽ xảy ra nếu bệnh nhân không hiểu biết hay chủ quan trong vấn đề điều trị, hồi phục, từ đó làm suy giảm khả năng vận động, lao động và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, gia đình cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.