Cây đơn buốt chữa bệnh gì?

Các bài thuốc từ cây đơn buốt chữa bệnh đang ngày càng phổ biến hơn trong Y Học Cổ Truyền. Bởi đây là một loại dược liệu có nhiều tác dụng trong kháng viêm và giải độc, do đó có thể chủ trị nhiều bệnh lý viêm nhiễm khác nhau trên nhiều bộ phận.

1. Tìm hiểu các thông tin chung về cây đơn buốt

Cây đơn buốt được xem là một loại cỏ mọc hoang thành bụi với chiều cao trung bình từ 40 đến 100cm, thậm chí một số bụi có thể cao hơn con số này. Thân và cành của đơn buốt đều có đặc điểm là rãnh chạy dọc, có lông trên bề mặt. Lá đơn buốt có 2 hình thái chính:

  • Lá đơn với phần cuống dài, thường mọc đối xứng nhau;
  • Phần lá chét cuống ngắn, có hình mác, phía mép lá có hình răng cưa và phần đáy tròn. Loại lá đơn buốt này có thể có phần lông thưa hoặc không có lông.

Cành của đơn buốt thường rậm, mọc theo nhóm. Hoa đơn buốt mọc thành từng cụm với với màu vàng, thường có gai. Một số hoa đơn buốt cũng có thể mọc đơn độc. Hoa của cây mọc rất nhiều ở vùng nách lá hoặc trên đầu cành. Mỗi hoa có từ 3 đến 5 cánh, phần nhụy màu vàng.

Khi đến mùa sinh sản, phần nhụy hoa sẽ trở thành hạt. Hạt của cây đơn buốt có hình quả bế, phía đầu có gai. Các gai này chính là phương pháp nhân giống của đơn buốt, theo đó di chuyển giống cây theo gió hoặc bám vào động vật.

Mùa hoa đơn buốt hàng năm dao động từ tháng 3 đến tháng 5 hoặc tháng 8 đến tháng 10.

Cây đơn buốt phân bố nhiều ở khu vực Trung du và miền núi từ phía Bắc đến Tây Nguyên và toàn bộ các tỉnh Đông Nam Bộ ở nước ta. Ngoài ra, loại cây này cũng mọc nhiều ở các quốc gia châu Phi và châu Âu. Nhìn chung, cây đơn buốt có thể thích nghi với nhiều điều kiện môi trường trên toàn thế giới.


Đơn buốt được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như đơn kim, xuyến chi,...
Đơn buốt được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như đơn kim, xuyến chi,...

2. Cây đơn buốt có tác dụng gì trong điều trị bệnh lý?

Tác dụng trị bệnh của cây đơn buốt được cả Y học hiện đại và cổ truyền quan tâm - nghiên cứu triệt để. Trong đó, đơn buốt luôn chứng minh mình là một loại dược liệu quý với các công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe.

2.1. Công dụng của cây đơn buốt trong Y học hiện đại

Các nhà khoa học Tây Y phát hiện rằng, lượng tinh dầu khổng lồ trong lá của cây đơn buốt có chứa hoạt chất chống oxy hóa vô cùng mạnh mẽ, cùng với đó là tính kháng khuẩn và nấm. Ngoài ra, các hoạt chất polyynes và flavones tìm thấy trong đơn buốt được xem là thành phần ức chế sự hình thành cũng như phát triển các khối u ác tính xuất hiện ở bệnh nhân có nguy cơ hoặc bị ung thư.

Đặc biệt, polyynes khi kết hợp cùng cytopoloyne đã chứng minh khả năng cải thiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường.

2.2. Theo Y Học Cổ truyền, cây đơn buốt chữa bệnh gì?

Theo ghi chép từ Y học Cổ truyền, đơn buốt có tác dụng giải độc và thanh nhiệt, đồng thời hoạt huyết, khu phong, làm tan máu ứ đọng và sinh tân. Chính vì vậy, loại dược liệu này được đề nghị chủ trị đối với nhiều bệnh lý như sưng đau cổ họng, nổi mẩn ngứa, viêm ruột thừa, đau nhức xương khớp, viêm dạ dày...

3. Tổng hợp một số phương pháp sử dụng cây đơn buốt chữa bệnh

Cây đơn buốt nhờ có thành phần dược lý đa dạng mà nó có tác dụng trong nhiều loại bệnh lý khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp sử dụng cây đơn buốt chữa bệnh cực kỳ phổ biến trong Đông Y.

3.1. Phương pháp dùng đơn buốt trị viêm ruột thừa

Ở bài thuốc này, cần chuẩn bị khoảng 4 gram đến 16 gram cây đơn buốt để sắc với 1 thăng nước. Đun nước này trong khoảng 30 phút với lửa nhỏ. Nước thuốc đơn buốt sau khi sắc nên chia thành nhiều lần để uống trong ngày và thuốc có tác dụng tốt nhất khi còn ấm. Trung bình nên dùng 1 thang thuốc hàng ngày để cải thiện bệnh.

3.2. Dùng cây đơn buốt điều trị viêm dạ dày

Sử dụng cây đơn buốt chữa viêm dạ dày được thiết kế thành 2 bài thuốc:

  • Bài thuốc thứ nhất: Dùng khoảng 30 - 60 gram đơn buốt và sắc với 800ml nước cho đến khi cạn còn khoảng một nửa. Phần nước thuốc sau khi sắc nên chia thành 4 lần uống và uống trong 1 ngày. Nên duy trì việc uống thuốc này liên tục mỗi ngày trong khoảng 2 tuần trở lên.
  • Bài thuốc thứ 2: Nấu đơn buốt thành phần cao đặc, mỗi lần dùng lấy 6 gam cao đơn buốt hòa với gừng tươi trong nước ấm, dùng nước thuốc này uống để cải thiện chứng đau dạ dày.

3.3. Cây đơn buốt chữa bệnh viêm họng cấp tính bằng bài thuốc nào?

Nếu như bạn đang bị viêm họng cấp tính và vô cùng khó chịu với các triệu chứng, bạn có thể thử bài thuốc từ cây đơn buốt như sau:

  • Chuẩn bị khoảng 30 - 60 gram đơn buốt.
  • Giã nát phần đơn buốt này rồi vắt và lọc nước cốt, sau đó chia phần nước cốt thành 3 đến 4 lần uống. Để dễ uống hơn, bạn có thể thêm muối hoặc mật ong. Lưu ý rằng chỉ nên dùng bài thuốc này 1 thang mỗi ngày.

Hoa đơn buốt được dùng trong một số bài thuốc y học cổ truyền trị bệnh
Hoa đơn buốt được dùng trong một số bài thuốc y học cổ truyền trị bệnh

3.4. Chữa đau nửa đầu bằng đơn buốt

Ở bài thuốc này, bạn có thể chuẩn bị khoảng 30 gram đơn buốt và 3 quả đại táo, sau đó sắc các vị thuốc này với nước trong 30 phút, chú ý để lửa nhỏ để tinh chất từ dược liệu có thời gian thẩm thấu vào phần nước. Sau khi sôi, chia phần nước thuốc thành nhiều lần uống. Tổng lượng thuốc sắc được tính là 1 thang thuốc, và bạn chỉ nên dùng 1 thang trong 1 ngày.

3.4. Bài thuốc đơn buốt trị đau lưng

Với bài thuốc này, nguyên liệu cần chuẩn bị là 150 - 180gr đơn buốt và 250 quả đại táo, ít rượu trắng, ít đường đỏ.

Đầu tiên, bạn hãy sắc đơn lẻ đơn buốt với nước, sau đó loại bỏ phần bã thuốc. Ở lần tiếp theo, bạn hãy thêm đại táo, đường đỏ và rượu trắng, tiếp tục đun thuốc trên lửa nhỏ đến khi phần đại táo chín nhừ.

Phần nước thuốc đơn buốt sau khi sắc được nên chia thành 4 đến 5 lần uống và dùng trong 2 ngày. Trước khi uống, nên hâm lại thuốc, dùng khi thuốc còn ấm là cách giúp thuốc phát huy tốt hiệu quả nhất.

Có thể nói, với các hoạt chất đa dạng, cây đơn buốt đem lại khả năng trị bệnh phong phú và hiệu quả đối với nhiều tình trạng sức khỏe. Chính vì vậy, đây cũng là một vị thuốc được ưa chuộng ngày nay. Tuy nhiên, trước khi sử dụng dược liệu với bất cứ mục đích nào, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe