Thận chứa nhiều cuộn mạch máu nhỏ, được gọi là cầu thận, có nhiệm vụ lọc các chất thải từ máu vào nước tiểu. Viêm cầu thận là một dạng bệnh thận, khiến cho thận khó hoạt động theo đúng chức năng. Viêm cầu thận ở trẻ em thường gặp sau nhiễm khuẩn họng liên cầu.
1. Nguyên nhân viêm cầu thận ở trẻ em
Viêm cầu thận ở trẻ em có thể được hình thành do các bệnh như:
- Bệnh tự miễn hệ thống: Hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh, khiến nhiều bộ phận của cơ thể bị ảnh hưởng (ví dụ bệnh lupus ban đỏ hệ thống);
- Viêm đa động mạch: Là tình trạng viêm của nhiều động mạch vừa và nhỏ khắp toàn thân;
- Bệnh u hạt: Là một bệnh tiến triển, khiến tình trạng viêm lan rộng trên tất cả các cơ quan của cơ thể;
- Ban xuất huyết Henoch-Schönlein: Tạo các ban xuất huyết màu tím, kích thước lớn hoặc nhỏ trên da và các cơ quan nội tạng. Bệnh cũng gây những triệu chứng khác trong một số cơ quan;
- Hội chứng Alport: Là một dạng viêm cầu thận di truyền, ảnh hưởng đến cả bé trai và bé gái. Tuy nhiên nam giới dễ gặp các vấn đề về thận hơn;
- Nhiễm khuẩn liên cầu: Viêm cầu thận cấp trẻ em thường xuất hiện sau ít nhất 1 tuần khỏi bệnh viêm họng liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên;
- Viêm gan B: Có thể truyền từ mẹ sang con hoặc bị lây nhiễm qua truyền máu (hiếm gặp hơn).
Những trẻ mắc các bệnh trên sẽ có nguy cơ bị viêm cầu thận cao hơn.
2. Chẩn đoán viêm cầu thận ở trẻ em
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử y tế của trẻ cũng như các thành viên trong gia đình. Sau đó trẻ sẽ được kiểm tra thể chất và làm các xét nghiệm như:
- Cấy dịch tỵ hầu: Được thực hiện để kiểm tra viêm họng do liên cầu khuẩn. Bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc và lau nhẹ nhàng trong cổ họng của trẻ để thu thập vi khuẩn;
- Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá số lượng tế bào máu, mức độ điện giải và chức năng thận;
- Xét nghiệm nước tiểu: Tìm kiếm protein và máu trong nước tiểu, cũng như các vấn đề khác;
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động của tim, cho thấy nhịp tim bất thường và phát hiện tổn thương cơ tim;
- Siêu âm thận: Dùng sóng âm và máy tính để lấy hình ảnh của các mô cơ thể. Thông qua đầu dò trên bụng ở vùng thận, bác sĩ có thể nhìn thấy kích thước và hình dạng của thận, cũng như sự phát triển của sỏi, u nang hoặc các vấn đề khác (nếu có);
- X-quang ngực: Dùng một lượng nhỏ phóng xạ để tạo hình ảnh của các mô, xương và cơ quan trên phim;
- Sinh thiết thận: Một mẫu mô thận nhỏ được lấy ra bằng kim chuyên dụng hoặc trong khi phẫu thuật, sau đó mang đi quan sát dưới kính hiển vi.
3. Điều trị viêm cầu thận ở trẻ em
3.1. Nguyên tắc điều trị
Hầu hết trẻ bị bệnh thận sẽ được theo dõi bởi bác sĩ nhi khoa có chuyên môn về thận. Phác đồ điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em sẽ được chỉ định dựa trên:
- Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và lịch sử y tế của trẻ;
- Mức độ nghiêm trọng và tiên lượng của bệnh;
- Nguyên nhân cơ bản gây bệnh;
- Khả năng chịu đựng của trẻ đối với các loại thuốc hoặc liệu pháp cụ thể;
- Ý kiến hay kỳ vọng của phụ huynh.
Phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em tập trung vào việc làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Nếu viêm cầu thận cấp trẻ em là do nhiễm liên cầu khuẩn, việc điều trị chủ yếu là dùng kháng sinh chữa nhiễm trùng và kiểm soát các triệu chứng liên quan.
3.2. Thay đổi chế độ ăn uống
Là một phần của điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em, bệnh nhi có thể cần phải hạn chế:
- Chất đạm: Protein là chất dinh dưỡng thiết yếu, rất quan trọng cho sự tăng trưởng thích hợp. Tuy nhiên thận không thể loại bỏ hết các chất thải nếu người bệnh ăn quá nhiều đạm. Bác sĩ sẽ đề xuất lượng protein cụ thể trẻ được phép ăn trong ngày;
- Kali: Dù là một chất dinh dưỡng quan trọng, nhưng khi thận không hoạt động tốt sẽ tích tụ thừa kali trong máu. Khoáng chất được tìm thấy trong một số loại thực phẩm nhiều kali, trẻ mắc bệnh có thể cần hạn chế hoặc không ăn chúng;
- Photpho: Thận có chức năng loại bỏ photpho dư thừa ra khỏi cơ thể. Nếu cầu thận bị viêm, quá nhiều photpho sẽ tích tụ trong máu và có thể khiến xương mất dần canxi. Điều này làm cho xương của trẻ yếu và dễ gãy hơn, do đó cần hạn chế thực phẩm giàu photpho;
- Natri: Chế độ ăn ít muối natri giúp ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng giữ nước trong cơ thể. Bác sĩ sẽ chỉ định lượng natri cho phép trong chế độ ăn của trẻ.
3.3. Thuốc
Một số loại thuốc dùng trong điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em có thể bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu;
- Thuốc giảm huyết áp;
- Thuốc ức chế miễn dịch;
- Chất kết dính phosphate để giảm lượng photpho khoáng trong máu.
3.4. Lọc máu
Trong một số trường hợp, bệnh nhi có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng với chất điện giải, làm tăng các chất thải trong máu đến mức nguy hiểm. Nếu trẻ bị quá tải chất lỏng thì có thể cần phải lọc máu để loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa - chức năng vốn do thận đảm trách. Có 2 loại lọc máu là:
- Thẩm phân phúc mạc, hay còn gọi là lọc màng bụng
Phương pháp này sẽ lọc máu thông qua niêm mạc khoang bụng và có thể được thực hiện tại nhà. Khoang bụng là không gian chứa các cơ quan như dạ dày, ruột và gan. Lớp lót được gọi là phúc mạc.
Đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật đặt một ống thông mỏng vào bụng của trẻ. Sau đó thẩm tách chất lỏng làm sạch vô trùng qua ống thông vào khoang màng bụng. Chất lỏng lưu lại trong bụng một thời gian để hấp thụ các chất thải thông qua phúc mạc. Cuối cùng chất lỏng được dẫn lưu từ bụng và loại bỏ ra ngoài. Quá trình bơm và thoát chất lỏng này được gọi là trao đổi.
Được thực hiện trong trung tâm lọc máu hoặc bệnh viện. Một thiết bị đặc biệt nối động và tĩnh mạch với nhau, được gọi là lỗ rò động mạch (AV), được đặt vào trong cánh tay bệnh nhân qua tiểu phẫu. Một ống thông IV (tiêm tĩnh mạch) bên ngoài cũng có thể được đưa vào, nhưng ít phổ biến trong những trường hợp lọc máu dài hạn.
Sau đó bệnh nhân sẽ được kết nối với một máy chạy thận nhân tạo lớn. Máu được hút ra từ một ống, đưa vào máy để lọc chất thải và chất lỏng dư thừa. Máu đã lọc sau đó chảy qua một ống khác vào lại cơ thể.
Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện vài lần một tuần, mỗi lần kéo dài trong 4 - 5 giờ. Phụ huynh có thể mang theo đồ chơi hoặc đọc sách truyện cho con nghe trong suốt quá trình này.
Nhìn chung, điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản, có thể bao gồm hạn chế chất lỏng, thay đổi chế độ ăn uống, dùng một số loại thuốc hoặc lọc máu. Phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ về các rủi ro, lợi ích và tác dụng phụ có thể gặp của tất cả các phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em.
.
Nguồn tham khảo: chop.edu; stanfordchildrens.org
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM: