Xương rồng lê gai hay còn gọi là cây lưỡi long, có phần thân lớn và quả mọc trên thân xương rồng có màu hồng tím. Hiện nay, loài cây xương rồng này đang trở nên phổ biến hơn trong các bữa ăn không chỉ của người phương Tây mà còn châu Á nhờ những tác dụng của gai cây xương rồng đối với sức khỏe.
1. Cây xương rồng lê gai có ăn được không?
Các bộ phận của cây gồm thân, lá và hoa đều có thể được chế biến thành thức ăn như lấy quả luộc hoặc nướng, lấy thân để ép nước hoặc chế biến thành mứt. Ngoài công dụng thực phẩm, xương rồng lê gai còn được bào chế thành thuốc điều trị một số bệnh.
2. Cây xương rồng lê gai tốt đối với sức khỏe như thế nào?
Đối với sức khỏe, cây xương rồng có lợi như sau:
- Điều trị bệnh tiểu đường type 2: Hoạt chất pectin và chất xơ có trong xương rồng giúp làm giảm khả năng hấp thu đường trong ruột và dạ dày, từ đó giúp làm giảm lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường type 2.
- Điều trị cholesterol trong máu cao, bệnh béo phì: Chất xơ của cây xương rồng lê gai có thể giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu và điều trị bệnh béo phì.
- Giảm cảm giác nôn nao: Chiết xuất có tác dụng chống viêm của xương rồng lê gai có thể giúp làm giảm cảm giác nôn nao.
- Chống viêm, kháng virus: Cây xương rồng lê gai được biết đến là có đặc tính chống viêm và kháng virus nhờ chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và carotenoid.
3. Cách dùng cây xương rồng lê gai
Để chế biến cây xương rồng lê gai thành thức ăn, có thể sử dụng phần thân, lá đã được rửa sạch và loại bỏ những gai nhỏ li ti (lưu ý, mang găng tay khi rửa và làm sạch gai của xương rồng). Để giảm phần nhựa cây, nên chọn những lá xương rồng còn xanh non, chắc chắn, vị thanh khi ăn gai cây xương rồng.
Có thể chế biến lá xương rồng như luộc hoặc nướng. Nên luộc nhiều lần để giảm lượng nhựa trong cây và chắt bỏ bớt nước, rửa sạch bằng nước lạnh trước khi ăn. Còn với món nướng, để món ăn ngon hơn có thể thêm gia vị khi nướng.
Với phần quả, có thể chế biến thành mứt. Nhưng trước khi chế biến cần phải rửa sạch kỹ để loại bỏ lớp lông, tiếp theo dùng dao để bỏ đi phần vỏ cứng ở 2 đầu và bên ngoài quả.
Với những cách chế biến luộc, nướng hoặc ép nước, cây xương rồng lê gai có thể được dùng để trị bệnh như sau:
- Chữa đau lưng: Luộc phần lá để ăn.
- Hạ sốt: Pha mật ong với nước ép từ quả xương rồng để uống.
- Giảm đau răng: Nướng phần lá, sau đó đập dập, giã nát, loại bỏ phần xơ, trộn với chút muối. Đắp phần xương rồng này vào chỗ răng đau, ngậm miệng lại trong 3 - 4 phút, sau đó nhả ra.
- Điều trị mụn nhọt: Hơ lá của cây xương rồng và đưa vùng bị mụn vào để làm tiêu độc. Hoặc đắp hỗn hợp lá cây xương rồng đã được rửa sạch, giã nát và trộn với lá tía tô, lá ớt lên chỗ da bị mụn.
- Giảm đường máu: Nấu lá xương rồng để lấy nước uống.
4. Những điều cần lưu ý khi sử dụng gai cây xương rồng
Mặc dù cây xương rồng lê gai có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng cũng cần thận trọng với những tác dụng phụ mà chúng gây ra như nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy (nhẹ), đại tiện nhiều hơn.
Bên cạnh đó, những nhóm đối tượng sau nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, bao gồm: phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, đang dùng thuốc, bị dị ứng với xương rồng lê gai hoặc thành phần khác, dị ứng thực phẩm, có vấn đề về sức khỏe, ...
Đặc biệt, với người đang bị bệnh tiểu đường, cần chú ý theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên để tránh hạ đường huyết quá mức. Nếu chuẩn bị phẫu thuật, cần ngưng sử dụng cây xương rồng lê gai trước đó 2 tuần để tránh làm rối loạn kiểm soát lượng đường trong máu trong cũng như sau khi phẫu thuật.
Cây xương rồng lê gai có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như kiểm soát lượng đường, cholesterol trong máu, điều trị béo phì, chống viêm và kháng virus. Tuy nhiên, để đảm bảo không gặp phải tác dụng phụ cần sử dụng xương rồng lê gai với lượng vừa phải cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org