Chơi thể thao là một trong những hoạt động có thể mang lại nguy cơ chấn thương. Trong đó, đứt dây chằng thường xảy ra trong bất kỳ môn thể thao cường độ cao nào đòi hỏi phải chạy và xoay người. Dấu hiệu đứt dây chằng phổ biến nhất là ở đầu gối và mắt cá chân nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cổ tay, ngón tay cái, vai, cổ và lưng.
1. Đứt dây chằng là gì?
Dây chằng là những sợi dây mô sợi dẻo dai, giúp kết nối các xương với nhau và hỗ trợ khớp. Mặc dù dây chằng cực kỳ bền chắc nhưng một cú căng hoặc vặn xoắn thân mình có thể gây ra chấn thương do căng thẳng. Với đủ lực nhất định, đứt dây chằng có thể xảy ra – đây là dạng chấn thương dây chằng nghiêm trọng nhất.
Các dấu hiệu đứt dây chằng thường bị nhầm lẫn với bong gân. Thực tế là chấn thương bong gân và đứt dây chằng có các triệu chứng rất giống nhau nhưng bong gân chỉ chung là chấn thương đối với các thành phần khác nhau của mô trong khớp.
2. Các loại đứt dây chằng thường gặp nhất là gì?
Trật mắt cá
Là một trong những loại chấn thương thể thao phổ biến nhất, bong gân mắt cá chân hay đứt dây chằng cổ chân là vết rách nhỏ hoặc rách hoàn toàn đối với các dây chằng ở mặt ngoài của mắt cá chân.
Đứt dây chằng khớp gối
Có bốn dây chằng giữ các xương của đầu gối lại với nhau, đó là dây chằng chéo trước, dây chằng trung gian, dây chằng bên và dây chằng Cruciate sau (PCL).
Trong đó, dứt dây chằng chéo trước là dấu hiệu đứt dây chằng khớp gối thường gặp nhất ở vận động viên chơi môn bóng đá và bóng rổ. Mức độ nghiêm trọng có thể từ bong gân nhẹ đến rách toàn bộ (các) dây chằng. Lúc này, người bệnh thường phải phẫu thuật.
Ngược lại, khi bị rách dây chằng bên trong hoặc bên ngoài đầu gối, thường là kết quả của một chấn thương xảy ra trong khi tham gia một hoạt động gây căng thẳng đầu gối, chẳng hạn như trượt tuyết, hầu hết các trường hợp sẽ phục hồi mà không cần phẫu thuật.
Đứt dây chằng khuỷu tay
Dây chằng xương trụ là vị trí chấn thương phổ biến nhất ở khuỷu tay. Các chấn thương tại đây thường xảy ra nhất trong môn bóng chày do ném bóng quá mức và có thể là chấn thương cấp tính hoặc mãn tính. Bên cạnh đó, đứt dây chằng khuỷu tay cũng có thể xảy ra khi té ngã hoặc chơi các môn thể thao như đấu vật.
Đứt dây chằng vai
Dây chằng vai thường bị thương nhất trong trật khớp cùng vai. Đây thường là những chấn thương mạnh và thường xuyên phải đến phòng cấp cứu để nắn khớp (đưa khớp trở lại vị trí ban đầu).
Đứt dây chằng ngón tay cái
Chấn thương dây chằng ngón tay cái phổ biến nhất ở người chơi game. Vị trí rách dây chằng ở các đối tượng này giữa gốc ngón cái và xương cổ tay.
Bên cạnh đó, đứt dây chằng ngón tay cái cũng thường xảy ra khi bị ngã lúc đang cầm vật gì đó trên tay, chẳng hạn như gậy trượt tuyết hoặc ghi đông của xe đạp thể thao.
3. Các dấu hiệu đứt dây chằng là gì?
Các triệu chứng đứt dây chằng sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương dây chằng, nhưng thường gặp là:
- Đau tại khu vực chấn thương, thường đột ngột và dữ dội
- Nghe thấy tiếng nổ hoặc tiếng tách lớn tại thời điểm bị thương
- Sưng tấy vùng bị thương
- Xuất hiện tình trạng lỏng lẻo của khớp
- Không có khả năng di chuyển hoặc đặt trọng lực lên khớp mà không bị đau. Ví dụ như dấu hiệu đứt dây chằng gối sẽ khiến người bệnh khó đi lại và đứng vững như bình thường.
- Co thắt ở các cơ xung quanh chấn thương.
Trong phần lớn các trường hợp, triệu chứng đứt dây chằng có thể khiến người bệnh rất đau đớn, tương tự như gãy xương và nên được đánh giá, xử trí tại hiện trường một cách nhanh chóng.
4. Đứt dây chằng được điều trị như thế nào?
Chấn thương dây chằng nhẹ có thể được điều trị bằng phương pháp điều trị không phẫu thuật như phương pháp R.I.C.E. (Rest, Ice, Compression, Elevation - Nghỉ ngơi, Chườm đá, Băng nén và Nâng cao) và dùng thuốc chống viêm không kê đơn. Đôi khi cần đeo nẹp hoặc dùng nạng để tạo sự thoải mái cho khớp và bảo vệ khớp. Song song đó, bác sĩ cũng có thể đề nghị các bài tập vật lý trị liệu như một phần trong kế hoạch điều trị tại thời điểm thích hợp.
Đối với những trường hợp đứt dây chằng do căng thẳng hoặc bị rách dây chằng, người bệnh có thể phải thực hiện phẫu thuật để sửa chữa dây chằng. Phẫu thuật dây chằng có thể bao gồm sửa chữa hoặc thay thế dây chằng. Đôi khi cần ghép gân để giữ khớp bị thương lại với nhau. Đoạn gân được sử dụng có thể đến từ chính bản thân người bị thương, được gọi là ghép tự thân, hoặc có thể đến từ một cơ quan hiến tặng, được gọi là một mảnh ghép ngoại lai.
Sau phẫu thuật sửa chữa, các bài tập vật lý trị liệu nhằm mau chóng phục hồi chức năng hầu như luôn được khuyến khích.
Thời gian phục hồi sau đứt dây chằng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương nhưng thường sẽ mất từ 2-8 tuần. Tuy nhiên, việc phục hồi chức năng và trở lại đầy đủ chức năng sau khi phẫu thuật sửa chữa dây chằng bị rách có thể mất từ sáu đến chín tháng.
5. Làm thế nào có thể ngăn ngừa chấn thương dây chằng khi chơi thể thao?
Không vận động viên nào muốn phải ngồi ngoài cuộc vì chấn thương dây chằng. Một vết rách ở dây chằng có thể đồng nghĩa với việc kết thúc một mùa giải hoặc sự nghiệp. May mắn thay, có một số cách đơn giản để ngăn ngừa hoặc giảm khả năng chấn thương.
- Khởi động trước khi luyện tập
Điều này có nghĩa là cần phải gập duỗi và khởi động trước khi tập luyện và thi đấu. Nó cũng bao gồm việc không bao giờ thi đấu khi bị chấn thương hay đứt dây chằng. Ngay cả những tổn thương nhỏ đối với dây chằng cũng có thể nhanh chóng trở nên trầm trọng hơn khi bị căng thẳng thêm.
- Tăng cường sức khỏe dây chằng
Tất cả các vận động viên nên tuân theo thói quen dinh dưỡng và hydrat hóa lành mạnh để giúp tăng cường các khớp và dây chằng hỗ trợ chúng. Rau, protein nạc, các loại hạt và các loại đậu sẽ giúp ngăn ngừa chấn thương dây chằng.
- Huấn luyện sức mạnh và sự nhanh nhẹn
Sức khỏe của dây chằng phụ thuộc nhiều vào sức mạnh và sự linh hoạt của các nhóm cơ xung quanh. Tập luyện đúng phương pháp để cải thiện sự cân bằng, nhanh nhẹn, linh hoạt và sức mạnh cốt lõi sẽ giúp tránh phải thực hiện các chuyển động bù đắp có thể dẫn đến chấn thương.
Tóm lại, tình trạng đứt dây chằng có thể xảy ra do sử dụng quá mức hoặc do lực, chẳng hạn như va chạm hoặc ngã, gây tổn thương dây chằng. Khi đó, người bệnh sẽ có các dấu hiệu đứt dây chằng phổ biến như đau, sưng viêm và co thắt cơ. Lúc này, thao tác bảo tồn tại chỗ rất quan trọng, vừa làm giảm mức độ tổn thương tiến triển đòi hỏi cần can thiệp phẫu thuật, giúp duy trì chức năng khớp sau chấn thương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.