Dùng thuốc nhỏ mắt đau mắt hột như thế nào?

Bệnh đau mắt hột là tình trạng viêm kết mạc - giác mạc mãn tính do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra. Đặc điểm của bệnh là hình thành những hột và tổn thương sẹo ở mắt, khiến người bệnh cảm thấy cộm mắt rất khó chịu, làm giảm thị lực đi nhiều. Do đó, việc dùng thuốc nhỏ mắt đau mắt hột giúp điều trị các triệu chứng của bệnh.

1. Nguyên nhân và những triệu chứng của bệnh đau mắt hột

Những triệu chứng phổ biến của bệnh đau mắt hột:

  • Triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt hột thường gặp nhất là cộm vướng như có bụi trong mắt, nhất là khi về chiều sẽ mỏi mắt hoặc ngứa mắt khiến người bệnh rất khó chịu. Nhiều trường hợp bệnh nhẹ có thể áp dụng điều trị tại nhà là có thể khỏi.
  • Nếu tình trạng đau mắt hột kéo dài và nặng nề, khó chịu hơn thì bệnh có thể trở nên nguy hiểm như hình thành sẹo, lông mi quặm ngược gây đau và tổn thương nặng nề cho giác mạc.

Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đau mắt hột bao gồm:

  • Điều kiện sống thấp là nơi dễ phát sinh và cho phép các vi khuẩn gây bệnh sinh sống và phát triển.
  • Điều kiện không gian sống chật hẹp.
  • Vệ sinh tay, chân và đặc biệt ở mắt kém dễ lây lan hơn.
  • Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh đau mắt hột hơn vì vệ sinh thân thể còn kém.
  • Nhà vệ sinh không đảm bảo, nhà có nhiều ruồi muỗi côn trùng dễ lây lan và bùng phát thành dịch.

2. Đau mắt hột nhỏ thuốc gì?

Điều trị đau mắt hột sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Thông thường nếu bệnh nhẹ và phát hiện sớm có thể chữa tại nhà bằng việc sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt hột để vệ sinh mắt sạch sẽ hoặc dùng thuốc kháng sinh đặc trị giúp đẩy lùi vi khuẩn. Tuy nhiên trong điều trị các bác sĩ thường sử dụng thuốc tra chứ không dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt hột.

  • Thuốc thường được sử dụng điều trị đau mắt hột là thuốc mỡ Tetracyclin 1% hoặc Erythromycin, sử dụng 8 giờ 1 lần tra và kéo dài khoảng 6 tuần kết hợp rửa mặt bằng nước và xà phòng. Kèm theo có thể uống một trong các thuốc sau: Erythromycin, Tetracyclin, Doxycyclin... trong 3 - 4 tuần.
  • Việc dùng thuốc nhỏ mắt (đối với thuốc nước), hay tra mắt (đối với thuốc mỡ) phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Trường hợp bệnh đau mắt hột có biến chứng hình thành sẹo, mọc lông quặm, sẹo giác mạc,... ở giai đoạn 3,4,5 rồi thì cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa mắt để tìm cách chữa đau mắt hột phù hợp với tình trạng bệnh, tránh để bệnh lâu không can thiệp dễ bị mù lòa.

Một số phương pháp chữa đau mắt hột khi bệnh biến chứng như:

  • Phương pháp đốt lông xiêu giúp cắt đứt các sợi lông mi mọc ngược khi mí mắt bị quặm vào trong.
  • Phẫu thuật mắt khi mí mắt bị quặm vào trong gây mất tự tin và thiếu thẩm mỹ. Phương pháp này giúp cải thiện mí mắt trở lại bình thường.
  • Phương pháp ghép giác mạc được sử dụng khi giác mạc người bệnh đã bị tổn thương sâu, có khả năng bị mù lòa.

Bệnh đau mắt hột không thể trong một thời gian ngắn có thể chữa khỏi hoàn toàn, do cơ thể không đủ miễn dịch với vi khuẩn gây đau mắt hột nên có thể tái phát lại. Để có thể chữa trị triệt để, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc tra mắt kháng sinh trong một thời gian dài theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

3. Phòng ngừa bệnh đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột có khả năng tái nhiễm lại nếu người bệnh không biết cách bảo vệ mắt đúng cách. Để có thể phòng tránh bệnh, bảo vệ sự an toàn của mình và người khác, việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cộng đồng được ưu tiên hàng đầu:

  • Cải thiện vệ sinh môi trường sống: Sử dụng nước sạch, xây nhà vệ sinh tiêu chuẩn, diệt ruồi muỗi. Xây dựng chuồng gia súc, gia cầm xa nơi sinh sống và chôn rác thải đúng nơi quy định.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng việc rửa mặt với nước sạch, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân (khăn mặt, chậu rửa,...) với người khác.
  • Xử lý đúng cách chất thải con người và động vật. Nếu trong gia đình có người mắc đau mắt hột thì cần điều trị tại cơ sở y tế có uy tín hoặc đến bệnh viện mắt để điều trị.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào ở mắt hãy nhớ đến khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt hột nếu không có chỉ định nào từ bác sĩ để tránh tiền mất tật mang.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe