Ung thư tinh hoàn là bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% bệnh ung thư ở nam giới và chiếm khoảng 5% trong các bệnh ung thư về đường sinh dục - tiết niệu. Có nhiều câu hỏi xoay quanh căn bệnh này, nhưng được quan tâm nhất vẫn là việc điều trị ung thư tinh hoàn có được không hay ung thư tinh hoàn có con được không.
Độ tuổi mắc ung thư tinh hoàn ở nam giới thường gặp là từ 25 đến 35 tuổi. Bệnh có triệu chứng điển hình là một khối cứng và đặc trong bìu, tuy nhiên không gây đau.
Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn được cho là do người bệnh có tinh hoàn ẩn (tinh hoàn nằm trong ổ bụng thay vì nằm trong bìu), tinh hoàn bị teo, hoặc tiền sử gia đình có cha hoặc anh, em trai bị ung thư tinh hoàn; bệnh cũng có thể do người mẹ sử dụng các thuốc nội tiết tố khi mang thai .
1. Điều trị ung thư tinh hoàn như thế nào?
Ung thư tinh hoàn là bệnh không lây nhiễm và hoàn toàn có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, điều trị ung thư tinh hoàn như thế nào là tùy thuộc vào loại ung thư (ung thư dòng tinh và ung thư không phải dòng tinh) và giai đoạn của bệnh:
- Giai đoạn I: Ung thư chỉ khu trú ở tinh hoàn;
- Giai đoạn II: Ung thư lan rộng tới vùng hạch bạch huyết phụ cận;
- Giai đoạn III: Ung thư di căn ra khỏi tinh hoàn.
Phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có khối u. Sau khi phẫu thuật, tùy thuộc vào kết quả giải phẫu mà có thể phối hợp hóa trị và xạ trị. Phương pháp phẫu thuật được áp dụng đối với ung thư không phải dòng tinh ở giai đoạn sớm của bệnh. Khi ung thư dòng tinh bào lan rộng thì thường áp dụng phương pháp xạ trị, nếu ung thư di căn xa hơn thì áp dụng thêm phương pháp hóa trị.
Khi khối u di căn thì tỷ lệ điều trị ung thư tinh hoàn thành công là trên 73%. Tùy vào giai đoạn và mức độ di căn của khối u mà tỷ lệ chữa khỏi bệnh có thể lên đến 99%.
Nếu bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn, chi phí điều trị giảm và ít gặp biến chứng. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật điều trị ung thư tinh hoàn cần tái khám để được các bác sĩ theo dõi, phòng trường hợp khối u tái phát hoặc di căn xa sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
2. Ung thư tinh hoàn có con được không?
Bị ung thư tinh hoàn có con được không? Câu trả lời là việc loại bỏ một tinh hoàn không ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sinh sản của nam giới. Nếu người bệnh trong độ tuổi sinh sản và mong muốn có con sẽ được hướng dẫn làm thêm các xét nghiệm chuyên về sinh sản và tinh dịch đồ, đồng thời được hướng dẫn trữ tinh trùng trước khi tiến hành điều trị ung thư tinh hoàn.
Để phòng ngừa bệnh ung thư tinh hoàn, nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi nên tự kiểm tra tinh hoàn tại nhà bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất là 1 lần/tháng. Phương pháp này đơn giản, dễ theo dõi và áp dụng. Khi sờ thấy có một khối đặc bất thường ở trong bìu và mặc dù không gây đau, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để được thăm khám và điều trị ung thư tinh hoàn kịp thời.
Mặc dù là bệnh hiếm gặp nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm chất lượng sống, có thể dẫn đến hiếm muộn và tử vong. Do đó, nam giới cần tự kiểm tra tinh hoàn để có thể phát hiện và điều trị ung thư tinh hoàn kịp thời.
XEM THÊM: