Ung thư phổi di căn hạch xảy ra khi các tế bào ung thư từ phổi phát triển và lan rộng đến các hạch bạch huyết ở vùng cổ, ngực, nách,... khiến việc điều trị khỏi hoàn toàn trở nên rất khó khăn. Nếu người bệnh được phát hiện từ giai đoạn sớm có thể kiểm soát được tình trạng bệnh hiệu quả hơn. Dưới đây là một số thông tin về cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Những triệu chứng điển hình của ung thư phổi di căn hạch
Ung thư phổi thường phát triển một cách âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, do đó dễ bị nhầm lẫn với các bệnh như viêm phổi, lao phổi hoặc áp xe phổi. Khi ung thư phổi di căn đến hạch, các dấu hiệu dễ nhận biết hơn sẽ xuất hiện, bao gồm các hạch bạch huyết sưng to và có thể sờ thấy được nhưng không đau. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến khác của ung thư phổi:
- Ho dai dẳng, ho ra máu;
- Khó thở;
- Sút cân và ăn mất ngon không rõ nguyên nhân;
- Khàn giọng, khó nuốt;
- Phù mặt - cổ - tay do tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên.;
- Ngón tay dùi trống nhưng khá hiếm gặp.
Nếu nhận thấy các hạch, đặc biệt là hạch ở cổ, to hơn bình thường và đi kèm với các triệu chứng đã nêu trên, có khả năng cao người bệnh đã mắc phải ung thư phổi di căn hạch cổ. Trong trường hợp này, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và lập kế hoạch điều trị phù hợp.
2. Điều trị ung thư phổi di căn hạch ở cổ
Ung thư phổi di căn đến hạch ở cổ thường được xếp vào giai đoạn 3b hoặc giai đoạn muộn hơn. Có nhiều phương pháp điều trị khả dụng, nhưng phương pháp tối ưu nhất sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể, điều kiện kinh tế và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân để đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
Khi ung thư phổi đã ở giai đoạn di căn, mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát bệnh và kéo dài thời gian sống cho người bệnh, chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển không ngừng của y học hiện đại trên thế giới, có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi hiệu quả cao như:
2.1. Phương pháp xạ trị
Xạ trị được áp dụng cho bệnh nhân ung thư phổi di căn hạch ở cổ có tổng trạng kém. Mục đích của phương pháp này là giảm nhẹ các triệu chứng liên quan đến bướu và hỗ trợ kiểm soát các vùng bệnh sau phẫu thuật. Phương pháp xạ trị vào các vị trí hạch ở cổ có thể được sử dụng để kiểm soát sự tiến triển của bệnh.
2.2. Phương pháp hóa trị
Phương pháp hóa trị thường được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ sau phẫu thuật. Trong trường hợp ung thư phổi di căn hạch cổ mà không áp dụng được phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích, hóa trị có thể giúp giảm tỷ lệ phát triển và di căn của tế bào ung thư.
Phương pháp hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đối với người bệnh, do đó việc cân nhắc và theo dõi kỹ lưỡng tình trạng của người bệnh trong suốt quá trình điều trị là rất cần thiết.
2.3. Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích thường cho kết quả khá tốt đối với bệnh nhân ung thư phổi di căn hạch cổ. Liệu pháp nhắm trúng đích được chỉ định sử dụng khi kết quả tế bào học có kết quả phù hợp. Liệu pháp này thường được chỉ định khi bệnh ung thư phổi di căn đến hạch có yếu tố tăng trưởng biểu bì EGFR+. Trong trường hợp này, việc sử dụng thuốc phân tử nhỏ và kháng thể đơn dòng là những phương pháp được ưu tiên vì ít gây độc tính hơn so với hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, chi phí điều trị cho các liệu pháp này lại khá cao.
2.4. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch được sử dụng cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thụ thể PDL-1(+). Phương pháp này được đánh giá cao về mức độ an toàn và hiệu quả đáp ứng, nhưng chi phí điều trị lại khá cao.
2.5. Điều trị giảm nhẹ
Khi bệnh nhân mắc phải tình trạng tràn dịch màng phổi ác tính tái phát nhanh, các phương pháp điều trị giảm nhẹ thường được lựa chọn để thực hiện, bao gồm làm xơ hóa màng phổi và dẫn lưu khoang màng phổi. Đối với trường hợp ung thư phổi di căn hạch ở cổ gây ra tắc nghẽn phế quản hoặc xẹp phổi gây khó thở, bệnh nhân có thể được áp dụng các phương pháp như đốt bằng tia laser hoặc áp đông, kết hợp với xạ trị ngoài để điều trị.
3. Ung thư phổi di căn hạch sống được bao lâu?
Việc xác định chính xác tuổi thọ của bệnh nhân khi mắc ung thư phổi di căn đến hạch là rất khó. Theo cơ sở dữ liệu của chương trình giám sát và dịch tễ học cùng với các kết quả từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, ung thư phổi được phân loại theo các giai đoạn như sau:
- Ung thư phổi khu trú: Trong giai đoạn này, không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra ngoài phổi.
- Ung thư phổi khu vực: Giai đoạn này đánh dấu sự lây lan của ung thư ra ngoài phổi, đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận.
- Ung thư phổi xa: Giai đoạn này ung thư đã di căn đến các bộ phận xa hơn như não, xương, gan,...
Dựa trên các giai đoạn này, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi bệnh nhân mắc ung thư khu vực đối với ung thư phổi tế bào nhỏ là 16% và 35% đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Tuy nhiên, những con số trên chỉ mang tính chất tham khảo ban đầu và có thể thay đổi tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của người bệnh, loại ung thư phổi mắc phải, khả năng đáp ứng với thuốc điều trị và sự đột biến gen của tế bào ung thư. Do đó, bệnh nhân có thể trạng tốt sẽ có tiên lượng khả quan hơn và có thể giảm thiểu tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.
4. Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi di căn hạch
Bệnh nhân ung thư phổi di căn đến hạch ở cổ với tình trạng sức khỏe tổng thể kém có thể làm giảm tiên lượng điều trị và gây khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp điều trị triệt để. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cân nhắc ưu tiên chăm sóc giảm nhẹ, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ tăng cường thể trạng và ổn định tâm lý cho bệnh nhân.
Cách chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ đối với từng triệu chứng cụ thể, bao gồm:
- Khó thở: Triệu chứng khó thở có thể kiểm soát bằng các phương pháp điều trị đặc hiệu (xạ trị, hóa trị…), chọc dịch màng phổi, phục hồi chức năng phổi, sử dụng thuốc hoặc điều chỉnh tư thế nằm để thoải mái hơn.
- Triệu chứng đau: Để giảm đau người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc hỗ trợ như thuốc giảm đau dây thần kinh, an thần và giãn cơ. Các phương pháp giảm kích thước khối u cũng có khả năng làm dịu cơn đau của bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tự điều chỉnh tư thế thích hợp để giảm đau, tập thư giãn và thiền định.
- Mệt mỏi: Người bệnh nên nghỉ ngơi trước khi cơ thể quá mệt mỏi, dành thời gian cho bạn bè và người thân để tinh thần thoải mái hơn. Đồng thời, bệnh nhân nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ về các bài tập thể dục phù hợp và có thể cân nhắc châm cứu để giảm mệt mỏi.
- Sút cân và chán ăn: Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn đồ ăn mềm và dễ tiêu, lựa chọn những thực phẩm giàu năng lượng và protein. Bệnh nhân nên tránh những thức ăn chứa chất béo và đường vì có thể khiến bệnh nhân cảm thấy buồn nôn.
- Vệ sinh cá nhân: Vấn đề vệ sinh cá nhân cần được chú trọng vì điều này giúp tâm trạng bệnh nhân thoải mái, tăng sự tự tin và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Diễn tiến của ung thư phổi di căn hạch khá phức tạp, ung thư lan rộng theo các mô, đường máu và hạch bạch huyết. Khi ung thư di căn đến hạch cổ, bệnh đã tiến vào giai đoạn nặng, bệnh nhân cần được khám và chẩn đoán kỹ lưỡng để xác định phương pháp điều trị thích hợp.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi cần dựa trên sự đánh giá của bác sĩ điều trị. Để hỗ trợ bệnh nhân thích nghi với quá trình điều trị, người nhà nên thiết lập một thói quen hằng ngày phù hợp với bệnh nhân, tạo môi trường an toàn và luôn đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt quá trình đối mặt với bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.