Khi tham gia rất nhiều môn thể thao, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi được các chấn thương do những hoạt động này gây ra. Trong đó đứt và chấn thương dây chằng cổ chân gặp khá phổ biến. Việc nhận biết và xử trí khi bị chấn thương dây chằng cổ chân sẽ giúp người bệnh điều trị nhẹ nhàng và thời gian hồi phục nhanh hơn, tránh để lại các biến chứng không mong muốn.
1. Dây chằng cổ chân gồm những gì?
Cổ chân được cầu tạo từ nhiều xương nhỏ, các thành phần này hợp nhất với nhau bởi hệ thống dây chằng có vai trò trong việc cố định và hỗ trợ vận động của cổ chân. Các dây chằng cổ chân quan trọng nhất là:
- Dây chằng delta (dây chằng chắc và khỏe phía trong cổ chân)
- Dây chằng sên-mác trước và sau (các thành phần của dây chằng bên ngoài)
- Dây chằng gót-mác (thành phần của dây chằng bên ngoài)
2. Các hoạt động thể thao nào thường gây tổn thương dây chằng cổ chân?
Các hoạt động thể thao nào thường gây tổn thương dây chằng cổ chân bao gồm:
- Vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá do tập luyện nhiều hay có xu hướng cử động cổ chân nhiều, dùng lực mạnh (bóng đá), nhảy lên khi thi đấu (bóng chuyền, bóng rổ).
- Các môn đòi hỏi sức bền như điền kinh, chạy bộ, leo núi do cường độ và thời gian hoạt động khớp cổ chân nhiều.
- Sử dụng giày, dép không phù hợp khi thi đấu thể thao.
- Không khởi động kĩ hoặc vận động quá mạnh trước khi chơi thể thao.
- Những người đã từng bị chấn thương cổ chân có nguy cơ dễ bị chấn thương lại hơn là những người chưa bao giờ bị chấn thương.
- Bắt đầu tham gia một môn thể thao mới vào lần tập luyện, thi đấu đầu tiên.
- Môi trường xung quanh không thuận lợi như ẩm ướt, trơn trượt khiến bạn có nguy cơ bị dễ chấn thương hơn khi chạy, di chuyển.
3. Cơ chế đứt và chấn thương các dây chằng cổ chân
Trong các hoạt động thể thao dùng lực nhiều vào chân, di chuyển nhiều như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, ... thì cổ chân dễ bị tác động và làm bàn chân lật ra ngoài hay vào trong, đây là 2 cơ chế chính làm đứt và chấn thương dây chằng cổ chân.
Lật ngoài cổ chân (xoay bàn chân ra bên ngoài) tác động lực mạnh vào khớp bên trong, đây là loại thường gặp nhất. Lực này thường gây ra gãy mắt cá trong hơn là đứt dây chằng vì phía trong có một dây chằng vô cùng chắc và khỏe nâng đỡ - dây chằng delta. Tuy nhiên, xoay ngoài cũng có thể gây đứt dây chằng. Lật ngoài cổ chân cũng tạo lực lên các khớp ngoài do lực nén kết hợp với động tác gấp cổ chân làm gãy đầu xa xương mác hoặc rách dây chằng chày mác dưới. Đứt dây chằng tái diễn có thể dẫn đến mất vững khớp cổ chân do đó gây ra thêm tổn thương khác. Hầu hết đứt dây chằng cổ chân đều ở mức độ nhẹ (Độ 1 hoặc 2).
Lật trong cổ chân (quay bàn chân vào trong) làm đứt dây chằng bên ngoài, thường đứt đầu tiên ở dây chằng sên-mác trước. Hầu hết các tổn thương dây chằng là do lật ngoài cổ chân còn loại này thì ít gặp hơn tuy nhiên tình trạng tổn thương dây chằng thì nặng nề hơn. Đứt dây chằng độ 2 và độ 3 đôi khi gây khớp mất vững mạn tính và có xu hướng làm nặng thêm tình trạng tổn thương. Lật trong bàn chân cũng có thể gây ra vỡ vòm xương sên, có hoặc không có tổn thương dây chằng cổ chân kèm theo.
4. Đứt và tổn thương dây chằng cổ chân có mấy độ?
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng, giãn và đứt dây chằng cổ chân được phân thành 3 cấp độ, cụ thể như sau:
- Cấp độ 1: Dây chằng cổ chân bị giãn nhưng không bị rách. Tổn thương có thể giảm nhẹ sau vài ngày và lành hẳn trong vòng 2 tuần. Chân có thể cử động bình thường sau khi tổn thương giảm.
- Cấp độ 2: Dây chằng tổn thương và bị rách một phần, khớp lỏng lẻo, khó đứng dậy và có bất thường khi di chuyển mắt cá chân. Bệnh nhân mất từ 6 đến 8 tuần để phục hồi.
- Cấp độ 3: Dây chằng cổ chân bị rách hoàn toàn, bệnh nhân không thể đứng hoặc di chuyển chân tổn thương, đau nhức nghiêm trọng và kéo dài, khớp sưng to. Thông thường bệnh nhân cần mất từ 3 đến 6 tháng để điều trị tích cực và phục hồi khả năng vận động.
5. Triệu chứng thường gặp khi chấn thương và đứt dây chằng cổ chân
Các triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi chấn thương vùng cổ chân hoặc xuất hiện muộn sau vài giờ hoặc vài ngày tùy theo mức độ của chấn thương và vị trí chấn thương. Cơ chế chấn thương sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp suy luận được dây chằng bị đứt. Một vài biểu hiện của đứt dây chằng cổ chân là:
- Chân bên tổn thương của bệnh nhân sẽ đau. Đau dây chằng cổ chân gây hạn chế vận động. Tuy nhiên cảm giác đau của bệnh nhân là đau tại vị trí của dây chằng chứ không phải đau trên xương. Đau nhiều hơn khi cố gắng đứng dậy và đi lại. Đau giảm nhẹ khi giảm áp lực lên khớp cổ chân và nằm nghỉ.
- Sưng thường gặp ở vị trí dây chằng bị tổn thương do đó có thể dựa vào vị trí sưng đau để suy luận ra vùng tổn thương. Sưng có kèm theo nóng vùng tổn thương và đôi khi thấy bầm tím.
- Chân bên tổn thương dường như bị khó khăn trong cử động, phạm vi vận động bị hạn chế nhiều.
- Cảm giác khớp dường như lỏng lẻo hơn, đứt hay rách bên trong, khó khăn trong việc đứng lên và đi lại.
- Xuất hiện tiếng kêu nếu dây chằng bị đứt.
- Yếu cơ.
- Tê buốt có thể xuất hiện.
6. Xử trí nhanh trong đứt, chấn thương dây chằng cổ chân
Ngay sau khi chấn thương cần nhận biết sớm các biểu hiện của đứt dây chằng cổ chân, loại trừ gãy xương. Điều quan trọng hơn là cần có các cách xử trí phù hợp để hạn chế tăng độ chấn thương dây chằng, giúp điều trị nhẹ nhàng và thời gian hồi phục nhanh hơn, tránh để lại các biến chứng không mong muốn:
- Ngay khi chấn thương thì cần ngưng vận động ngay lập tức, tránh tác động lực gây ra các di lệch và kéo giãn không mong muốn.
- Nếu đau sau chấn thương hãy chườm lạnh vào vùng đau để làm tê tạm thời giúp giảm đau, vừa giúp ngăn ngừa phù nề. Có thể sử dụng các bình xịt giảm đau trong thể thao, tuyệt đối không được chường nóng vì sẽ làm sung nề to hơn.
- Tiếp theo sử dụng băng thun thực hiện băng ép dây chằng khớp cổ chân. Nên thực hiện căng nhẹ băng thun không nên chặt quá mà cũng không được lỏng quá. Điều này tránh những sự di lệch không mong muốn.
- Nằm kê chân cao giúp sự lưu thông máu tĩnh mạch dễ dàng hơn. Chú ý không nên kê quá cao, thường khoảng 10-20 cm là vừa. Cao quá sẽ làm tê chân do giảm lượng máu động mạch xuống bàn chân.
- Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện hoặc phòng khám để kiểm tra cổ chân cũng như chụp phim X-quang đánh giá tổn thương. Cần đến các chuyên khoa xương khớp uy tín tại các bệnh viện lớn để tránh biến chứng và điều trị kéo dài.
Trong thời gian điều trị cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng với những thực phẩm giàu protein giúp thúc đẩy quá trình hồi phục dây chằng, chất kẽm, đồng, canxi,... để tăng cường sức khỏe xương khớp và dây chằng cổ chân được phục hồi nhanh hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.