Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II, Bác sĩ cao cấp Trần Khắc Điền - Đơn nguyên Khám Sức khỏe tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Sốt virus là do các tác nhân virus xâm nhập vào cơ thể gây nên, có rất nhiều loại vi rút thường gặp: Các vi rút đường hô hấp, tiêu hóa,... Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu là vào mùa hè và mùa xuân. Khi mắc bệnh sốt virus nhiều người đã tự ý truyền dịch mà không theo bất cứ chỉ dẫn nào. Vậy có nên truyền dịch khi bị sốt virus?
1. Sốt virus ở trẻ em và người lớn
Khi bị nhiễm virus cơ thể sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus. Sốt là một trong các triệu chứng của đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Sốt cao hay trung bình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đối với một người bình thường khi bị virus tấn công dẫn đến sốt gọi là sốt virus.
Các loại virus hay gặp như sởi, thủy đậu gây viêm phổi,... Tuy nhiên, phổ biến nhất là virus gây bệnh đường hô hấp. Không chỉ vậy, bệnh sốt virus này còn có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp và tiêu hóa, có thể lây lan rất nhanh thành dịch.
Khi bị sốt virus, người bệnh thường có những biểu hiện như sốt cao liên tục hoặc sốt vào buổi chiều hoặc buổi đêm. Khi sốt thân nhiệt người bệnh có thể lên 39 độ C đến 40 độ C, nếu tình trạng này xảy ra ở trẻ nhỏ có thể gây co giật ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sau này.
Cũng có những trường hợp khác chỉ bị sốt nhẹ và có thể bị phát ban sau 2 – 3 ngày. Đi kèm với sốt, người bệnh có thể bị ho, chảy nước mũi, một số bị rối loạn tiêu hóa. Trẻ em khi mắc sốt virus có thể bị viêm hạch ở đầu, cổ, mặt. Khi hạch sưng to sẽ làm cho trẻ đau đớn và quấy khóc.
Sốt virus ở trẻ em nếu như không được phát hiện và chữa trị thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể gây ra tình trạng viêm đường hô hấp, viêm cơ tim và hay gặp nhất là biến chứng não. Khi trẻ nhỏ bị sốt quá cao có thể gây ra hiện tượng co giật và làm ảnh hưởng không nhỏ tới não bộ non nớt của trẻ.
2. Có nên truyền dịch khi bị sốt virus?
Có nhiều bệnh nhân cho rằng việc truyền dịch sẽ giúp “làm mát” cơ thể, “giải nhiệt”, “bù nước”, “bồi bổ cho cơ thể” và việc này hoàn toàn không có hại gì. Tuy nhiên, họ lại không biết nguyên nhân sốt là do đâu và tác động của dịch truyền khi vào cơ thể là như thế nào nên dẫn đến sự thiếu hiểu biết và truyền dịch một cách bừa bãi.
Nhiều phụ huynh cho rằng khi bị sốt phải truyền dịch mới tốt và có tác dụng hạ sốt. Tuy nhiên, chưa có một tài liệu nào khẳng định về tác dụng hạ sốt của việc truyền dịch.
3. Truyền dịch liệu có tốt không?
Chỉ nên truyền dịch khi người bệnh sốt virus có dấu hiệu nôn hoặc tiêu chảy dẫn đến việc cơ thể không bù lại được chất điện giải. Nên bồi bổ cho người bệnh cũng như trẻ em bằng đường ăn uống một cách khoa học sẽ hiệu quả hơn.
Việc bắt trẻ truyền dịch thậm chí không có tác dụng gì mà còn gây nguy hại cho trẻ nếu như bị sốc dịch hay nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm từ tiêm truyền không đảm bảo.
Đã có những trường hợp phụ huynh yêu cầu truyền dịch cho trẻ 2 – 3 ngày mà không thấy con hết sốt, khám lại thì mới phát hiện trẻ bị viêm phổi, viêm màng não,...
Người bệnh không nên truyền dịch nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Sốt virus thông thường sẽ khỏi sau khoảng 3 – 5 ngày, người bệnh và người nhà bệnh nhân không cần quá lo lắng dẫn đến việc sử dụng thuốc và truyền dịch bừa bãi có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Khi phát hiện những dấu hiệu sốt virus cần phải đi khám bệnh để tìm nguyên nhân điều trị kịp thời, tránh lây lan. Vaccine và các dự pháp phòng khác là biện pháp phòng bệnh sốt virus hữu hiệu nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.