Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCKI. Lê Văn Quảng là chuyên gia về lĩnh vực Tai Mũi Họng với 15 năm kinh nghiệm.
Viêm tai giữa cấp ứ mủ là bệnh thường gặp, thể hiện tình trạng viêm ở tai giữa có tiết dịch. Dịch tích tụ ở tai giữa nhiều có thể gây ra thủng màng nhĩ để dịch thoát ra ngoài, việc điều trị phụ thuộc vào từng giai đoạn cụ thể.
1. Tổng quan về viêm tai giữa cấp ứ mủ
Tai giữa là một khoang chứa không khí, hệ thống xương tai, và có vòi Eustache thông xuống vùng họng hầu. Tai giữa dễ bị nhiễm bệnh do khi vùng hầu họng bị viêm, gây tắc vòi Eustache làm dịch bị ứ đọng tại tai giữa, các nguyên nhân gây bệnh từ vùng hầu họng di chuyển lên gây bệnh cho tai giữa.
Viêm tai giữa cấp là tình trạng tai giữa bị viêm kéo dài dưới 3 tuần (theo tiêu chuẩn quy ước của Mỹ) với một hay nhiều các triệu chứng cấp tính như sốt, đau tai, chảy dịch tai...
Viêm tai giữa cấp ứ mủ là tình trạng viêm tai giữa mà trong hòm nhĩ có chứa dịch tiết, đây là một trong những giai đoạn của viêm tai giữa.
2. Những chú ý khi điều trị viêm tai giữa cấp ứ mủ
- Tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để nhỏ vào tai.
- Theo dõi các dấu hiệu toàn thân. Nhất là với trẻ nhỏ, cần theo dõi tri giác của trẻ như trẻ có các dấu hiệu như li bì, quấy khóc nhiều...
- Theo dõi sự đáp ứng với điều trị, các dấu hiệu của sau khi điều trị.
- Cần chú ý những biến chứng có thể xảy ra như viêm tai xương chũm, viêm màng não...
- Cần chú ý kết hợp điều trị triệt để tình trạng viêm đường hô hấp.
- Nếu trẻ thường xuyên bị tái phát viêm tai giữa ứ mủ, cần liên hệ cơ sở y tế để có biện pháp phòng tránh như việc cân nhắc đặt ông thông vòi nhĩ.
3. Phòng bệnh viêm tai giữa cấp ứ mủ như thế nào?
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý về tai mũi họng như viêm VA, viêm mũi xoang...
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, tiếp xúc nhiều người như bệnh viện, bến xe,...
- Vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn nhằm hạn chế tình trạng đưa vi khuẩn vào cơ thể.
- Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất nhằm thúc đẩy hệ miễn dịch và nâng cao thể trạng. Với trẻ không nên cai sữa mẹ quá sớm trước 12 tháng.
- Tiêm chủng vắc-xin để phòng các bệnh như cúm, phế cầu...
Viêm tai giữa cấp ứ mủ có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị đúng và kịp thời. Nên khi thấy trẻ có các biểu hiện nghi ngờ cần khám và điều trị sớm.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.