Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Dung dịch đẳng trương là tên gọi của 2 loại dung dịch có cùng áp suất thẩm thấu giữa hai bên của một màng bán thấm. Trong Y khoa, màng bán thấm được chọn là màng tế bào hồng cầu và so sánh áp suất thẩm thấu đối với huyết tương. Dung dịch đẳng trương là loại dịch truyền rất thường được sử dụng nhằm hồi phục nhanh thể tích tuần hoàn của cơ thể.
1. Dịch đẳng trương là gì?
Dung dịch đẳng trương là tên gọi của một loại dung dịch so với dung dịch đối chứng còn lại có cùng áp suất thẩm thấu, hoặc nồng độ chất tan, giữa hai bên của một màng bán thấm. Trạng thái này cho phép có sự chuyển động tự do của các phân tử nước trên màng mà không làm thay đổi nồng độ các chất hòa tan ở môi trường hai bên màng mặc dù nước đang di chuyển trên cả hai chiều.
Trong sinh học, một số tế bào sống phải được duy trì trong môi trường hằng định là dung dịch đẳng trương để tạo điều kiện thuận lợi cho các chức năng của tế bào. Lúc này, thành tế bào mới ổn định, vừa duy trì hình dạng cấu trúc, bảo vệ các bào quan bên trong và vừa đóng vai trò là màng bán thấm, giúp tế bào trao đổi nước với môi trường bên ngoài.
Dựa trên nguyên lý này, huyết tương bao quanh các tế bào máu là một dung dịch đẳng trương lý tưởng, cho phép các tế bào di chuyển các phân tử nước và chất dinh dưỡng vào và ra khỏi tế bào. Đây là điều kiện cần thiết cho các tế bào máu để thực hiện chức năng cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho các bộ phận khác trên khắp cơ thể. Nếu các tế bào ở trong môi trường của dung dịch ưu trương, nước từ bên trong tế bào sẽ bị thất thoát ra ngoài, tế bào bị teo nhỏ, suy kiệt. Ngược lại, nếu các tế bào ở trong môi trường của dung dịch nhược trương, nước từ bên ngoài tế bào sẽ ồ ạt đi vào bên trong, tế bào bị trương phình và vỡ ra.
Trong y khoa, khi cơ thể bị mất một lượng dịch lớn, do bất cứ nguyên nhân gì, loại dung dịch được lựa chọn đầu tiên để hồi sức là dung dịch đẳng trương so với máu. Dịch có thể được nhanh chóng đưa vào cơ thể thông qua đường tiêm truyền tĩnh mạch, vừa hồi phục được thể tích tuần hoàn hiệu quả và vừa tái lập môi trường tương đối cân bằng huyết tương mà không làm tổn thương thành tế bào.
2. Những lưu ý khi truyền dịch đẳng trương
Trước khi bắt đầu truyền dịch, cần ghi nhận các dấu hiệu sinh tồn cơ bản, mức độ phù nề hay ứ dịch ở ngoại biên, tiếng âm thổi tại tim, rales phổi và tiếp tục theo dõi trong, sau khi truyền.
Theo dõi các dấu hiệu của giảm thể tích, bao gồm lượng nước tiểu <0,5 ml/kg cân nặng cơ thể/giờ, da niêm khô, nhịp tim nhanh, mạch sờ yếu và hạ huyết áp nhằm quyết định thể tích dịch cần bù và tốc độ truyền.
Theo dõi các dấu hiệu của quá tải dịch như tăng huyết áp, tĩnh mạch cổ nổi, rales phổi, bệnh nhân khó thở, phù ngoại biên nhằm nhanh chóng ngưng truyền dịch và tăng đào thải, cân bằng thể tích xuất – nhập.
Luôn sẵn sàng các phương tiện ứng cứu khi có khả năng xảy ra phản vệ, sốc phản vệ với bất kỳ thành phần nào trong quá trình truyền dịch.
3. Các loại dịch truyền đẳng trương và chỉ định sử dụng
3.1 NaCl 0,9%
Dung dịch này là sự lựa chọn đầu tiên khi cần hồi sức dịch cho người bệnh với chỉ định trong các trường hợp sau:
- Được sử dụng để thay thế thể tích tuần hoàn bị mất đi do xuất huyết, nôn ói nghiêm trọng hoặc tiêu chảy, hút lượng lớn dịch dạ dày hay dịch từ các lỗ rò hoặc vết thương.
- Dùng để điều trị sốc, hạ natri máu nhẹ, nhiễm toan chuyển hóa, tăng calci máu.
Khi cần truyền một thể tích lớn, cần thận trọng ở bệnh nhân có tiền căn bệnh tim hoặc bệnh thận vì có thể gây quá tải thể tích chất lỏng cũng như theo dõi tình trạng tăng natri máu khi truyền với thể tích NaCl 0,9% lớn. Điều kiện lý tưởng nhất là nên dùng chung với máu và các chế phẩm từ máu nhằm mục đích hồi phục nhanh thể tích tuần hoàn trong các tình huống sốc mất máu.
3.2 Lactate Ringer
Áp suất thẩm thấu của dung dịch Lactate Ringer là 273 mOsm/L. So với NaCl 0,9%, dung dịch này có thành phần các chất hòa toàn nồng độ thấp hơn, như Na+ 130 mEq/L và Cl- 109 mEq / L, đồng thời còn có thêm các chất điện giải khác như K+ 4 mEq/L, Ca++ 3 mEq/L nên có thể giúp cân bằng nội môi tốt hơn.
Chính vì vậy, ưu điểm này được áp dụng để chọn làm hồi sức truyền dịch đầu tiên cho bệnh nhân bỏng và chấn thương. Ngoài ra, Lactate Ringer cũng được sử dụng để điều trị mất máu cấp hoặc hạ kali máu do thoát vào khoang thứ ba và có các chỉ định khác tương tự dung dịch muối sinh lý như mất dịch qua lỗ rò, mất điện giải kèm mất nước và nhiễm toan chuyển hóa.
Vì trong Lactate Ringer có thành phần lactate nên dung dịch này gặp phải chống chỉ định ở những bệnh nhân không thể chuyển hóa lactate, tức trong các bệnh cảnh tổn thương gan, hoặc gặp nhiễm axit lactic. Tương tự như vậy, dung dịch cũng không được chỉ định dùng nếu pH máu từ trên 7.5 do chức năng gan bình thường sẽ chuyển đổi Lactate Ringer sang bicarbonate nên sẽ gây kiềm nặng hơn. Ngoài ra, vì Lactate Ringer có chứa một ít kali nên cần thận trọng ở bệnh nhân suy thận vì có thể gây tăng kali máu.
3.3 Dextrose 5%
Áp suất thẩm thấu của dung dịch đường đẳng trương Dextrose 5% là 253 mOsm/L với thành phần chất hòa tan là có 5 g dextrose/100mL dung dịch hay 50 g dextrose/L dung dịch.
Điểm khác biệt của Dextrose 5% so với hai loại dung dịch đẳng trương nêu trên là có chứa năng lượng với 170 calo/L dung dịch. Do đó, khi truyền vào cơ thể, dung dịch có bản chất là đẳng trương nhưng một khi tế bào đã sử dụng dextrose tạo năng lượng thì dung dịch trở nên nhược trương, đóng vai trò cung cấp một thể tích nước đơn thuần.
Như vậy, Dextrose 5% chỉ được sử dụng với mục tiêu cung cấp lượng nước lớn cho thận nhằm hỗ trợ bài tiết tại các ống thận. Đồng thời, dựa trên khả năng có thể giảm tính thẩm thấu, Dextrose 5% còn có thể được sử dụng để điều trị tăng natri máu.
Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng cần được áp dụng thận trọng, không nên sử dụng đơn độc Dextrose 5% lượng lớn để điều trị hồi sức thể tích vì nó có thể làm pha loãng nồng độ điện giải trong huyết tương trầm trọng. Ngoài ra, Dextrose 5% là chống chỉ định trong giai đoạn hậu phẫu sớm và trên các bệnh nhân đã biết hoặc nghi ngờ có hội chứng tăng áp lực nội sọ. Mặt khác, dù Dextrose 5% có thể cung cấp một số calo, đây không đủ để thay thế dinh dưỡng để kéo dài cho người bệnh.
3.4 Các dung dịch đẳng trương khác
- Ringer
Tương tự như Lactate Ringer, dung dịch này không chứa Lactate nên có thể sử dụng cho các bệnh nhân gặp phải chống chỉ định khi dùng lactate.
- Huyết tương
Huyết tương là một chế phẩm của máu, được xem như là một dung dịch đẳng trương lý tưởng với các thành phần hòa tan tương đồng sinh lý. Tuy nhiên, vì không thể sản xuất nhân tạo, chỉ định chủ yếu của huyết tương là điều chỉnh rối loạn đông máu thay vì hồi sức thể tích tuần hoàn.
Tóm lại, dung dịch đẳng trương là dung dịch sử dụng đầu tay trong các tình huống cần hồi sức dịch nhanh, khôi phục thể tích tuần hoàn. Tuy nhiên, vì có nhiều loại dịch khác nhau, chỉ định sử dụng riêng biệt cho từng trường hợp. Hơn nữa, việc bù dịch với tốc độ nhanh và thể tích lớn cần thận trọng nhằm vừa đạt mục tiêu hồi sức và vừa đảm bảo an toàn người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.