Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hội chứng chèn ép khoang là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, được chẩn đoán bằng cách đo áp lực khoang theo phương pháp Whitesides. Đây là phương pháp tối ưu để đo được áp lực khoang nhanh và chính xác nhất, giúp bác sĩ sớm có phương án điều trị để tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
1. Thế nào là hội chứng chèn ép khoang?
Trong cấp cứu chấn thương, hội chứng chèn ép khoang là một chấn thương to tăng áp lực trong các khoang cơ - xương đột ngột như máu tụ hay phù nề gây chèn ép lên các bó mạch và dây thần kinh khiến tình trạng thiếu máu chi ở phía hạ lưu gây ra các biến chứng nguy hiểm như liệt cứng cơ do thiếu máu nuôi cơ, hoại tử chi, mất cảm giác, liệt vận động...
Hội chứng chèn ép áp lực khoang nếu không được xử lý nhanh chóng sẽ gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm cho người bệnh:
Hậu quả toàn thân: Chèn ép tuần hoàn mao mạch gây hoại tử tổ chức, nếu quá 4 giờ gây đái ra Myoglobine và gây ra suy thận, quá 8 giờ gây tổn thương chi không thể hồi phục. Phần chi hoại tử có thể khiến bệnh nhân bị toan chuyển hóa với nguy cơ tử vong cao.
Hậu quả tại chỗ: Bệnh nhân có thể bị cụt chi hoặc nếu không thì chức năng của chi đó sẽ kém và gân, cơ hoặc các khớp thường bị xơ cứng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng chèn ép khoang chủ yếu là các chấn thương do tai nạn gây ra trong đó:
- Gãy xương chiếm tỷ lệ lên đến 45% bao gồm cả gãy xương kín và gãy xương hở.
- Các tổn thương mạch máu đặc biệt là sau khi tiến hành phẫu thuật khâu nối mạch máu muộn.
- Các chấn thương phần mềm đặc biệt nặng cũng có nguy cơ hình thành áp lực khoang.
- Bệnh nhân tiến hành phẫu thuật kết hợp xương kín đóng quá kỹ lớp cân sau khi kết hợp xương hoặc do chèn ép bột do không độn lót tốt, không rạch dọc bột.
Ngoài các nguyên nhân do chấn thương, hội chứng chèn ép khoang còn do một số nguyên nhân như người bệnh mắc một số bệnh về máu gây chảy máu và tụ máu trong khoang, do tiêm truyền hoặc do các mảng hoại tử từ bên ngoài như rắn cắn, bỏng gây áp lực khoang
Vị trí thường bị chèn ép khoang gây ra các áp lực khoang nhất trên cơ thể người bao gồm vai, cánh tay, mông đùi, đặc biệt là khoang ở sau bắp chân và khoang trước cẳng tay.
2. Triệu chứng của hội chứng chèn ép khoang
Người bệnh gãy xương sau có cảm giác như bị bóp chặt lấy bắp chân, tay mặc dù đã được điều trị gãy xương bằng cách cố định hoặc nắn chỉnh lại, cảm giác đau đớn ngày càng gia tăng hơn nữa.
- Cẳng chân hoặc tay sưng nề, căng cứng khó chịu
- Các ngón tay hoặc chân cảm thấy đau đớn khi cử động, sưng nề, tuần hoàn máu kém hơn so với bên lành.
- Mạch tại các chi bị tổn thương rất yếu hoặc đôi khi không bắt được
- Người bệnh vận động yếu hơn, có hiện tượng tê bì hoặc mất cảm giác tại chi bị chèn ép áp lực khoang.
3. Đo áp lực khoang theo phương pháp Whitesides
Để xác định chính xác tình trạng áp lực khoang, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện đo áp lực khoang theo phương pháp Whitesides. Để tiến hành đo áp lực khoang, cần chuẩn bị một chai nước muối sinh lý, kim bơm to, huyết áp kế thủy ngân, vòi ba chạc,...
Bác sĩ sẽ tiến hành chọc kim to vào khoang và đo áp lực thủy tĩnh của cột nước dung dịch sinh lý được bơm vào trong khoang.
Đối với người bình thường, giá trị đo áp lực khoang sẽ dao động từ 8 mmHg đến 10 mmHg. Khi giá trị đo áp lực khoang theo phương pháp Whitesides lớn hơn 30 mmHg thì bác sĩ sẽ chỉ định rạch khoang để giải phóng áp lực khoang.
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp và thiết bị hiện đại, dễ dàng thực hiện, cho kết quả chính xác hơn thay thế cho hình thức này (ví dụ ở hình 2)
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.