Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Hồi Sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong Hồi Sức cấp cứu.
Truyền dịch là một trong các biện pháp được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh. Cũng chính vì vậy mà có nhiều người lạm dụng phương pháp này, tự ý truyền dịch tại nhà khi bị ốm, người mệt mỏi. Việc làm này rất nguy hiểm, bởi ngay cả những trường hợp truyền dịch theo đúng chỉ định của bác sĩ, thực hiện đúng quy trình mà vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai biến.
Tuy nhiên tình trạng người bệnh thấy sốt cao hoặc người mệt mỏi là tự ý truyền dịch đã xuất hiện càng ngày càng phổ biến
1. Truyền dịch là gì? Trường hợp nào cần truyền dịch
Truyền dịch là một biện pháp tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt, đưa những chất có lợi vào cơ thể qua đường máu để hỗ trợ cho việc điều trị bệnh hoặc để phục hồi cơ thể,.... Trên thực tế, việc truyền dịch rất cần thiết, trong nhiều trường hợp truyền dịch còn là biện pháp cấp cứu quan trọng, giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên việc truyền dịch không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ là cắm kim truyền rồi chờ cho dịch chảy hết.
Để bệnh nhân được truyền dịch, bác sĩ cần thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh, từ đó lựa chọn loại dịch truyền, số lượng dịch truyền trong ngày, thời gian truyền và tốc độ truyền thích hợp với từng bệnh nhân. Sau khi có chỉ định của bác sĩ, các điều dưỡng đã được đào tạo sẽ tiền thành truyền dịch. Việc truyền dịch cần phải thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, để có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra hiện tượng sốc phản vệ.
Ngay cả trường hợp truyền dịch theo đúng chỉ định, kỹ thuật truyền đúng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tai biến chứ chưa nói đến việc lạm dụng truyền dịch khi chưa cần thiết hoặc truyền dịch không đúng chỉ đỉnh.
2. Những nguy cơ khi tự ý truyền dịch
Những tai biến nguy hiểm có thể xảy ra khi tự truyền dịch tại nhà đó là:
- Sốc phản vệ có thể dẫn tới tử vong là tai biến nặng nhất.
- Nhiễm trùng máu, cũng là một tai biến nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp hay suy tim, đặc biệt ở những người có các bệnh về tim mạch đã được chẩn đoán hoặc chưa được phát hiện.
- Khi đưa vào trong cơ thể một lượng dịch không cần thiết sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa và làm rối loạn điện giải, từ đó gây ra nhiều hệ lụy khác.
- Khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, C, HIV/AIDS,... do kỹ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng.
- Gây thiếu hụt các yếu tố vi lượng.
- Khi truyền dịch kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng các dung mao của ruột thoái hóa làm cho khả năng hấp thụ thức ăn kém, dẫn tới hậu quả là cơ thể bị thiếu các vitamin và khoáng chất.
- Khi lượng dịch truyền vào cơ thể quá nhiều có thể gây ra tình trạng các tế bào bị mất nước ưu trương, làm teo tế bào não rất nguy hiểm.
Truyền dịch đúng chỉ định, đúng kỹ thuật cũng có thể gặp phải một số tai biến sau:
- Tại chỗ tiêm truyền bị phù, sưng đau.
- Có thể bị rét run, vã mồ hôi, mặt tái nhợt, khó thở, đau tức ngực,...
- Tại vị trí cắm kim tiêm truyền có thể bị sưng tại chỗ hoặc lan tỏa ra xung quanh làm cho vùng da đó bị viêm tấy đỏ, thậm chí có thể bị hoại tử, nhất là khi truyền các loại dịch cung cấp chất dinh dưỡng.
Chính vì những lý do trên, người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà, kể cả truyền dịch hoa quả. Việc truyền dịch cần phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám, được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được đào tạo bài bản và phải tiến hành tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu để có thể xử lý kịp thời khi có tai biến xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.