Trong quá trình đi lại hàng ngày, các chấn thương phần mềm do tai nạn giao thông và ngã xe thực sự rất khó tránh khỏi. Các chấn thương này có thể gây tổn thương cơ, dây chằng, gân,... dẫn đến trình trạng phù nề, chảy máu hoặc làm giảm chức năng hoạt động của các chi. Vậy phải xử lý vết thương như thế nào và dùng thuốc giảm đau gì là hiệu quả?
1. Những sai lầm thường mắc phải khi xử lý vết thương
Trong trường hợp nhẹ, bạn có thể đến làm theo hướng dẫn chăm sóc vết thương tại nhà. Nhưng trong trường hợp ngã xe nặng, bạn cần đến bệnh viện để được điều trị và theo dõi. Nếu các chấn thương không quá nguy hiểm và được bạn xử lý kịp thời, đúng cách sẽ giúp giảm đau nhức, hồi phục một cách nhanh chóng. Ngược lại, nếu điều trị không đúng cách vết thương không những không hồi phục mà có thể gây nhiễm trùng, lở loét trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến các vận động của bạn.
Các tổ chức tế bào sẽ bị vỡ ra sau khi gặp chấn thương làm phá vỡ sự liên kết của các mô. Từ đó, phản ứng viêm được diễn ra nhằm xử lý, cô lập và giúp tái tạo vùng bị tổn thương. Nhưng khi phản ứng quá mức, nó có thể dẫn đến nhiều biến loạn cho cơ thể gây phù nề và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tổn thương. Một số trường hợp đau nhức dữ dội xảy ra là do phản ứng viêm diễn ra quá mức.
Chúng ta thường có thói quen sử dụng dầu nóng bôi lên vết thương để giảm đau nhưng nó cũng có thể làm cho vết thương bị sưng to hơn, nhiễm trùng. Dùng oxy già hoặc cồn để rửa, rắc muối kháng sinh, đắp thuốc lá trực tiếp vào vết thương có thể để lại sẹo xấu. Bên cạnh đó, khi sử dụng túi chườm, người bệnh thường không biết phân biệt và sử dụng đúng phương pháp giữa chườm nóng hay chườm lạnh. Một số phương pháp truyền thống như sử dụng mật gấu hay dầu nóng không có tác dụng giảm sưng, giảm đau mà nó còn có thể làm cho da bị phỏng, sưng hơn, phù nề nhiều hơn.
Thông thương, chúng ta hay có thói quen sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm không qua tư vấn kỹ càng khi điều trị các chấn thương phần mềm. Tuy nhiên, bên cạnh công dụng làm giảm đau, một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ. Vì thế, bạn cần tìm hiểu thật kỹ trước khi sử dụng thuốc để tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn đặc biệt là với những ai đã có bệnh nền.
2. Xử lý chấn thương phần mềm sau khi bị ngã xe
Đầu tiên, cần thực hiện các bước sơ cứu và kiểm soát phản ứng viêm. Việc này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi sau chấn thương. Ngay sau khi gặp phải chấn thương, để giảm tổn thương mô bạn cần cố định vết thương lại, nghỉ ngơi, tạm ngừng vận động một thời gian. Bên cạnh đó, nên băng ép đúng cách và để bộ phận bị thương được gối cao để giảm phù nề. Theo dõi tình trạng trong khoảng 3 ngày đầu, nếu vết thương không được cải thiện, bạn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn kịp thời.
Vậy nên chườm nóng và chườm lạnh khi nào? Khi vết thương đang trong giai đoạn cầm máu từ 3 đến 5 ngày sau khi bị ngã xe, để cho mạch máu được co lại và cô lập vùng chấn thương, bạn có thể sử dụng phương pháp chườm lạnh. Phương pháp này còn có thể giúp giảm sưng vết thương. Tiếp theo đó là giai đoạn phục hồi và tái tạo mô, lúc này mới tiến hành phương pháp chườm nóng nhằm giãn mạch, tăng cường dòng máu di chuyển đến phục hồi vết thương.
Để xử lý vùng bị dơ ở vết thương, bạn có thể áp dụng các bước sau:
- Sử dụng nước sinh hoạt để chảy vào vết thương, nó có thể hơi rát ban đầu nhưng sẽ làm sạch vết thương tạm thời.
- Rửa lại vết thương đó bằng cách dùng nước muối sinh lý hoặc có thể kết hợp với Povidine đã pha loãng.
- Bôi kem Silvirin, bôi dầu mù u, hoặc loại kem có kháng sinh như Tetra, Fucidin,...
- Dùng gạt vô trùng đắp lên vết thương, sau đó cố định bằng cách dán băng keo nhưng lưu ý rằng không băng bó vết thương quá kỹ. Từ đó, lớp băng bó sẽ tạo một lớp ẩm trên bề mặt da bị xây xát, giúp tránh va chạm trực tiếp vào vết thương, giảm đau, tạo độ mềm mại giúp không đóng mày khô, mau lành và hạn chế các thẹo xấu.
Nên thay băng mỗi ngày, khi tháo băng gạc thường sẽ gây dính tạo cảm giác đau cho người bị thương. Vì thế, có thể dùng nước muối đổ lên vết thương trước khi thay băng, điều đó sẽ giúp hạn chế dính khi tháo gạc. Trong trường hợp vết thương không hết tấy đỏ và sưng lâu ngày, bạn có thể đến khám bác sĩ để được kê thuốc giảm đau giảm sưng.
3. Thuốc giảm đau khi bị ngã xe
Bạn có thể bôi thuốc giảm đau vết thương hở như Healit. Thuốc này là một loại thuốc bôi dưới dạng mỡ, dùng để đặc trị cho vết thương hở. Healit chứa Polymyxin B Sulphate 5000 đơn vị, Bacitracin 500 đơn vị, Lidocaine 40mg,... Những thành phần này có công dụng kháng sinh và chống viêm hiệu quả. Helit giúp ngăn ngừa vết thương bị nhiễm khuẩn, mau lành. Bên cạnh đó, Lidocain có trong thuốc giảm đau rất hiệu quả.
Mỗi ngày bôi thuốc từ 1-3 lần, bạn sẽ thấy vết thương nhanh chóng khô lại và đóng vảy.
Trong trường hợp bạn bị đau nhiều, bạn có thể uống thuốc một số loại thuốc giảm đau thông thường như Panadol, Paracetamol, Ultracet,... với liều lượng vừa đủ, an toàn.
Trên đây là một số thông tin nhằm giúp bạn cải thiện trình trạng đau sau khi bị ngã xe. Thông tin được áp dụng cho các bệnh nhân bị chấn thương phần mềm. Nếu bạn gặp những triệu chứng nặng hơn, cần đến nơi khám bệnh gần nhất để được kiểm tra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.