Gắp thức ăn cho nhau cũng có thể nhiễm vi khuẩn HP

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa Nội Tiêu hóa - Nội soi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Thói quen ăn uống chung, gắp thức ăn cho nhau hay mớm cơm, thổi canh cho con trẻ tưởng chừng như ‘’vô hại’’ nhưng cũng làm lây nhiễm vi khuẩn HP. Trong những trường hợp mắc bệnh ung thư dạ dày, có trên 70% bệnh nhân có HP (+).

1. Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày người.

Vậy vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày? Ở môi trường acid như dạ dày vi khuẩn HP tồn tại bằng cách tiết ra một loại enzyme là Urease giúp nó trung hòa độ acid trong dạ dày.


Vi khuẩn HP đang có trong dạ dày hơn 70% người trưởng thành ở Việt Nam hiện nay
Vi khuẩn HP đang có trong dạ dày hơn 70% người trưởng thành ở Việt Nam hiện nay

2. Vi khuẩn HP dạ dày lây qua đường nào?

Có 3 đường lây nhiễm chính:

  • Lây qua đường miệng-miệng: Vợ/ chồng của người đã nhiễm HP thường có nguy cơ lây nhiễm đến 90%. Do đó, khi một người đã nhiễm HP thì người kia cũng cần đi kiểm tra. Nếu cả 2 người đều nhiễm thì cũng điều trị cả 2 để tránh vi khuẩn đề kháng thuốc.
  • Lây qua đường phân-miệng: Sự tái nhiễm và lây lan HP trong cộng đồng còn qua sinh hoạt ăn uống, thói quen chung đụng trong gia đình và cộng đồng.
  • Lây qua đường dạ dày-miệng: Vệ sinh tiệt khuẩn các thiết bị y tế như ống soi, dụng cụ nha khoa, dụng cụ tai mũi họng.... là điều quan trọng, tối cần thiết để ngăn ngừa lây lan HP.

Trong các cách lây nhiễm này, lây qua đường miệng – miệng được coi là nguyên nhân lây nhiễm HP phổ biến nhất. Do đó thói quen ăn uống chấm chung bát mắm, chung canh, chung thức ăn và "gắp thức ăn cho nhau" cũng làm lây nhiễm vi khuẩn HP.

3. Khi bị nhiễm HP thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở mức độ nào?


Vi khuẩn HP có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính, Loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày
Vi khuẩn HP có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính, Loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày

Nhiều người khi phát hiện bị nhiễm vi khuẩn HP thường lo lắng không biết vi khuẩn HP có gây ung thư không. Thực tế, vi khuẩn HP có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính tiến triển và là nguyên nhân chính gây loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày.

Trong những trường hợp mắc bệnh ung thư dạ dày, có trên 70% bệnh nhân có HP (+). Còn trong bệnh lý viêm dạ dày dạng nốt phát hiện qua hình ảnh nội soi thì 100% có vi khuẩn HP (+).

4. Làm sao để biết mình nhiễm vi khuẩn HP?

Các triệu chứng ở người nhiễm vi khuẩn HP thường thầm lặng, không rõ ràng. Thông thường nó gây ra những cơn đau dạ dày mãn tính như viêm dạ dày mãn hoặc viêm loét dạ dày. Bạn nên đi thăm khám tại bệnh viện để biết được kết quả chính xác nhất.

Các phương pháp trong y học được áp dụng để phát hiện vi khuẩn HP bao gồm:

Phương pháp xâm lấn: Bệnh nhân được tiến hành nội soi dạ dày tá tràng, đánh giá tình trạng bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Đồng thời khi soi xong bác sĩ lấy một mẫu mô sinh thiết tiến hành test urease nhanh, làm sinh thiết mô bệnh học hay nuôi cấy vi khuẩn.

Phương pháp không xâm lấn: Phương pháp này người bệnh có thể biết mình có nhiễm vi khuẩn HP hay không mà không cần phải nội soi dạ dày tá tràng, với 3 cách sau:

Một trong những phương pháp xét nghiệm không xâm nhập được áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, là xét nghiệm hơi thở (Test hơi thở - Urea Breath Test).


Để biết bị nhiễm vi khuẩn HP hay không bằng xét nghiệm hơi thở
Để biết bị nhiễm vi khuẩn HP hay không bằng xét nghiệm hơi thở

5. Cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ mắc vi khuẩn HP?

  • Tránh thói quen chung bát chấm, gắp thức ăn cho nhau, không nhai mớm cơm, thổi canh cho con trẻ.
  • Chế độ ăn uống hợp vệ sinh, đúng giờ. Hạn chế rượu bia, thức ăn chua, chất gia vị kích thích như ớt tiêu. Không ăn no ngay trước khi đi ngủ. Tránh stress, lo âu.
  • Không dùng kháng sinh tùy tiện, nhất là khi chưa có bằng chứng bạn nhiễm HP, hay khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cần tuân thủ phác đồ điều trị: Đúng thuốc, đúng liều, đúng cách sử dụng và đúng thời hạn.
  • Thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi có khó chịu về đường tiêu hóa để có chỉ định tầm soát HP sớm nhất khi cần thiết. Nhất là kiểm tra định kỳ ở người trên 40 tuổi, bao gồm cả nam & nữ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe