Hội chứng chèn ép khoang sau can thiệp nội mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.

Hội chứng chèn ép khoang với cơ chế chèn ép do chấn thương gãy xương hay một số nguyên nhân khác là vấn đề cần được giải quyết sớm khi phát hiện ra. Nếu không xử lý kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng như hoại tử, tổn thương không hồi phục lại được phải đoạn chi.

1. Hội chứng chèn ép khoang là gì?

Trong cơ thể, các khoang kín chạy dọc theo một đoạn chi như cánh tay, cẳng chân...với áp lực bình thường trong khoang là từ 0-5 mmHg. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân nào đó làm tăng áp lực mô mềm trong khoang cứng sẽ gây ra hội chứng chèn ép khoang gây ra việc giảm lưu thông máu qua khoang dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ.

Hội chứng chèn ép khoang bao gồm hai dạng cấp tính và mãn tính. Trong đó chèn ép khoang cấp tính diễn ra nhanh chóng gây tổn thương đến cơ, mạch máu và hệ thần kinh. Chèn ép khoang mãn tính thường ít xảy ra hơn, thông thường xảy ra với người hoạt động thường xuyên, liên tục ở các vùng cẳng tay, bàn chân...


Hội chứng chèn ép khoang gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh
Hội chứng chèn ép khoang gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh

2. Nguyên nhân hình thành hội chứng chèn ép khoang

Nguyên nhân hình thành hội chứng chèn ép khoang chủ yếu là do các tai nạn như: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt dẫn đến gãy xương, chấn thương mạch máu, phần mềm...trong số đó gãy xương gây ra hội chứng chèn ép khoang chiếm tỷ lệ 45%.

Bên cạnh các nguyên nhân do tai nạn gây ra, sau đây là một số nguyên nhân khác cũng gây ra hội chứng chèn ép khoang:

  • Bệnh nhân sau khi mổ kết hợp xương
  • Người dùng thuốc chống đông, tiêm calci
  • Người bệnh rối loạn đông máu
  • Người bệnh béo phì, người cao tuổi, người bệnh xơ vữa thành mạch
  • Bệnh nhân không hợp tác khi băng ép hoặc bác sĩ có xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện kỹ thuật ép và băng ép.
  • Biến chứng phù nề hoại tử tổ chức do bị rắn cắn hay bị bỏng.

Người bị béo phì cũng tăng nguy cơ mắc hội chứng chèn ép khoang
Người bị béo phì cũng tăng nguy cơ mắc hội chứng chèn ép khoang

3. Cơ chế chèn ép khoang diễn ra như thế nào?

Theo các nghiên cứu y tế, cơ chế chèn ép khoang diễn ra như sau:

Vòng xoáy bệnh lý: Sự tăng trưởng thể tích các thành phần trong một khoang kín do máu chảy từ ổ gãy vào trong các khoang, sự di lệch của đầu xương gãy hay phù nề tổ chức do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra áp lực trong khoang và tác động trở lại chèn ép các tổ chức trong khoang đó có mạch máu thần kinh.

Việc tăng áp lực khoang sẽ dẫn đến chèn ép tĩnh mạch sau đó gây ứ máu tĩnh mạch ở ngoại vi và gây tăng thẩm dịch ra ngoài thành mạch làm áp lực khoang ngày càng tăng cao dẫn đến tình trạng chèn ép động mạch. Động mạch bị chèn ép khiến máu không thể đến được chi gây ra tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cấp tính gây hoại tử tổ chức hoặc hoại tử chi.


Có nhiều nguyên nhân gây chèn ép khoang
Có nhiều nguyên nhân gây chèn ép khoang

4. Chẩn đoán hội chứng chèn ép khoang

Người bệnh được thực hiện chẩn đoán hội chứng chèn ép khoang càng sớm thì việc điều trị hội chứng này càng thuận lợi hơn với hiệu quả phục hồi cao. Thông thường, việc chẩn đoán hội chứng chèn ép khoang thông qua khám lâm sàng. Đối với bệnh nhân bị chèn ép khoang không phải do tai nạn gãy xương, người bệnh sẽ có các biểu hiện như: Đau và cơn đau ngày càng tăng lên. Khi sờ lên mặt da thấy cứng và căng bóng ở vùng khoang bị chèn ép. Bên cạnh đau, bệnh nhân cảm thấy tê bì, giảm cảm giác hoặc bị rối loạn vận động. Trong trường hợp bệnh nhân bị chèn ép khoang do nguyên nhân gãy xương hoặc chấn thương, thời gian xảy ra chèn ép khoang thường sau 2-6 giờ. Đây cũng là thời điểm vàng để chẩn đoán và điều trị đối với hội chứng này.

Mặc dù đa phần chỉ cần thông qua khám lâm sàng, bác sĩ đã có thể chẩn đoán được hội chứng chèn ép khoang, tuy nhiên một số trường hợp không thể khai thác được các dấu hiệu lâm sàng như: Bệnh nhân bị hôn mê hay bệnh nhân là trẻ em, bác sĩ sẽ tiến hành đo áp lực trong khoang để xác định chẩn đoán. Trường hợp chỉ số áp lực khoang nhỏ hơn 30 mmHg, bệnh nhân có thể tự hồi phục và không cần can thiệp điều trị, nếu chỉ số đo lớn hơn hoặc bằng 30 mmHg thì được đánh giá là ngưỡng điều trị bảo tồn và cần phải phẫu thuật giải áp.


Thông qua khám lâm sàng và các triệu chứng để bác sĩ xác định hội chứng chèn ép khoang
Thông qua khám lâm sàng và các triệu chứng để bác sĩ xác định hội chứng chèn ép khoang

5. Điều trị hội chứng chèn ép khoang

Hội chứng chèn ép khoang xảy ra với tính chất đe dọa và thời gian không quá 6 tiếng thì tiến hành điều trị bảo tồn bằng các cách sau:

  • Loại bỏ các nguyên nhân gây chèn ép như băng bó quá chặt, cắt bỏ chỉ khâu kín da...
  • Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc giảm đau
  • Theo dõi diễn biến chèn ép khoang liên tục từng giờ, nếu tiến triển không tốt thì có phương hướng điều trị kế tiếp

Trường hợp hội chứng chèn ép khoang diễn ra từ 6 -15 giờ thì cần tiến hành phẫu thuật tức thì bằng cách rạch và cân mạch để giải phóng chèn ép, đồng thời cắt lọc mô chết để tránh nhiễm trùng

Nếu người bệnh bị chèn ép khoang xảy ra quá 15 giờ đồng hồ, bác sĩ cần cân nhắc giữa phẫu thuật giải chèn ép và đoạn chi vì nếu thực hiện phẫu thuật giải chèn ép sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như trụy tim, suy thận vô niệu...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe